HƠI THỞ CHÁNH NIỆM CỦA TĂNG THÂN | Hộ niệm cho Giác linh Tỳ-kheo Thích Chân Trời Hải Thượng

Đại chúng gần và xa thương mến!

Tăng thân Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan trân trọng báo tin sự ra đi của Thầy Thích Chân Trời Hải Thượng, đệ tử thứ 876 của Sư Ông Làng Mai, thuộc thế hệ thứ 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 phái Liễu Quán.

Thầy Hải Thượng xuất gia thọ giới Sadi năm 2014, thuộc gia đình xuất gia Cây Sồi Đỏ.  Thầy thọ giới Lớn trong Đại Giới Đàn Bây Giờ Ở Đây (ngày 22/02/2019) tại Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan.  Thầy là một thành viên trẻ tuổi, năng động, vui tươi, luôn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng các hoạt động tu học của Tăng thân.

Vâng lời Tăng thân, Thầy cùng một số các Thầy đã xin phép chuyển chúng để sang yểm trợ cho Học viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu – Làng Mai Đức Quốc.  Không gián đoạn, Thầy giữ vững niềm tin và ngọn lửa của tinh thần người trẻ, thương kính Thầy Tổ, yêu quý bạn đồng môn.  Thầy đã tham gia hết lòng trong những công tác được giao tại Học viện.

 

Sáng 15/10/2023, sau khi tham dự thời khoá công phu sáng trở về, sức khoẻ của Thầy dần dần có những biến đổi và rồi tim Thầy ngưng nhịp.  Thầy ra đi trong hơi thở nhẹ và đã nhận được sự có mặt hộ niệm của Quý Thầy tại Học viện.

“Tình thương không bao giờ nói rằng đây là lần cuối.”  Với tình thương, ta ôm ấp luôn cả những giây phút chạnh lòng.  Kính mong Đại chúng xa và gần duy trì sự thực tập, mỉm cười, ngồi yên, lạy Bụt, và bước đi trong chánh niệm để hộ niệm cho Thầy.

Thương yêu và tin tưởng!

Quý Thầy, quý Sư cô

Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan

 

“đã trót thương tấm áo nâu vách núi từng nút gài thu giấu hình hài sắc hương mùa xuân đang tràn đầy nhựa sống; sức trẻ tuổi trinh nguyên em cúi xuống chọn hạnh của đất thanh bần, từ đây nguyện giữ lòng như băng tuyết tinh khiết, mỗi mỗi tâm niệm hướng về nẻo an lành”

 

Thầy Chân Trời Hải Thượng, Pháp danh: Tâm Nhất Niệm, thế danh: Vũ Xuân Thành sinh ngày 29 tháng 04 năm 1990 ở tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Thầy xuất gia và thọ giới Sa Di ngày 18 tháng 12 năm 2014 tại tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan, trong gia đình Cây Sồi Đỏ. Thầy thọ giới Lớn vào ngày 22 tháng 02 năm 2019 tại Tu viện Vườn Ươm trong đại giới đàn Bây Giờ – Ở Đây. Thầy Trời Hải Thượng là đệ tử thứ 876 của Thầy Làng Mai, thầy thuộc thế hệ thứ 43 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 09 của phái Liễu Quán.

Nghĩ về hình ảnh của thầy Trời Hải Thượng trong Tăng thân, chắc hẳn những ai đã từng có cơ duyên tiếp xúc đều trào dâng một niềm mến thương và quý kính; bởi nơi dáng dấp của một con người mảnh khảnh thư sinh, nhẹ nhàng, bình dị và khiêm tốn kia là một trái tim đầy nhiệt huyết phụng sự, một lý tưởng cao vời vợi, một tâm hồn trong sáng, nhân hậu và cao thượng.

Thầy là hình ảnh của của một người xuất sĩ dấn thân phụng sự không biết mệt mỏi. Trong suốt chặng đường 10 năm gắn bó cùng Tăng thân, thầy luôn luôn không từ nan bất kỳ công việc nào mà Tăng thân giáo phó. Từ nhà chuyển hóa rác, cho đến văn phòng ghi danh, hay các bệnh viện lớn nhỏ khắp nơi trong vùng… bất cứ nơi nào có mặt, thầy đều đem hết tình thương, tinh thần trách nhiệm và sự thực tập của mình ra để cống hiến. Một đống rác bẩn đang chờ xử lý, một người thiền sinh đang ở tận cùng của khổ đau tha thiết được ghi danh đến Làng, một người huynh đệ giữa đêm khuya quằn quại vì cơn đau ruột cấp… đều trở thành những đạo tràng tu tập của thầy. Khi biết Tăng thân ở học viện Âu Châu (EIAB) đang rất cần thêm nhân sự để duy trì và phát triển, nhận thấy mình có khả năng đóng góp được, thầy đã không ngần ngại xin phép được chuyển chúng, tạm rời bỏ vùng đất Thái Lan – “thiên đường tuổi thơ” của thầy, để đi theo tiếng gọi của Tăng thân. Tinh thần hy sinh và sự cống hiến của thầy luôn là niềm cảm hứng và khích lệ cho các huynh đệ cùng noi theo.

Thầy là hình ảnh của một người tu với tâm bồ đề dũng liệt, với lý tưởng sống cao vời. Lý tưởng một đời của thầy là xây dựng một đoàn thể tu học trong đó mọi người sống hòa hợp, biết thương yêu, nâng đỡ lẫn nhau trên nền tảng của sự thực tập và giới luật, để tiếp nối được sự nghiệp của Sư Ông, đưa đạo Bụt đi vào cuộc đời. Còn nhớ những đêm không ngủ, anh em cùng bàn về hướng đi cho ngày mai của Tăng thân, về mối băn khoăn trăn trở đối với những vấn đề còn tồn đọng trong chúng, về những ước mơ, giải pháp mà mình có thể đóng góp được. Và thế là những bài viết, những tiểu luận, những tờ tập san, chương trình giáo dục, chương trình xuất gia, định hướng mô thức vận hành chúng… dần ra đời, tất cả đều có sự đóng góp từ bàn tay, khối óc và trái tim của thầy. Những đóng góp của thầy thật lớn nhưng cũng thật âm thầm. “Xin đừng cho mọi người biết ý này là của con”, “Xin đừng nói cho người khác biết bài này là do con viết”, đó là những câu mà thầy thường hay nhắc. Chính vì vậy mà những ý tưởng sáng tạo của thầy có ít người có thể biết được, những bài viết của thầy hiếm khi đề tên chính tác giả. Đó chính là tinh thần vô ngã, thấy những gì mình làm được cũng đều là thành quả chung của Tăng thân.

Thầy là hình ảnh của một người sư em dễ thương, một người sư anh mẫu mực đáng kính. Mỗi khi gặp ai, thầy cũng hay mỉm cười và chào hỏi đầy thân thiện. Đó cũng là lúc thầy cống hiến sự có mặt tươi mát, bình an và vô úy của mình. Là một người mà ai cũng có thể dễ dàng tới với được, chúng ta cũng không lạ gì hình ảnh thầy ngồi lắng nghe những người huynh đệ tìm đến để tâm sự, chia sẻ những khó khăn khổ đau, kể cả bên nam cũng như bên nữ. Thầy thường truyền cảm hứng cho các sư em về việc học; quà tặng của thầy cho các sư em của mình thường là các cuốn bài tập tiếng Anh, giấy bút viết chữ Hán, hay là cả một cuốn sách dày hơn cả nghìn trang tổng hợp về hệ thống chữ Hán do chính thầy biên soạn. Trong công phu tu học, thầy luôn là một trong những người siêng năng, tinh tấn nhất. Mặc dù công việc của thầy thường rất nhiều, có nhiều hôm phải thức khuya để chăm sóc cho huynh đệ bị bệnh, hoặc là những khóa tu cận kề phải làm việc đến khuya để chạy deadline cho kịp ghi danh, cộng thêm chứng bệnh rối loạn tiêu hóa khiến thầy thường xuyên cảm thấy khó chịu. Thế mà ít khi thấy thầy bỏ các thời khóa của đại chúng. Thời khóa đối với thầy đã là thức ăn, là niềm vui, là sự cống hiến của thầy cho đại chúng. Cho đến giờ phút cuối cùng của thầy cũng là lúc thầy trở về sau thời công phu sáng tại Học Viện.

Hình ảnh của thầy còn là một người con hiếu thảo, biết tận tụy chăm lo cho gia đình. Có lần khi nhận được nhuận bút từ một tờ báo mà mình có đóng góp bài viết, thầy chia sẻ vui rằng: “Đây là lần đầu tiên sau khi đi xuất gia con tự làm ra tiền được. Số tiền này con sẽ để dành lấy, ít bữa nữa về Việt Nam con sẽ mua quà tặng bố!”. Hoàn cảnh gia đình của thầy cũng còn khá khó khăn chật vật, khi mẹ thầy mất sớm, thầy sống từ nhỏ với bố và dì (mẹ kế). Bố thầy hiện cũng đã lớn tuổi và dì thì cũng chỉ làm công việc công nhân bình thường để mưu sinh. Là người con trai lớn trong gia đình có 3 anh chị em, thầy rất được kỳ vọng sẽ học để sau này trở thành bác sĩ. Nhưng thầy đã không tìm thấy niềm đam mê và ý nghĩa đời sống mình nơi việc theo đuổi sự nghiệp đó. Thầy đã đi theo tiếng gọi của lý tưởng, của con tim để trở thành một người tu sĩ, để rồi luôn tìm thấy hạnh phúc và mãn nguyện nơi sự lựa chọn đó của mình. Thầy đã đóng được vai trò là người dẫn dắt tâm linh cho gia đình, đưa được bố sang Làng tu tập, giúp được em gái ra khỏi giai đoạn khó khăn về chuyện tình cảm. Thầy cũng rất mong sắp xếp được cho em trai của mình có điều kiện để sang Làng, nhưng tiếc là ước mong đó của thầy vẫn chưa thực hiện được.

Dẫu biết rằng cuộc đời là vô thường, nhưng sự ra đi đột ngột của thầy không khỏi khiến tất cả mọi người bàng hoàng và thương tiếc. Vào buổi sáng ngày 15 tháng 10 năm 2023 tại Học Viện Âu Châu, trái tim nóng hổi của thầy bất ngờ thôi đập trong lòng ngực nhỏ. Để lại đó vô vàn những ước mơ, những dự tính, những hứa hẹn mà anh em đang đợi ngày tương phùng… Sáng nay, những bước chân nhẹ nhàng tỉnh thức trong nắng ấm như đã đón chào sự trở về vô tướng của thầy nơi Vườn Ươm xưa, nơi mảnh đất tuổi thơ của thầy. “Con xuất gia ở Làng Mai Thái Lan, và thấy đạo cũng ở Làng Mai Thái Lan!”, đó là lời tuyên bố của thầy trong một lần trò chuyện. Đã là một sự trở về vô tướng thì đâu cần phải về nữa, vì thầy đã biểu hiện nơi từng ngọn cây, nụ hoa, phiến đá, con đường, nơi từng con người, từng khía cạnh của đời sống nơi đây rồi. Thầy đã đến và dạo chơi trong khu vườn Tăng thân rất đẹp; những ước mơ, hoài bão của thầy đây, những người ở lại sẽ nguyện viết tiếp, xin thầy hãy thanh thản!

Hạnh phúc làm tăng giữa đất trời

Khoác phước điền y bước thảnh thơi

Đi ở tùy duyên, còn hay mất

Thảy cho gió nhẹ tiễn mây trôi.

 

Xin tiễn biệt người huynh đệ kính quý!

TRÓT THƯƠNG

                                                                – Tâm An –                  

“ Trót thương” là một bài thơ của thầy Trời Hải Thượng dưới bút danh “Tâm An”. Bài thơ được viết dưới thể văn xuôi, ghi lại những kỷ niệm, những cảm xúc, những nỗi niềm thổn thức, những ưu tư trăn trở của thầy nơi mảnh đất và con người tu viện Vườn Ươm Thái Lan – quê hương tâm linh của thầy. Thầy có chia sẻ dự định sẽ đăng bài thơ trong tập san nhân dịp kỷ niệm 20 Làng Mai Thái Lan, nhưng sợ phải chờ đợi lâu quá nên có thể đăng nó trong dịp Tu viện Vườn Ươm tròn 12 tuổi. Cuộc sống ai biết được chữ “ngờ”, những vần thơ đẹp và trong sáng như giọt sương mai kia ai ngờ đâu hôm nay lại là những dòng tiễn biệt thầy trong một cuộc hành trình mới…”

 

Đã trót thương phía trời Đông mây thoáng hồng ươm nắng bình minh, từ đằng Tây chiếc khăn mây vòng qua chân núi chạy dài bồng bềnh một dải Khaoyai, đồng sắn ngô, xóm làng thị trấn ngọn tháp trắng trở mình trong sương mờ ảo, nắng lên nâng lớp mây mỏng dần dâng tới khoảng không đỉnh núi, ngày đã lên theo nắng nâng bàn chân nhịp sống lại tuần hoàn

 

Đã trót thương con đường nguyệt quế, con đường thơm dẫn tới một khung trời quang đãng, sớm bước thiền đi về khẽ chạm những đôi cánh trắng dập dờn giả bộ rụng trên lối rêu rải đầy hoa nắng 

 

Đã trót thương những sớm tinh sương nắng hiền tơ non rải vàng tươi từng mảng khu vườn xanh lung linh lưu ngàn giọt ngọc

 

Đã trót thương giờ công phu ăn sáng, tâm địa bụi âm thanh còn chưa khuấy động, miếng cơm đôi lần nhai khẽ rau cỏ hạt đậu không còn đau nỗi niềm tranh sống mà nuôi nhau, những lo toan vất vả tới đây xin chuyển hoá trả về lại bình an

 

Đã trót thương lòng vườn xanh um thảm cỏ đậu hoa vàng đợi hứng màn mưa bụi giăng giăng đan vào lưới nắng cùng chùm trên bốn phía hiên nâu

 

Đã trót thương đồng rộng cao nguyên, đất trời mây núi một dải nối liền chùa tháp ẩn hiện nếp nhà bình dị dừng chân một chiều cùng nhau thả dốc đạp xe nơi con lộ vắng vắt qua đồi chiều im gió, chợt đàn chim lạ theo nhau đi đâu vội vã bỏ lại vết tiếng đập giữa thinh không đông giá

 

Đã trót thương chút gió mát lạnh gọi nhau nổi lên thành tiếng rì rào động một vùng lá rộng sườn đồi, vườn xoài rụng trái, báo cơn dông xa sắp ngang qua

 

Đã trót thương một thoáng dừng chân chạm được lắng yên, địa đàng chắc thật vững vàng đón kiếp người đi hoang đã về nương tựa, dẫu mới chỉ đặng trong chốc lát

 

Đã trót yêu ca từ dòng Nước Tịnh, “mặt trời như trái tim đỏ tươi”, hẳn chứ! “Ta vẫn sống trong ta” những tháng ngày ấp ủ nuôi tiếng gọi lên đường

 

Đã trót thương đàn kiến băng đường thành dòng trôi qua nắng sớm lung linh, đàn sẻ ríu rít sà xuống đồng ngô mới hái, hay thường râm ran vòm tre sáng chiều, đàn ong cần cù xúm xít cất xây, dòng người bồng bềnh đi thiền trong sớm sương, giọt nước sau tháng năm tuổi trẻ kiếm tìm thấy những liên kết định mệnh của mình hoà dòng xuôi lối thênh thang hạnh phúc

 

Đã trót thương tàng cây đung đưa, bầu trời đung đưa, ghế treo đung đưa trên bãi cỏ một sớm nắng xiên tựa hàng me gió hiền nhè nhẹ thổi nơi Vườn Ươm hôm ấy đàn con trai con gái áo nâu của Bụt vui đùa, ấu thơ về lại; gia tài vẫn giàu Chánh Pháp, giúp nghèo Khổ Đau, tiếng cười theo gió, vang vào thiên thâu

 

Đã trót thương lời ca thiền bình dị gom nhặt ý từ rúng động những tham cầu, tìm đâu xa hạnh phúc?!

 

Đã trót thương khoảnh khắc tâm linh, một cơ thể cùng xướng tụng, tâm kinh hùng tráng liễu biếc sen hồng tiêu tan trần luỵ, sạch dấu phong trần, mùa xuân sống dậy, gọi tiếng Qua Bờ

 

Đã trót thương những chiều yên ả, mây trời với nắng phối màu hoàng hôn kì lạ phía trời xa núi đồi trập trùng một dải mềm mơ

 

Đã trót đi lối cỏ chiều gió con đường dẫn về một vùng đất đỏ dáng chiều nhuộm tím chùm núi xa, cả khoảnh vườn gần không gian nín thở phút chốc rồi giã từ, chìm sâu giấc ngủ để một mình suy tư rẽ muôn lối bước đêm

 

Đã trót thương trăng đêm kiên nhẫn đợi bước khuya dời góc suy tư, dạo mắt qua khu vườn đầy bóng lá thêu hoa hoà tiếng dế còn thức ngợi ca tĩnh mịch, thời gian mệt ngủ quên đọng ướt trên mái ngói màu trăng

 

Đã trót thương một góc riêng bí mật, hàng dương, rừng keo hay mé đồi gốc me hàng phượng, chợt hoá thiên đường sau ngày Chủ Nhật, sớm đầu tuần võng, chiếu, loa “tất bật”, cùng nhau thơ, trà, bánh… tập lại cách buông bỏ, biếng lười

 

Đã trót thương mình, phút nhận ra  toàn thân mệt mỏi, dưới nếp trán nhăn nghĩ suy đuổi nhau như chớp giật, một bãi chiến trường sau đôi mắt nhắm; nhớ hơi thở nhẹ, biết đã có lối về, có thể mỉm nụ cười với dòng hiện hành dẫu còn hung mãnh

 

Đã trót thương khoảng lặng tiếng chuông, toàn thân chìm vào yên lắng giờ mặt trời đứng bóng, hai trăm con người lặng nghe tiếng gọi trở về, đồng tâm dừng lại tạo một vũng trầm tưởng như bất tận, đón vào tiếng chim kêu, chó sủa, quạt máy, xe chạy; cảm nhận không phải ồn ào mà là thanh âm sự sống nhiệm màu

 

Đã trót thương tiếng nói trong tâm mỗi lần chút nghi ngại thoáng đi lên: “nước không rửa nước, bụi không vương bụi”, nghi ngại cũng ngại ngọn đèn nhận diện, có gì con không làm được?!

 

Đã trót thương gương mặt trẻ, em từ đâu tới và đang tìm chi, không đến nơi đây vì vị Thầy nổi tiếng, cũng chưa từng nghe biết Thiền sư, nhưng khổ đau hôm nay trên tay em đang thật có – tuổi hai mươi vốn liếng bấy nhiêu ra đi tìm câu trả lời chân thực; từ đó tương lai chúng ta sẽ cùng dựng xây tiếp nối, từ gia tài Người để lại

 

Đã trót thương tấm áo nâu vách núi từng nút gài thu giấu hình hài sắc hương mùa xuân đang tràn đầy nhựa sống; sức trẻ tuổi trinh nguyên em cúi xuống chọn hạnh của đất thanh bần, từ đây nguyện giữ lòng như băng tuyết tinh khiết, mỗi mỗi tâm niệm hướng về nẻo an lành;

 

Đã trót thương bữa hẹn cơm chiều làm biếng, mấy anh em chung phòng kiên nhẫn đợi nhau tối mịt, gom góp quây quần cơm canh muống luộc chấm tương, đêm rằm đèn nến tù mù chờ trăng không lộ diện. Chạy mưa!

 

Đã trót giận, mà thương những hành xử ngây thơ vụng dại, nét cười hồn nhiên vị Mâu ni trẻ tuổi, nhìn lại nơi mình cũng thấy mình đã từng thơ dại tuổi đôi mươi.

 

Đã trót thương mình biết thương mình đã thành như thế và không thể không như thế, phút hiện tại này tạo tác đã có thời điểm hẹn dừng

 

Đã trót thương một chất liệu, dẫu thay muôn hình vạn dạng vẫn có thể nuôi đời, nhân duyên để Bụt giúp, khóc cười vẫn khóc cười

 

mới trót thương tất cả, … 

– Chân Trời Hải Thượng – 

NGƯỜI ĐI HÁI THUỐC ĐẦU NON

 

Kính viếng giác linh Thích Chân Trời Hải Thượng

 

Trong rừng Sồi sáng nay

Dậy sớm như mọi ngày,

Người chuẩn bị hành trình hái thuốc

Đường dẫu xa bàn chân không ngại bước

Rừng thiền sâu chứa thuốc quý vô cùng

Đôi chân gầy nhịp bước ung dung

Áo giới ấm giữ thân đường xa lạnh

Nụ cười hiền trong tim người thiền định

Chọn lối đi lấy bi trí làm đầu

Dấn mình trong rừng tuệ thâm sâu

Thuốc chánh niệm giúp đời an vạn nẻo….

Chia xa quê mẹ Thái Bình

Giã từ giảng đường đại học

Chào Rừng Sồi gần 10 năm ẩn dật

Hiền giả lên đường hái thuốc núi trời xa…

Áo nâu bay in vệt giữa chiều tà

Năm tháng chẳng nhạt nhòa y áo cũ

Tăng thân giữ biết bao mùa vụ

Khi âm thầm Người gieo hạt từ bi

Sưởi ấm lòng người, chưa từng nổi sân si

Với huynh đệ luôn ân cần sau trước

Mảnh y Phật luôn lời nguyền son sắt

Thấy được mình, tròn hạnh nguyện thâm sâu

Khó khăn đến đâu cũng chẳng cúi đầu…

Vậy mà,

một chuyến về non…

hái thuốc lần này bảo là không trở lại….

Người ra đi đất trời buồn tê tái

Giọt mưa nằm đếm nhịp quê hương

Quay lưng rồi để lại một trời thương

Lòng kính quý tăng thân nào kể hết…

Vẫn nụ cười hiền sâu hơn cái chết,

Bất diệt vô cùng là giáo pháp thâm sâu,

Nơi niềm tin cho tất cả bắt đầu!

Hành giả lên non vào rừng biển pháp

Bài học lớn đâu đợi chờ phải nháp

Tự thân mình phải thể nghiệm đi qua

Người quay lưng những đứa trẻ bỗng già

Bài học ấy bây giờ ai chợt hiểu:

Ta chỉ sống một lần không thừa thiếu

Nên trọn lành trong chánh pháp Thế Tôn

Phải thấy ngay thực pháp thường còn

Thương tất cả trong tận cùng hơi thở

Bài học về cội nguồn của khổ

Đâu thể nào học hời hợt, chông chênh….

Người một mình quảy gánh về non

Để nhớ thương hiện về đêm tóc trắng

Trong vô cùng hiểu thương… sóng lặng

Ta thấy mình trước ân nghĩa… thời gian!

Tìm người đâu giữa chốn đại ngàn

Ta đốt lửa rừng Sồi thiêng gọi mãi

Chiều rơi xuống ngàn sương buồn tê tái

Nơi đầu non lặng lẽ một vầng tang

“Sư huynh ơi” đệ gọi giữa thênh thang

Huynh có thấy, có nghe và có hiểu…

Người ở lại thấy người xa cứ thiếu…

Lòng chênh chao thương mãi đến vô cùng!

Đốt một nén trầm gửi trọn hương thơm

Gửi cả những lời nguyện cầu vô tận

Người hái thuốc trong hành trình tầm ẩn

Sẽ nhận ra nơi ấy là nhà…

Sẽ biết rằng có huynh đệ đang ca…

 

Bài hát cũ gọi nhau bên bếp lửa!

Dù hái thuốc nơi đâu xin trở về lần lữa

Hãy nuôi nhau trong chánh niệm ân tình…

Chúc cho nhau trong chặng vượt tử sinh

Tâm Nhất Niệm chỉ một đường bước tới

Thuốc mầu nhiệm trao nhau lần cuối

Cứu tận cùng trong biển hiểu và thương

Thấy được nhau trên mọi nẻo đường

Dù ở tận nơi đầu non góc bể

Nguyện ước lớn vẫn một lòng như thế

Nhắc cho nhau, nhắc cả một lời nguyền!

 

Kính mong Sư anh – Giác linh Chân Trời Hải Thượng,  pháp danh Tâm Nhất Niệm luôn thong dong trên mọi nẻo đường xa hái thuốc, vạn cõi an lành, an lạc đón Thầy Sư Anh!

 

Vô cùng thương tiếc

 

Sư em Trời Văn Lang cùng gia đình Sồi Đỏ.

NGƯỜI XƯA GIỜ Ở ĐÂU                                  

Thương gửi đến Trời Hải Thượng người sư em dễ thương.

Anh hãy nói cho tôi nghe đi?

Người xưa giờ ở đâu?

Này anh anh có thấy

Anh vừa đề cập đến

Trong một câu hỏi thôi

Ba khái niệm một lúc

Không thời và chính tôi.

 

Tôi sẽ bắt đầu hỏi lại anh rằng:

Nếu anh lấy “cái xưa” đi

Thì anh tìm “cái nay” ở đâu?

Nếu anh lấy cái “chốn xưa” đi

Thì anh tìm cái “chốn nay” ở đâu?

Nếu anh lấy “anh” đi

Thì anh tìm “tôi” ở đâu?

 

Rồi tôi sẽ tiếp tục hỏi anh:

Tôi “ngày ấy” ở đâu?

Nếu anh lấy cái “chốn xưa” đi

Thì anh tìm tôi “ngày ấy” ở đâu?

Nếu anh lấy cái “ngày ấy” đi

Cũng vậy:

Thì anh tìm tôi “ngày ấy” ở đâu?

 

Tôi “bây giờ” cũng thế thôi

Không thể tách rời khỏi

Cái bây giờ và ở đây

Cái bây giờ và ở đây cũng thế

Nó chứa đựng cái tôi bây giờ

Và cả cái tôi ngày ấy nữa.

 

Vậy anh hãy đặt một bước chân cẩn trọng

Trên con đường đá sỏi nhiệm màu

Ngay chính nơi anh đang biểu hiện

Ngay chính mơi mà tôi từng biểu hiện

Anh sẽ tiếp xúc được với tôi ngày ấy

Và anh cũng sẽ

tiếp xúc được với tôi bây giờ.

 

Anh có thấy không?

“Tôi” đang biểu hiện trong từng cụm đá

“Tôi” đang biểu hiện trong từng bụi tre

“Tôi” đang biểu hiện trong từng trụ bê tông

Và “tôi” cũng đang biểu hiện trong anh đó.

“Tôi” đang biểu hiện trong mỗi bước chân

Của mọi người trong giây phút hiện tại.

 

Và chính tôi cũng sẽ

Không bao giờ đấm ngực

Không bao giờ khóc than

Để tiếc nuối và truy tìm cho ra

Cái tôi của ngày ấy.

Chúng ta chấp nhận rất dễ dàng

Cái vô thường sát na

Nhưng chúng ta thường lẫn tránh

Cái vô thường nhất kỳ

Tại sao vậy?

Bởi vì chúng ta vẫn chưa sống được

Cho thật sự sâu sắc

Với cái lẽ vô thường tự nhiên ấy.

Khi thấy được vô thường không còn là vô thường nữa

Cái vô ngã không còn là vô ngã nữa

Khi anh buông bỏ được cái “bã mía” ấy đi

Thì anh sẽ thưởng được trọn vẹn

Vị ngọt của đường mía lau

Và ….

Anh cũng sẽ …

gặp được tôi ngày ấy vậy

                                        – Chân Trời Linh Thứu –