NỔI HAY CHÌM-CHÂN PHÁP ANH

Cuối năm 2009, vì nhân duyên không còn đầy đủ nên toàn thể chúng xuất sĩ thực tập theo pháp môn Làng Mai đã phải rời Tu Viện Bát Nhã (Việt Nam). Phần lớn đại chúng lúc đó đã qua  Thái Lan, có một số vị thì được gởi qua các trung tâm của Làng Mai tại Pháp, Đức, Hồng Kông, Mỹ để tiếp tục tu học và xây dựng Tăng thân. Lúc đó, tôi cùng với bốn thầy và năm sư cô khác được Tăng thân cử qua Thái Lan vài tháng trước khi đại chúng sang. Lần đầu chúng tôi ra nước ngoài, khó khăn nhất là vấn đề truyền thông vì bất đồng ngôn ngữ và những tập tục văn hóa cộng thêm những khổ đau trong thời gian pháp nạn chưa chuyển hóa hết. Có thể từ những nguyên nhân đó mà các anh em cũng dễ buồn phiền hơn. Có hôm sau bữa ăn, một sư em nước mắt rưng rưng và đòi về lại Việt Nam. Trong thời gian đó tôi thường thực tập bài thi kệ tưới cây trong chậu:

“Đừng thấy mình riêng lẻ cây ơi                                                       

 Nước này tuôn chảy từ mạch đất trời                                                        

Nước này là đại địa                                                                      

Ta có nhau tự muôn đời”.

Chính bài thi kệ này đã giúp tôi rất nhiều trong lúc thiền hành, thiền quán và làm việc chung với các sư anh, sư em vì “ ta có nhau tự muôn đời”. Tôi nhận thấy không phải lúc tưới cây mình mới thực tập bài kệ này mà mình có thể thực tập bất cứ lúc nào, nhất là lúc cô đơn.

Sáng nay, tôi mới nhận tin từ một tu viện của Làng Mai tại Mỹ, có một sư em mới rời chúng. Tội nghiệp cho sư em, cầu Bụt Tổ gia hộ cho sư em. Lúc đó, trong tôi đã đi lên rất nhiều câu hỏi: Tại sao người đó bỏ Thầy, bỏ chúng mà đi như vậy? Vị ấy muốn đi học ư? Vị ấy có khó khăn hay nội kết với ai không? Có phải vị ấy không đủ sức khỏe hay là phải về chăm sóc gia đình?… Năm nay, ở Làng Mai Thái Lan cũng đã có ba sư em rời chúng vì thấy mình không còn phù hợp với môi trường Tăng thân nữa. Dẫu biết là tùy duyên nhưng mỗi khi có người rời chúng là lòng tôi lại nặng trĩu. Tôi nhận thấy khi gặp những vấn đề khó khăn thì chúng ta thường hay bắt đầu nói những chuyện chán nản, cô độc, tiêu cực… Chúng ta ai cũng biết rằng khi bắt đầu bằng những câu chuyện hay cử chỉ tỏ vẻ chán chường như thế thì dần dần nếp sống của ta sẽ dễ trở nên chán chường thật sự. Ai mà không “nổi loạn” thì thì là kẻ tầm thường, kẻ an phận. Con người yếu đuối, dễ nhiễm độc và dễ bị ảnh hưởng ơi! Chúng ta cần nhìn lại sự thật đó. Bởi vậy cảm giác cho rằng không ai giống ai, ta hoàn toàn khác biệt với người khác, thực chất chỉ là ảo giác. Sự thật là ta tuy không giống ai nhưng là con người, là một hợp thể ngũ uẩn nên ta cũng có những điểm giống với người khác. Chính căn bản đó đảm bảo cho sự cảm thông chắc chắn là có thể có giữa người với người, niềm tin này đánh tan được mặc cảm và ảo giác cô đơn, nhất là thứ cảm giác cô đơn từ nhận thức chủ quan của ta.

Xin đọc cho bạn nghe một đoạn mà Thầy tôi viết trong cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam: …“Tiêu cực mà nói, đó là số phận của những người Việt phải sống kiếp lưu vong. Tích cực mà nói, đó là cơ hội ngàn năm một thuở để người Việt có thể đóng góp vào sự chuyển đổi tình trạng thế giới, tạo thêm cơ hội để bảo tồn sự sống của hành tinh xanh. Ra quốc ngoại để sống một cuộc đời lây lất lưu vong hoặc để đem văn hóa Việt làm chất liệu xúc tác văn hóa thế giới, cái đó tùy ở chí khí của mỗi người. Có những việc mà hiện giờ người Việt không làm được ở quốc nội, nhưng lại có thể làm được ở quốc ngoại: chúng ta ai cũng biết điều đó. Làm để yểm trợ cho người ở quốc nội, hoặc làm để đóng góp vào sự chuyển đổi tình trạng thế giới. Làm được gì, cái đó tùy thuộc ở chất liệu văn hóa tiềm ẩn trong mỗi người. Chất liệu văn hóa ấy, nếu ta biết tạo môi trường thuận lợi cho nó, nó sẽ phát triển, và giống như cây đào, nó sẽ ra lá ra hoa và cống hiến cho ta những trái đào thơm ngọt. Chất liệu văn hóa đó đã được di truyền xuống từ tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp trong các tế bào cơ thể ta. Môi trường thích hợp cho chất liệu đó phát triển là môi trường tự do. Ta đừng để cho nó bị đè nén, bít lấp. Ta để cho nó tự nhiên phát triển và biểu lộ. Và ta nuôi dưỡng quá trình biểu lộ và phát triển của nó bằng nhận xét thường trực của chúng ta về những điều kiện nội tại và ngoại tại của nó.

 

Sứ mạng mà giống nòi phú thác

Nếu vì những biến cố lịch sử của đất nước mà hiện giờ các con đang ở nước ngoài thì các con hãy chấp nhận hoàn cảnh mới của các con với một niềm tin ở tương lai. Sự có mặt của con chính là sự có mặt của dân tộc Việt Nam nơi con cư trú. Phải thường xuyên biết rằng mình là ai và hiện đang đứng ở đâu. Ngày xưa công chúa Huyền Trân qua Chiêm Thành để thực hiện sứ mạng hòa bình của vua Trần Nhân Tông tức Trúc Lâm đại sĩ. Ngày nay con hãy cứ nghĩ là dân tộc con đã gửi con tới nơi đây. Hãy như một hạt đào nẩy sinh thành cây đào nơi đất lạ. Cả dân tộc của con có mặt nơi con; dân tộc đã phú thác nơi con một sứ mạng.

Hãy nuôi dưỡng ý thức của con cho sáng tỏ. Đừng để cho nếp sống bận rộn và xô bồ ở Tây phương làm cho mình chìm đắm. Con đã từng biết đói, con đã từng biết ăn độn, con đã từng có cha và anh đi học tập, đã từng khổ đau vì sự đè nén áp chế thì con biết thế nào là tình trạng thật của thế giới chúng ta. Cầm một bát cơm lên ăn, con hãy nghĩ hạt gạo ấy từ đâu tới, và nhớ rằng ngay trong quốc gia sản xuất hạt gạo này người dân phải ăn độn hoặc ăn gạo xấu để quốc gia ấy có thể dành hạt gạo trắng thơm này mà xuất cảng. Đi vào một siêu thị, con hãy ngắm nhìn và suy tưởng về mọi hóa phẩm trưng bày trong đó. Phải nhìn cho sâu để thấy được những giọt mồ hôi và những giọt nước mắt của dân nghèo trong các nước đói kém. Nhiều hóa phẩm đã được chế tạo tại các nước này bằng nhân công rất rẻ, so với Tây phương thì đó là một sự bóc lột. Hãy cầm những hóa phẩm ấy lên tay như cầm những hòn lửa cháy bỏng. Hãy từ chối nếp sống tiêu thụ vô ý thức, hãy sống đơn giản để nuôi dưỡng ý thức cho sáng tỏ. Hạnh phúc không phải ở chỗ có tiền để đi mua sắm cho thật nhiều. Mua sắm cho nhiều để phải nai lưng làm việc mà trả nợ suốt đời thì không phải là hạnh phúc. Nếu ta biết sống đơn giản ta sẽ có thì giờ để thấy được muôn vạn nhiệm mầu trong sự sống, ta có thể thoả mãn được lòng thương yêu và óc tìm hiểu của ta. Đứa trẻ thơ đang nằm đói ở khu kinh tế mới Việt Nam hay ở miền đồng khô cỏ cháy Uganda đang đợi con, bông hoa nở ngoài hàng dậu đang đợi con, con chim vàng trên cành liễu đang đợi con. Con có thể làm cho ý thức đó lan rộng trong giới trẻ tuổi thân cận; bằng nếp sống và bằng hành động của con, con làm phát sinh và nuôi dưỡng ý thức ấy nơi họ. Ở đâu con cũng có thể tìm thấy những người có lòng. Tuy họ không nói tiếng nói của con nhưng họ cũng có thể cảm thông được tâm hồn của con. Nếp sống của con, dù là nếp sống của một cá nhân, là phải biểu hiện cho ý thức văn hóa vừa có tính cách dân tộc vừa có tính cách nhân loại. Văn hóa dân tộc phải được đặt trong môi trường văn hóa nhân loại và phải đóng vai trò xúc tác văn hóa nhân loại trên con đường bảo vệ và làm thăng hoa sự sống.”

Những lời dạy ấy của Thầy đã cho tôi một cái thấy về vị trí và sứ mạng của Tăng thân và của các thầy, các sư cô người Việt trên mảnh đất mới này. Thầy thường dạy rằng: “Nếu chúng ta tu tập có sự chuyển hóa và thương yêu, nguồn năng lượng đó có thể chuyển đổi được hoàn cảnh”. Không biết có phải vậy không mà năm nay nhờ có Sư Ông và nhiều vị Tôn đức về thăm mà sau đại giới đàn vào tháng hai đến giờ trời mưa nhiều và ít nóng hơn mọi năm. Tôi nhớ hồi mới mua mảnh đất này để xây dựng tu viện, các vị từ nhiều nơi về ai cũng chê là đất gì mà hẻo lánh, cằn cỗi, nhiều đá lại thiếu nước, nghe mà cũng thấy nản. Nhưng nhờ sự đóng góp, cúng dường của người dân Thái cũng như sự giúp đỡ và yểm trợ hết lòng của các vị thân hữu khắp nơi cùng với sự tu học của hai trăm vị xuất sĩ nên tu viện càng ngày càng ổn định, đẹp đẽ và xanh tươi hơn, các vị thiền sinh về tu học hàng tuần lúc nào cũng vài chục, có khi hơn cả trăm vị.  Khóa tu nối tiếp khóa tu, bao nhiêu pháp lạc, bao nhiêu nụ cười an lành đã không ngừng nối tiếp biểu hiện.

“Quê hương nào đâu chỉ có                                                                       

Một hình chữ S cong cong                                                                

Tình ta là đại địa đó                                                                  

Chung vui xây giấc đại đồng.”