Giấc mơ của một người tu trẻ
Thư ngày 01.06.2009
Phương Khê Nội Viện, mùa xuân 2009
Thân gửi các con của thầy, gần và xa!
Buổi công phu sáng trong sách Thiền Môn Nhật Tụng có một bài văn sám mà ngày xưa khi còn làm sa di thầy rất thích tụng. Văn của bài sám rất hay, nội dung của bài sám có công năng nuôi dưỡng chí nguyện của người tu. Mỗi lần tụng đọc bài sám, chú Phùng Xuân thường để cho lời kinh ôm ấp thấm sâu vào từng huyết quản, từng tế bào của cơ thể. Bài sám văn này là một giấc mơ thật đẹp của người tu, và thầy rất biết ơn thiền sư Di Sơn đã viết ra bài sám văn ấy. Các con cũng đã biết bài ấy rồi, đó là bài Sám Quy Mạng. Tên của nó là Phát Nguyện Văn. Tác giả bài Sám Quy Mạng (Phát Nguyện Văn) này là thiền sư Kiểu Nhiên đời Đường, văn chương rất lỗi lạc. Những văn bia về các thiền sư sơ kỳ Thiền Tông đều do một tay Ngài viết. Di Sơn là tên núi; vì kính quý ngài nên dân chúng gọi thiền sư là Di Sơn thay vì Kiểu Nhiên. Thiền sư họ Tạ, tự là Thanh Trú. Tác phẩm để lại cho đời là Trữ Sơn Tập, mười cuốn.
Trong sách Nhị Khóa Hợp Giải, thiền sư Quán Nguyệt có nói: “Nếu bạn không thích bài Sám Quy Mạng này thì có thể thay vào bằng một bài khác như bài Khế Thủ, bài Thập Phương Tam Thế Phật, hay bài Nhất Tâm Quy Mạng”. Nhưng ai lại không thích bài Sám Quy Mạng này? Thầy nghĩ là đã có biết bao nhiêu thế hệ người trẻ xuất gia đã được bài Sám này nuôi dưỡng, vỗ về và an ủi. Hồi chưa tới tuổi hai mươi, thầy đã có ước mơ dịch bài này ra quốc văn. Và giấc mơ ấy đã được thành tựu khi thầy còn là một vị giáo thọ trẻ tuổi giảng dạy tại Phật Học Đường Nam Việt. Thầy đã dịch bài Sám Quy Mạng ra tiếng Việt trong thể thơ lục bát. Nhiều vị học tăng và học ni thời ấy của Phật Học Đường Nam Việt (Chùa Ấn Quang) đã học thuộc lòng. Và bài Sám ấy hiện đang có mặt trong sách Nhật Tụng Thiền Môn 2010 của chúng ta.
Phần lớn những câu văn trong bài Sám đều là những câu bốn chữ hay sáu chữ, xen lẫn với nhau rất khéo léo, thành ra âm điệu bài tụng có lúc thì êm dịu, có lúc thật trầm hùng.
“ Kiếp sau, nhờ hạt giống trí tuệ linh thiêng gieo trồng trong kiếp này, con xin được sinh trở lại trong một môi trường có văn hóa, lớn lên được gặp một vị thầy sáng và được xuất gia từ hồi còn là thiếu nhi. Sáu căn của con đều sẽ được thông lợi và ba nghiệp của con cũng sẽ được thuần hòa. Con sẽ không bị thói đời làm ô nhiễm và con sẽ sống một cuộc đời phạm hạnh thanh cao. Con sẽ hành trì các giới luật một cách nghiêm minh. Không vướng vào duyên nghiệp thế gian,con sẽ thực tập các uy nghi một cách nghiêm túc và con sẽ biết bảo hộ cho tất cả mọi loài chúng sanh, bắt đầu từ những sinh vật rất nhỏ bé “…”. Con sẽ tu tập theo chánh pháp và liễu ngộ được giáo pháp Đại Thừa, nhờ vậy mà con sẽ khai mở được cánh cửa hành động của lục độ và thành tựu được những gì mà các vị hành giả khác phải trải qua ba a tăng kỳ kiềp mới thành tựu được”
Đọc những đoạn vừa qua các con có thấy đó là một giấc mơ vĩ đại không? Nếu không có hạt giống của bồ đề tâm, nếu không có hạt giống của hạnh nguyện bồ tát thì làm sao làm phát khởi được một ước muốn vĩ đại như thế?
Các con hãy cùng thầy đọc tiếp:
