GÓC CŨ TÔI VỀ – CHÂN TUYẾT NGHIÊM

Tôi vừa trở về sau 10 ngày hội ngộ với Thái Lan. Trước ngày về lại Việt Nam, các sư em ban biên tập lá thư Vườn Ươm rủ tôi đi picnic. Và rồi một buổi sáng thảnh thơi trên đồi Ngắm Mây đầy gió, chị em tôi đã vui bên nhau từng chén trà nóng, những câu chuyện sum vầy. Tôi thích thú tận hưởng không gian thênh thang trước mắt mình, lòng tôi thật sự bao la và đầy ắp niềm biết ơn, trân quý.
Tôi biết ơn các sư em đã từng cùng tôi đồng hành thực hiện ấn bản lá thư Vườn Ươm số 5 và bây giờ sẽ tiếp tục đóng góp cho tờ Vườn Ươm sắp tới. Tri kỷ! các em đúng thật là tri kỷ của tôi! Không biết từ bao giờ tôi đã tìm ra ý nghĩa của hai từ “tri kỷ” đơn giản, gần gũi và dễ gặp đến thế. Với tôi tri kỷ là người cùng chí hướng với mình trong một lĩnh vực nào đó. Các sư em đã cùng đồng tâm với tôi trong việc thực hiện và duy trì tờ lá thư Vườn Ươm này – một trong những điều tôi tâm huyết. Tôi không đủ duyên có mặt trực tiếp cùng làm việc với các sư em lần này nữa, nhưng tôi vẫn luôn có mặt đó làm người đồng chí, hiểu được những hạnh phúc, những khó khăn, thử thách của các sư em. Các sư em nhắc tôi viết bài cho lá thư Vườn Ươm, tôi thiết nghĩ mình đã từng là thành viên của BBT nên viết bài là việc dĩ nhiên. Các sư em nói với tôi: “Khi mới về Tuệ Uyển, chị có viết bài “Góc mới”, thôi thì chị viết bài “Góc cũ tôi về” để kể chuyện về lại Thái Lan đi!”. Tôi thấy ý đó cũng hay, nên chiều nay cơn mưa Tuệ Uyển khơi lại ngòi bút để tôi viết xuống đây những cảm xúc còn mới tinh của chuyến đi vừa khép lại. 

Mới đó mà đã hơn 9 tháng tôi rời Thái Lan. Tôi không có cảm giác tôi đã rời Thái lâu đến vậy. Trở lại, tôi có cảm giác mình vừa đi một khoá tu đâu đó mới về. Cái cảm giác thân quen vẫn đầy trong lòng tôi – từ khung cảnh cho đến con người. Gặp ai tôi cũng hân hoan, vẫn rộn rã tiếng cười đùa tinh nghịch. Tôi không có cảm giác mình đang viếng thăm nơi này, vì tôi vẫn thấy đây là nhà của mình như ngày nào. Tôi trân trọng từng hơi thở Tăng thân, từng tình cảm thân thương của huynh đệ. 
Tôi được về lại Thái lần này là để đưa các em tập sự của Tuệ Uyển qua đây xuất gia. Từ ngày về Tuệ Uyển, tôi có duyên chăm sóc các em những ngày đầu vào chùa còn ngơ ngáo. Tôi thấy mình được nuôi dưỡng thật nhiều từ sự chân thật, nhiệt tâm muốn chuyển hoá của các em, cùng các em đi qua những chặng đường lên xuống với những tập khí, những yếu kém của bản thân, những dằn vặt với lòng quyết tâm nhưng không đạt được kết quả như ý,… Tôi bắt gặp hình ảnh của mình năm xưa và thấy được các em đang bắt đầu nơi tôi đã đi qua. Tôi cũng tập làm một người chị cứng cỏi, cương trực vì tôi muốn các em mạnh mẽ đón nhận những cái khó của con đường rèn tâm, sửa tính này. Ngày các em xuống tóc tôi hạnh phúc thật nhiều. Tôi nhìn từng nụ cười mãn nguyện hiện trên gương mặt sáng ngời của các em. Các em rõ ràng là tôi của ngày hôm qua, mà cũng là tôi trong phút giây thiêng liêng ấy. Và chắc hẳn các em cũng sẽ là tôi ngày mai. Hạnh phúc của các em rõ là hạnh phúc của tôi!

Trước buổi lễ xuất gia, tôi cùng ngồi lại với gia đình của các em. Buổi ngồi lại chỉ vài ngọn nến trên sân trăng nhưng đã mở được lòng của mẹ, của con, của chị, của em. Thấy gia đình khóc cùng nhau, lắng nghe nhau thật sự, hứa hẹn làm mới lối sống của mình. Mẹ xin lỗi con vì sự bận rộn, không đủ quan tâm con; chị xin lỗi vì đã không có mặt, quan tâm và thương yêu đủ trong gia đình; em xin lỗi vì đã sống vô tâm,… Những hứa hẹn đầy nước mắt, những nỗi đau mất chồng, mất cha cùng nhau chia sẻ, được xoa dịu. Giờ phút cả gia đình ôm lấy nhau trân trọng, đầy thương yêu như vỡ ra mảnh riêng của những tâm hồn bấy lâu khép chặt. Mầu nhiệm khi khơi lại những thương yêu vốn dĩ. Tôi ngồi đấy hưởng lấy những hoa trái nhiệm mầu của sự thực tập. Tôi mừng khi thấy các em đã lớn lên thật nhiều và đã gặt hái được một ít hoa trái đáng trân trọng. Các em đã cảm hoá được gia đình, và đã giúp được gia đình chuyển hoá, đã buông được một phần tổn thương, tự ái trong lòng để làm mới thân tâm trước khi xuống tóc. Thấy các em lạy Mẹ, ôm lấy Mẹ vào lòng, nói được lòng biết ơn và giải tỏa những khó khăn với mẹ, những niềm vui ấy nuôi dưỡng tôi sâu sắc, lưu lại những khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng cho các em, và cả cho tôi.

 

Vậy là các em cũng đã xuống tóc, khoác lên mình chiếc áo nhật bình, niềm sướng vui lộ rõ trên từng gương mặt. Giây phút được gặp Thầy linh thiêng, đầy xúc động. Bài hát tôi viết tặng các em hát lên giây phút đó lại thấm sâu hơn bao giờ hết.

” Trong Vườn Ươm, con sinh ra
Trong nghĩa tình, con hoan ca
Đem tình thương dâng tặng đời
Cùng Tăng thân vui lên đồi
Con cúi đầu rạng ngời tin yêu

Đôi tay Thầy trong tay con
Pháp không lời thêm thiêng liêng
Con nguyện đi đôi chân Thầy
Con nguyện thở hơi thở Thầy
Cho vững bền chí nguyện hiểu thương”

Thầy gật đầu vừa ý khi các em hát đến đoạn “đôi tay Thầy trong tay con…” và hơn hết là câu “cho vững bền chí nguyện hiểu thương”. Các em hát nhưng thật là lòng tôi gởi đến Thầy. Tôi xúc động lắm, nên nụ cười lại càng tươi. Tôi cũng đến quỳ bên chân Thầy, nắm lấy đôi tay Thầy, tôi nhìn Thầy thật kĩ với hơi thở rõ ràng. Tôi không muốn nói gì cả vì giờ phút ấy lời nói không có ý nghĩa gì cả. Cho đến khi sư cô Linh Nghiêm bảo tôi kể chuyện ở Việt Nam cho Thầy nghe. Tôi chỉ nói được với Thầy: “Dạ con bạch Thầy, các em bây giờ vào tu vẫn nhiều lắm, con sẽ tiếp tục chăm sóc các em cho Thầy”. Thầy gật đầu, tôi mong Thầy được nghỉ ngơi khỏe mạnh, tôi cúi đầu lui ra và giữ lấy giây phút hạnh phúc ấy thật sâu trong lòng mình. Tôi sẽ “chăm em”, điều đó là hạnh phúc của tôi, cũng là ước muốn mà tôi đã giải bày với Thầy trước khi tôi rời Pháp. Tôi đã và đang thực hiện nó, và hẳn sẽ tiếp tục thực hiện nó. 
Tôi đặt chân đến Thái, với ý thức rõ ràng là Thầy đang có mặt ở đó nhiệm mầu, nhưng lòng tôi không trông mong được gặp Thầy, vì tôi muốn Thầy được nghỉ ngơi, trị liệu, mà cũng vì trong tôi đã có Thầy trọn vẹn. Nhưng rồi không mong cầu lại có được, hạnh phúc ấy lại càng lớn hơn. Ba lần được gặp Thầy là ba lần hạnh phúc lớn lao. Tôi được hát cho Thầy nghe như kỉ niệm thân thương năm xưa. Tôi nhớ lại lần được gần Thầy lúc tôi tròn 20 tuổi, cái tuổi còn ngây ngô biết mấy. Thầy vẫn thường dạy tôi hát cho Thầy nghe. Thầy luôn nghe với trái tim của mình. Có lần tôi hát bài “Cho con” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, tôi hát câu kết hai lần rất mùi mẫn: “Con đừng quên con nhé, Ba Mẹ là quê hương”. Thầy nhìn tôi cười và hỏi: “Ba Mẹ là quê hương, còn Thầy là gì?”. Tôi trả lời Thầy một cách hồn nhiên và đắc ý: “Dạ, Ba Mẹ là quê hương, còn Thầy là quê hương đích thực”. Thầy đã mỉm cười, tôi nhận ra mình hơi khôn lanh nhưng lại rất chân thành.
Tôi vẫn thường nghĩ đến Thầy, nhớ đến tình thương của Thầy, với ước mong sẽ tiếp nối được tình thương ấy. Lời bài hát Cây Giáng Hương viết cho các em nhưng thật tôi viết cho tôi.
” Từ gió, từ mây, từ vầng trăng tỏa yêu thương 
Từ nắng, từ mưa, từ vườn xưa hương lan xa
Từ những bàn tay mầu nhiệm Giáng Hương ra đời
Nguyện tiếp nối tình thương, giữ lửa trong tim”
Vầng trăng của Thầy đã luôn tỏa yêu thương, vườn xưa của Đức Thế Tôn hương vẫn đang tiếp tục lan xa dù nắng, dù mưa. Vậy sứ mạng tiếp nối dòng chảy thiêng liêng ấy đang chảy đều trong nhựa sống Tăng thân, trong từng cá thể chúng tôi, nơi các em mới sinh ra và trong thế hệ tương lai. Tôi thấm thía câu thiền ngữ “Tiếp nối là đền ơn”.

Góc cũ tôi về! Nơi tôi gặp lại sâu sắc ước nguyện xưa, nơi tình Thầy trò bất diệt, nơi tình đệ huynh luôn soi rõ con đường. 

https://159.223.73.115/