TÌM LẠI ĐƯỜNG ĐI

Lần đầu tiên con thấy hình Sư Ông là trên một bìa sách. Hình ảnh ấy khiến cho con ngừng lại. Con chưa bao giờ thấy một khuôn mặt như thế: vừa tươi mát như cậu bé mới sinh vừa sâu sắc như ông tiên bất tử. Và trong đầu con có khởi lên một ý niệm kỳ lạ: “Có thể Thầy này sẽ làm Thầy mình trong tương lai”.

Lần đầu tiên con gặp Sư Ông và Tăng thân Làng Mai là ở thành phố Paris, trong buổi pháp thoại công cộng. Hình ảnh này khiến cho con ngừng lại. Con chưa bao giờ thấy một nhóm người như thế: vừa tĩnh lặng như đêm khuya vừa hùng hậu như quân đội. Và trong đầu con có khởi lên một ý niệm kỳ lạ: “Có thể mình sẽ nhập đoàn thể này trong tương lai”. Trên đời bao nhiêu cuộc gặp gỡ, bao nhiêu ý muốn khác nhau. Vậy thì ta nên trông cậy nơi ai và ta nên nương tựa ở đâu? Bản thân con có niềm tin nơi luật nghiệp báo. Cái mới thế nào chỉ được làm bằng cái xưa. Nhưng do nhân duyên nào con đã được gặp Sư Ông và tăng thân, do phước đức lớn lao nào con đã được xuất gia? Con không có biết. Con chỉ biết là con mang ơn mà thôi.

Trước khi xuất gia, con dần chết khô giữa lối sống thế tục. Nhìn quanh ở đâu cũng thấy người đi nhanh nhưng nhìn kỹ không thấy con đường nào cả. Con nhìn thấy đời sống vật chất đang tiêu thụ mỗi chúng ta. Con nhìn thấy thói quen tranh đấu làm cho chúng ta càng ngày càng xa nhau. Vậy thì con chưa bao giờ lấy tiêu chuẩn của xã hội làm tiêu chuẩn của đời con. Con thường hay đi một mình, rất ít khi đi chơi, ít khi tiếp xúc. Tính cô đơn này đã từng là áo giáp cho con tự vệ… nhưng có khi lại đã là dao sắc cắt vào trái tim. Và mặc dù con đã ít tiếp xúc, mặc dù con đã tránh được rất nhiều tệ nạn mà bạn bè đã rơi vào, con vẫn đã gây ra nhiều lỗi lầm. Trong độ tuổi thanh thiếu niên, rõ ràng con đã không có chút cảm hứng nào để theo guồng máy của xã hội. Khi thầy cô giáo có hỏi: “Tại sao con vắng mặt trường học nhiều quá vậy? Không muốn tốt nghiệp hay sao?”. Con hỏi lại: “Tốt nghiệp để làm gì?”. Lúc 17 tuổi đã học xong rồi. Có người bạn hỏi: “Em là người thông minh, tại sao em đã không chịu cố gắng một chút mà phải thất bại thế?”. Con nói: “Anh hãy nhìn thành phố này: người này đi đường này, người kia đi đường kia. Tại sao chúng ta phải trách móc nhau?”. 

Kỳ thực hồi đó con đã chưa biết con sẽ đi về đâu. Con đã chưa biết sẽ làm gì với cuộc sống của con nhưng con đã quyết tâm nhất định sẽ không sa vào lối sống phàm tục. Và trong chiều sâu tâm thức con đã sẵn có một niềm tin: “Thế nào trên đời này phải có một con đường sáng, một con đường đẹp cho con người đi theo”. Cha mẹ con cũng rất lo lắng. Mẹ đề nghị: “Con có năng khiếu về nghệ thuật. Tại sao không làm thiết kế dồ họa?”. Con trả lời: “Làm cái đó là làm quảng cáo để bán đồ vô ích cho người ta. Con không thích!”. Mẹ tuyệt vọng nhìn vào mắt con và tâm sự: “Con ơi. Có thể mười năm sau chúng ta sẽ nhìn lại và cười nhưng hiện tại xin con hãy giúp Mẹ, xin con hãy chọn một con đường đi”. Con lấy vài giây quán chiếu lời Mẹ, rồi nhìn Mẹ âm thầm, trong ánh mắt một chút xót thương lại một chút nghịch ngợm và nói: “Mẹ hãy cười bây giờ đi”.

Khi nhớ đến tuổi thanh thiếu niên của con, con không biết con nên tự hào hay xấu hổ. Nhưng dù mình đã đúng hay sai, có một điều phải được công nhận là con đã có nhiều khổ đau. Con đã gặp phải nhiều khó khăn trong các lĩnh vực tâm lý, sinh lý, tình bạn bè, tình yêu, trong gia đình và trong trường học… nhưng có thể nói rằng điều khó nhất đối với con là không thấy con đường đi trong cuộc đời. Ngay trong khi đang viết những dòng này, con phải nương về hơi thở để chăm sóc người thiếu niên ấy. Ôm ấp người ấy bằng tấm lòng không kỳ thị. Ôm ấp người ấy còn là ôm ấp cả một xã hội đang bị bệnh. Ôm ấp người ấy còn là ôm ấp tất cả các người trẻ, trong đó có anh, có chị và có em.

Vậy khi con 17 tuổi, con không vào trường đại học mà cũng không đi làm. Con chỉ theo cái đam mê lớn của con vào thời đó là rèn luyện và đấu cờ vua. Với sự yểm trợ của cha và câu lạc bộ của con, con được học với những thầy rất xuất sắc. Ở nhà con tự học siêng năng, khoảng sáu tiếng đồng hồ mỗi ngày, có khi đến hơn mười tiếng. Thế giới cờ vua là thế giới vô cùng lý thú cho con trở về lại nhưng vẫn còn là thế giới của sự lãng quên chứ không phải là con đường thoát. Bên cạnh cờ vua, con còn ham học võ thuật và tập thể dục. Con coi các môn đó như những phép rất tốt để rèn luyện tâm và thân nhưng khi con tự hỏi nếu các món đó có xứng đáng đầu tư cả một cuộc sống thì con không thể trả lời một cách chắc chắn.

Năm ấy Mẹ con đã biết về thiền tập đạo Bụt và đã đến Làng Mai rồi nhưng chưa nói với ai. Đến khi một hôm em gái con hỏi: “Thời gian qua hình như Mẹ hạnh phúc hơn. Mẹ đã làm gì?”. Rồi Mẹ mới bắt đầu nói về Làng Mai cho con gái nghe. Vài tuần sau, may mắn Sư Ông lên cho pháp thoại ở Paris. Mẹ dẫn các con đi theo. Từ buổi pháp thoại ấy, hầu như con chỉ nhớ đến bốn điều sau đây: Một là con đã khóc. Hai là các chữ “giây phút hiện tại” lập đi lập lại, và đặc biệt cái cảm giác kỳ lạ như có một người muốn kêu mình dậy nhưng mình thức dậy không nổi. Ba là Sư Ông thích ngồi thiền cho cha. Bốn là bông hoa chứa đựng cả vũ trụ.

Vài tháng sau, em gái con đi Làng dù cha không cho phép. [Cha con là người Liban -trung đông. Khi còn trẻ, cha có ý làm linh mục nhưng sau khi chiến tranh lại cha đi lính. Hồi đó các nhóm tôn giáo đánh nhau dữ dội và chiến tranh ấy đã nổ ra những vết thương trong lòng cha. Khi đã nhập cư vào Pháp và đám cưới với mẹ thì hai người cam kết với nhau sẽ không bắt con cái phải theo một tôn giáo nào cả nhưng để cho các con tự do tự lựa chọn một khi đã đủ lớn. Vì vậy khi mẹ bắt đầu theo Phật cha rất khó chịu. Sau đó cha tâm sự với con rằng nếu cha cho phép các con theo một tôn giáo khác với đạo thiên chúa tức là cha công nhận rằng cha đã chiến đấu không có lý do. Điều này con có thể tưởng tượng rất là khó khăn. Nhưng hồi đó con chưa hiểu cha như bây giờ]. Cha bực bội đến mức có đe dọa Sư cô Chân Không ra tòa xét xử nếu không đuổi con gái về nhà… nhưng Sư cô không chịu. Theo pháp luật của Pháp, nếu có sự đồng ý của một cha hoặc mẹ là được rồi. Sự kiện này đã khiến cho cha cắt đứt truyền thông với em con hơn một năm và đã là một trong những điều kiện đã đưa cha mẹ con ly dị nhau…

 

Do đó khi con xin phép đi Làng, cha cũng không cho. Cha nói rằng con còn nhỏ quá, chưa đủ nhận thức và con nên chờ đợi thêm một năm nữa mới được. Con đã vâng lời cha. Năm ấy mặc dù chưa được đi nhưng không biết vì sao mỗi khi suy nghĩ đến Làng Mai con thấy có một cảm giác rất ấm áp trong lòng.

Một năm sau con đã 18 tuổi rồi. Con thưa với cha rằng: “Một năm đã qua, con sẽ đi Làng”. Nhưng cha vẫn không cho phép. Cha tuyến bố rằng nếu con đi thì cha sẽ không cho phép con về nhà nữa. Con khóc, con nói con không muốn mất cha… nhưng… con vẫn đi.

Con sẽ nhớ hoài tâm trạng của con trong giờ xếp ba-lô: “Thà chết còn hơn sống mà không có tự do”. (Và đến ngày hôm nay con vẫn suy nghĩ như thế). Khi ngồi xe lửa con đã không biết thực sự mình đang đi đâu và cũng không biết sau khóa tu xong mình sẽ trở về đâu.

Con bước vào Làng Mai vào buổi tối. Con hơi ngạc nhiên vì thấy người trẻ rất đông nhưng không khí rất tĩnh lặng. Em gái con đã đón chào con và khe khẽ giới thiệu con với vài người. Lúc đó khóa tu người trẻ (Wake Up) đã bắt đầu một hai ngày rồi. Không có chỗ sắp xếp cho con ngủ cho nên con đã ở kho thóc của chùa Sơn Hạ. Ban đêm rất lạnh, gió lùa vào nhưng con rất thích, không khí miền quê làm cho lòng con thoáng trở lại. Con ngủ một mình ở tầng dưới nhưng ở tầng trên cũng có một người ở là thầy Đức Thành. Trong suốt khóa tu con không có nói gì với thầy nhưng phải nói rằng thầy đã là người gây ấn tượng nhất đến con. Mỗi khi con nhìn thầy con rất cảm động, con có thể tiếp xúc với một nguồn hạnh phúc rất sâu và rất lớn… và trong lòng con có khởi lên một câu hỏi quan trọng: “Con có thể hạnh phúc bằng thầy được không?”. Trong khóa tu ấy con đã được học nhiều thứ rất quý. Con đã được tiếp xúc với mọi người một cách chân thật như con đã chưa bao giờ được tiếp xúc. Con đã có thì giờ nói với em gái con rằng con rất thương em. Và quan trọng hơn cả con đã thấy được rằng loài người chúng ta có thể sống một cách khác, một cách chân thật và đầy ý nghĩa.

Sau khóa tu, con ở lại thêm vài ngày. Con không muốn về nữa. Nhưng con nghĩ rằng chắc mình phải trở về với cha. Vậy là con đã ráng lên xe lửa về Paris. Khi thấy con trở về, may mắn cha hôn con trên má và nói: “Cha cũng không muốn mất con”. Và may mắn hơn nữa, vài tuần sau cha cũng tái lập truyền thông lại và xin lỗi với em gái con. Con học võ thuật và cờ vua tiếp. Con đi tranh đấu cờ vua chỗ này chỗ kia và khi nào thắng giải thì có thể cất tiền để chơi tiếp hay là dùng để tặng quà cho người khác. Con đã không có nhu cầu mua gì cho riêng con, con đã chỉ muốn chơi mà thôi. Con rèn luyện và đánh rất nhiều nhưng hầu như mỗi ngày con nhớ đến Làng Mai và càng suy nghĩ đến đời sống xuất gia càng thấy đời sống ấy rất thích hợp với con. Ở nhà mặc dù cha con đã rất kiên nhẫn và rất thương con nhưng càng ngày càng thúc đẩy con phải hòa nhập vào xã hội, không thể chỉ chơi như thế mà thôi.

Có một hôm cha hỏi: “Con thích làm cái gì nhất trong cuộc sống?”. Con nói: “Con thích rèn luyện con người con”. Cha nhìn con thật lâu. Ôi lâu thật là lâu. Và trong lòng con cảm thấy rằng cha không có hiểu con. Nhưng nhìn lại con thấy thực sự mình may mắn được có một người cha đã lấy thì giờ để một cách chân thật đặt câu hỏi ấy.

Khoảng mười tháng sau, con trở về Làng với ý định xuất gia. Nhưng đó đã chỉ là lần thứ hai con được đi Làng và trong lòng vẫn còn một số nghi ngờ: “Làng Mai có thực sự giống mình nghĩ hay không? Mình có thực sự sẵn sàng cam kết theo con đường này suốt đời không? Mình đã có thực sự hiểu việc xuất gia là gì chưa? Và mình có biết tương lai sẽ như thế nào không?”.  Và càng suy nghĩ như thế càng làm cho con nghi ngờ và sợ hãi. Đến một buổi tối con ngồi trên giường và nghĩ rằng: “Tương lai không thể đoán trước được nhưng có một điều chắc chắn là nếu muốn có hạnh phúc thì nên quyết định bằng trái tim”. Con lấy bút giấy và viết xuống một câu: “Con muốn xuất gia!”. Rồi con đứng lên đi thẳng vào tăng xá xin gặp thầy Pháp Linh, vì hồi ấy Thầy là người con dễ đến gần nhất. Thầy ra ngoài cửa, con đưa tờ giấy ấy, Thầy đọc xong rồi nói: “Em có chắc không? Em còn trẻ, còn rất nhiều thì giờ để em quyết định”. Con nói: “Nếu con không xuất gia thì con sẽ không có hạnh phúc”. Một khi thầy nghe như vậy thì lập tức mặt thầy rạng rỡ lên. Thầy ôm con rồi mời con vào phòng uống trà. Hai người nói chuyện với nhau. Nói về cái gì thì con không có nhớ rõ nhưng con nhớ rằng con đã rất là, rất là hạnh phúc. Khi con ra phòng thầy con nhìn lên thấy bầu trời đầy ngôi sao con có cảm tưởng chắc chắn mình là người tự do nhất thế giới. Mình đã có tự do để lắng nghe trái tim. Mình sẽ đi về đâu mình không có biết. Phật, Pháp, Tăng là cái gì cũng chẳng biết gì nhiều. Nhưng đã biết một điều là con đường này là con đường chân chính.

Có nhiều người cho rằng “đi tu” tức là “trốn đời”. Nhưng xin hãy nói cho đầy đủ hơn: trốn đời nào và để sống đời nào? Đối với con, đi tu có nghĩa là trốn đời sống lãng quên, tiêu thụ, ích kỷ, tranh đua… để đi theo đời sống tỉnh thức, đơn giản, độ lượng và xót thương. Đi tu tức là trốn đời sống giả để có thể nếm cho được đời sống thật. Đi tu tức là trốn đời sống ràng buộc để sống tự do. Đi tu tức là từ chối tham dự vào sự bối rối tập thể để có thể mở một con đường thoát, một con đường sáng cho nhân loại.

Con kính bạch Sư Ông,

Con kính bạch Đại Chúng,

Con muốn đi tu.

Cả đời con đi về hướng ấy, làm sao nói hết trong lá thư nhỏ xíu này?

Con có cảm tưởng chúng ta đang gặp nhau lại sau một thời gian quá lâu. Con thấy khỏe bên cạnh Thầy và tăng thân. Con không có gì để làm ngoài ra sống cho có hạnh phúc, học hiểu và tập thương. Con cảm nhận rằng con cũng có phần trách nhiệm trong phương hướng nhân loại đang tới và con biết rằng cùng với Thầy và tăng thân con có thể làm được một cái gì đó. Một khi đã viết thư xin xuất gia này con mới thông báo cho gia đình con biết. Con đã không nói với ai trước bởi vì con không muốn bị người khác ảnh hưởng, con muốn cho sự quyết định này là sự quyết định của con. Kết quả: em con khóc, anh con im, mẹ con xỉu còn cha thì la… Nhưng dần dần ai cũng hiểu. Mẹ, anh và em con đã đến Làng Mai yểm trợ cho lễ xuất gia của con. Cha đã cần nhiều tháng hơn để hiểu sự quyết định của con nhưng bây giờ cha chơi rất thân với con và yểm trợ cho đời sống xuất gia của con.

Một cây yếu đuối cần phải trồng lại trong một vùng khác có đủ nắng đủ mưa. Con đã giống như cây ấy vậy. Con đã được trồng lại trong đời sống xuất gia hơn bốn năm rồi. Con đã được cắm rễ một chút. Con đã được hút một chút chất dinh dưỡng rồi. Và lâu lâu con bỗng thấy những lá non mọc, vài ba trái cây nhỏ nhỏ ngọt ngọt xuất hiện.

Các trái cây ấy còn khi được gọi là “pháp lạc” và đối với con, từ khi xuất gia đến nay, không có ngày nào mà không nếm, dù ít dù nhiều. Nó có thể biểu hiện dưới hình thức là một niềm sung sướng khi bước một bước có ý thức, có thể là một bình an trong khi nằm buông thư, có thể là một niềm rung động khi đọc một bài kinh, có thể là một tiếng cười khi chơi với các huynh đệ nhưng cũng có thể là một nước mắt trị liệu làm cho lòng con êm dịu lại.

Liên hệ giữa con và gia đình huyết thống của con đã tiến bộ rất là nhiều. Con cảm thấy con hiểu nhiều hơn và thương nhiều hơn gia đình. Cha mẹ và anh em ai cũng nói họ rất hạnh phúc được đọc các lá thư con hay gửi. Trong gia đình con ai cũng được chuyển hóa.

Con cũng biết rằng trong con vẫn còn nhiều khổ đau, nhiều tập khí tiêu cực mà Tăng thân phải gánh chịu cùng với con. Cũng như con đang gánh chịu những khổ đau, những tiêu cực của các sư anh, sư em con. Nhưng chúng ta không có sợ, không tuyệt vọng. Là bởi vì chúng ta đã được chuyển hóa một phần đáng kể của các tiêu cực ấy. Là bởi vì chúng ta có niềm tin nơi các pháp môn. Là bởi vì chúng ta có đủ hạnh phúc, có đủ bình an, có đủ niềm vui, có đủ tình huynh đệ để nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Là bởi vì chúng ta đã có một con đường đi.

“Có một con đường đi” ở đây có nghĩa là chúng ta có một lý tưởng cao đẹp và chúng ta biết làm sao để thực hiện lý tưởng ấy trong đời sống hàng ngày. Đây là một điều rất may mắn trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Ngày hôm nay con đã biết dành thì giờ để trở về với người thanh thiếu niên quá khứ. Con không còn muốn bỏ người ấy nữa bởi vì chính người ấy là cánh cửa nhiệm mầu cho con có thể tiếp xúc, cho con có thể cảm thông với bao nhiêu người trẻ khác đang khổ đau trên khắp thế giới. Con mong muốn làm sao để cho càng ngày càng được vững chãi, càng có trí tuệ để có thể có mặt cho họ một cách tích cực. Con mong muốn làm sao để có thể giúp đỡ họ như con đã được mọi người giúp đỡ. Biết ơn thì trả ơn. *