ĐẤT MỚI

Trời đang vào đông nên buổi sáng ở Pakchong cũng lạnh như mùa thu ở Pháp, làm tôi đôi khi nhớ về Làng Mai cũng như nhớ về quê mẹ. Tôi về trong thời gian chuyển tiếp vì không bao lâu nữa thì Đại Chúng ở Pakchong sẽ dọn lên trung tâm mới, các thầy cô náo nức chuẩn bị dọn Xóm làm không khí trở nên sôi động. Ai cũng muốn mình có chỗ ở ổn định, đã hơn ba năm trời ở tạm nhà bác Boulư, nhà Yùmme, tuy có chỗ để tu tập nhưng mình vẫn thấy cái gì đó chưa phải là chùa. Đi đâu cũng nghe các sư em bàn về chuyện lên đất mới chấp tác làm mình cũng thấy nôn nao.

Hôm nay ngày quán niệm tại Xóm Trời Quang, thầy Pháp Lâm mời các đại diện của các nhóm pháp đàm ngày xuất sĩ lên bóc thăm để xem nhóm nào sẽ đi trước đi sau. Ai cũng hồi họp theo dõi, khi các đại diện đưa số của mình lên, sư má kêu lên: “Nhóm con đầu tiên xung phong rồi.” Sư má rất muốn nhóm mình là nhóm đầu tiên, tôi thấy những gì mình mong muốn đều trở thành sự thật, đúng là có cảm thì có ứng mà. Sư em trong Ban Xuất Sĩ nhìn tôi cười mím chi: “Sư mẹ ơi, nhóm sư mẹ là nhóm đầu gọi là cảm tử quân đó, le chưa. Còn nhóm hai là nhóm quân tử cảm, nhóm ba thì là nhóm hì hì tử cảm quân.” Nghe em nói tôi chỉ biết phì cười.

Ngày lên đất mới, đêm đầu tiên ngủ trong lều tôi thấy mình ngủ ngon chi lạ. Sáng sớm trời còn mờ hơi sương, tôi thắp lên một ngọn nến, đốt một viên trầm dâng Bụt, thưởng thức từng ngụm trà thơm và an trú trong chánh niệm, thấy mình hạnh phúc quá chừng. Còn đòi hỏi cái gì nữa ở trên đời? Một ngày mới bắt đầu trong bình an và hạnh phúc. Dù rằng hiện tại mình đang dùng những phòng vệ sinh, nhà bếp, chỗ nghỉ đều giả chiến nhưng sao hạnh phúc thế kia. Tôi thấy thấm thía cái hạnh phúc đang có do sự lìa xa cái tiện nghi vật chất dù trong một thời gian rất ngắn. Tôi tự hỏi: “Cái hạnh phúc sẽ lớn như thế nào nếu mình thật sự buông bỏ hoàn toàn những hệ lụy ràng buộc trong cuộc đời, những ràng buộc về vật chất, những ràng buộc về tinh thần?”

Mỗi ngày chúng tôi ngồi thiền với nhau từ 5 giờ 30 sáng, sau đó cùng ăn sáng trong im lặng dù không có tiếng chuông nào. Mọi người vừa ăn sáng vừa nhìn mặt trời lên sau những rặng cây. Từ 9 giờ sáng chúng tôi tập hợp để nghe thầy và cô tri sự chia việc. Các thầy cô trẻ khỏe mạnh thì dùng máy cắt cỏ vì cỏ cao hơn đầu người và lan tràn khắp nơi. Còn những vị khác thì người cầm dao, cầm vựa phác cỏ giúp. Chung quanh tu viện có nhiều hòn núi thấp, chúng tôi cùng nhau đi chặt những nhánh cây dại, những dây leo chằng chịt, sau một thời gian ngắn dọn dẹp, những hòn núi hiện ra quang đảng, đúng là một nơi lý tưởng để mình có thể ngồi chơi hay tĩnh tọa. Chúng tôi nấu ăn trong cái bếp giả chiến chỉ có hai lò, có khi gió thổi mạnh quá làm bay cả mái che bằng tôle, khói củi làm cay cả mắt, nhưng hôm nào chúng tôi cũng được một bửa ăn ngon miệng. Sau một ngày dài vất vả, buổi tối được nghỉ ngơi, chúng tôi ngồi quanh đóng lửa và hát những bản thiền ca. Có khi sư má Toại Nghiêm làm khoai mì chiên (khoai mì tán nhiễn trộn chút ít muối ớt, bột nêm và pha màu càri), mỗi người được một miếng bánh khoai mì chiên thơm phức. Nhìn ngọn lửa hồng đang tí tách, bên các sư em, tôi vừa nghe các thầy cô trẻ hát vừa ăn miếng bánh nóng hổi, tôi tận hưởng tất cả những gì đang biểu hiện trong giờ phút hiện tại. Tiếng hát vang lên từ các thầy các sư cô trẻ: “I wanna go as a river, not as a drop of water…”

 

 

Mỗi sáng tôi đều đi thiền sau giờ ngồi thiền đề ngắm mặt trời lên sau rặng núi. Không khí thật trong lành, có những người thợ chấp tay chào khi chúng tôi đi ngang qua. Những người thợ đến từ Thái, Lào hoặc Campuchia cũng có. Họ xây những ngôi nhà gổ sơ sài ở tạm chung quanh nơi họ xây tăng xá cho các thầy cô. Có một người cha ôm một em bé bên bếp lửa nhỏ, hai cha con quay mắt nhìn chúng tôi. Chúng tôi chấp tay mỉm cười chào, đôi mắt đứa bé dõi theo chúng tôi.

Sư cô tri sự phân công tôi đi tưới cây với các em sa di. Một em bé trai bỗng từ đâu xuất hiện, các em nói đó là con của một thợ hồ. Đặc biệt là em bé rất “mê” sư chú Trung hậu, sư chú đi đâu là em chạy theo đó. Chỉ có một cái ống tưới cây mà đến 5 người rưởi lận. Tôi dành tưới còn các em khác thì kéo dây, còn ngoài ra thì thất nghiệp. Khi cầm ống tưới nước vào những bụi trúc được trồng tước tăng xá của quý thầy, tôi đã thấy một viễn ảnh tương lai khi hàng trúc lớn mạnh, chắp là đẹp lắm. Em bé trai thật dễ thương, em cười với chúng tôi thật thân tình. Bỗng nhiên tôi thấy thương cho những người thợ nghèo, thương cho các em bé nghèo của thế giới thứ ba, nơi vẫn còn một nền văn minh chậm tiến. Tương lai của các em sẽ đi về đâu, khi cha mẹ các em vẫn còn rong ruổi trên mọi nẻo đường để tìm miếng cơm manh áo. Tôi thấy mình may mắn vô cùng vì đã có một hướng đi, một quê hương để trở về và an trú. Tôi chợt nghĩ đến một cái gì đó mình có thể hiến tặng cho họ, cho em bé trước khi mình về lại Pakchong. Thế là tôi chia sẻ với thầy tri sự, thầy rất hoan hỉ. Chúng tôi quyết định nấu sửa đậu nành đem tặng họ, những người thợ lao động vất vả trong ánh nắng trời gay gắt. Nồi sửa đã chín, mùi đậu bay thơm lừng. Sư chú Trung Hậu và sư em Từ Ái ì ạch đẩy xe ba gác, tôi và chú bé con bác thợ hồ đi theo sau, chúng tôi lên đường đi cho sửa. Khu nhà ăn đang tiến hành làm nền và cột, các chú thợ hồ vẫn làm việc dưới ánh nắng gay gắt. Sư chú Trung Hậu đi tới lấy cái thùng nước của các chú thợ đưa cho tôi, trong đó chỉ còn lại hai phần ba nước và cát trộn lẫn, tôi bảo chú đổ hết nước bẩn, tôi mút vào thùng từng muổng sửa thơm cho vài viên đá lạnh, cho đến khi đầy thùng. Các chú thợ nhìn chúng tôi bằng ánh mắt biết ơn. Chúng tôi nhìn nhau mỉm cười, tôi thấy mình như được chia sẻ với họ những niềm vui hiện có. Tiếp tục chúng tôi hướng về hai khu ni xá đang xây. Những người thợ đi ra khi chúng tôi báo hiệu, ánh mắt họ rạng ngời cười hạnh phúc khi chúng tôi múc cho họ từng ly sửa đậu nành. Trên đường đẩy xe ba gác về, tôi thấy lòng nhẹ nhàng vui sướng, nhìn sang hai sư em, tôi thấy niềm vui cũng đang tràn ngập trên gương mặt của họ.

Trong khi làm việc ở Đất Mới, tôi biết trong mỗi chúng tôi ai cũng đều có hạnh phúc của riêng mình. Làm sao diễn tả được niềm hạnh phúc khi mình làm một điều gì đó ích lợi cho Tăng Thân dù là một công việc rất nhỏ. Nhìn những người trẻ áo nâu làm việc, niềm biết ơn trong tôi bỗng tràn dâng. Tôi cám ơn các em vì đã bỏ đi cuộc sống cá nhân và chọn cho mình lý tưởng phụng sự cho cuộc đời. Con đường đầy hoa hồng nhưng cũng khá chông gai. Các em phải quay lưng trước những cám dỗ của cuộc đời mà rất nhiều những người trẻ đang đắm chìm trong đó. Cầu nguyện cho các em sẽ đi trọn hết cuộc đời. Không bao lâu nửa chúng tôi sẽ từ giả vườn nhà bác Boulư, có nhiều sư cô cũng buồn lắm, dù sao nơi đây cũng đã cho chúng tôi nhiều kỷ niệm. Các sư cô sẽ ăn sáng chia tay với bác trước ngày làm lễ khánh thành. Không đi đâu cũng không cần đến, chúng tôi đâu có rời xa bác đâu. Bác có nói rằng: “Khi nào các sư cô cần ăn chuối thì cứ xuống nhà Bác mà chặt chuối về ăn, muốn ăn dừa thì cứ xuống nhà Bác mà hái dừa về ăn”. Ôi sao tình thương của Bác dành cho chúng tôi nhiều như vậy, chúng tôi cũng thương Bác lắm mà. Chúng tôi đã chọn một ngày để chơi với Bác trước khi chia tay.

Đất Mới bây giờ đã không còn những cọng cỏ cao quá đầu người, khung cảnh chung quanh đã quang đãng hơn, những cây trồng năm đầu bắt đầu nẩy mẩm xanh sau một thời gian ngắn được chăm sóc. Những bụi trúc trước tăng xá đã bắt đầu thêm lá . Từ ni xá một tôi có thể nhìn tới chỗ cất cốc cho Sư Ông, có thể thấy nhà ăn, tăng xá, bao quát chung quanh. Vườn rau của các sư cô đã lên những luống rau hứa hẹn một vườn rau xanh mát. Đất Mới đã sẵn sàng chào đón chúng tôi rồi.

https://159.223.73.115/