MỪNG NGÀY BỤT ĐẢN SANH
Lễ Phật đản
Tu viện Vườn Ươm Làng Mai Thái Lan,
Ngày 05.07, 2020
Kính thưa quý vị thân hữu, thiền sinh khắp nơi,
Chỉ còn một ngày nữa là chúng ta, những người con Bụt sẽ đón chào ngày Bụt đản sanh (Vesak Festival). Nhưng có lẽ chúng ta sẽ không thể vui mừng theo cách mà chúng ta đã từng vui mừng đón chào ngày trọng đại của đức Từ Phụ biểu hiện trên cõi đời này như mọi năm vì nhân loại đang chật vật chống dịch Covid-19. Tuy chúng ta không được tổ chức đại lễ Phật đản hay Lễ Tắm Bụt nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ quên ngày trọng đại này trong đại gia đình Phật giáo. Trong kinh điển Phật giáo có câu kinh mà phái Độc Tử Bộ ưa trích dẫn: “Này quý vị khất sĩ! Có một người mà khi ra đời thì đem lại lợi lạc không biết cho bao nhiều người khác trong nhân loại. Người ấy là ai? Người ấy là Phật, là Thế Tôn.” Trên bình diện tục đế, chúng ta có một đức Bụt lịch sử đã xuất hiện tại nước Ấn Độ cách đây hơn 2600 năm. Người đã tìm tòi, khám phá, tu tập và cống hiến cho chúng ta những lời dạy và sự thực tập thực tiễn để chuyển hóa khổ đau, đạt tới an lạc, hạnh phúc và vô uý ngay trong kiếp sống hiện tại. Những lời dạy ấy được tìm thấy qua giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Dù kinh điển để lại có thiên trang vạn quyển thì cũng chỉ là sự triển khai giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo mà thôi. Do đó có thể nói giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo là sáng chế tuyệt đỉnh của Bụt, là di sản quý giá của Bụt để lại cho chúng ta. Và Tăng thân là tuyệt tác của Bụt, là giáo sản vô giá của Bụt mà qua đó chúng ta mới có cơ hội tiếp xúc được với Chân Phật thân và Chân Pháp thân của Bụt. Vì vậy ngày Lễ Tắm Bụt cũng là ngày mà tất cả những người con Bụt hướng về để bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc nhất của mình lên Bụt và cũng để thắp lên ngọn đuốc của chánh niệm, chánh định và chánh kiến để đánh thức vị Bụt trong lòng chúng ta biểu hiện; bởi vì Bụt đã tuyên bố ngay sau giây phút giác ngộ rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có tính Bụt trong lòng!”. Suốt 49 năm hành đạo, Người chỉ làm có một việc duy nhất là đánh thức tính Bụt trong lòng mỗi người để rồi ai ai cũng được như Người, cũng trở thành một vị Bụt. Người đã nói rằng trong 49 năm hành đạo, Người chỉ nói về khổ và con đường chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc, hạnh phúc, tự do và yêu thương. Vậy thì là những người con Bụt, chúng ta hãy cùng thắp lên ý thức sáng tỏ ấy và cùng nhau thực tập những lời Bụt dạy để chuyển hóa bản thân, gia đình và xã hội mà không chỉ cung kính, tín mộ Bụt như một vị thần linh, một đối tượng thuần chất tín mộ và quan trọng hơn cả là nhận diện ra rằng chúng ta vẫn còn thấy Bụt là một thực tại biệt lập ngoài mình.
Nhân dịp Mừng Lễ Đản Bụt này, chúng ta hãy cùng phát tâm thực tập một vài thực tập theo giáo lý chân truyền của Bụt sau đây:
Bụt dạy rằng là người hành giả thì trước tiên mình phải có khả năng chế tác hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại bất cứ lúc nào mình muốn. Khi chúng ta nghe Bụt dạy về giáo lý Tứ Diệu Đế bắt đầu với sự thật thứ nhất là khổ, chúng ta dễ hiểu lầm rằng đời là khổ, cái gì cũng khổ. Covid-19 là cái khổ lớn mà nhân loại đang chật vật chiến đấu với nó, ngày đêm lo lắng và hoảng sợ về nó… Có những người có thể chưa thấu hết được lời dạy của Bụt nên tìm đủ cách để chứng minh rằng đời là khổ (vì Bụt cũng đã nói như vậy) nên chúng ta chịu cực chịu khổ để tu tập để cầu mong sau này được sinh về thế giới bên kia, nơi mà chúng ta được dạy và tin là một nơi hoàn toàn không có khổ đau, chỉ toàn hạnh phúc (thuần thanh tịnh, thuần thiện). Và chúng ta sinh tâm nhàm chán cõi ta bà này, chúng ta không cần quan tâm tới cõi trần gian này. Tư duy này có thể dẫn đến sự thiếu trách nhiệm với môi trường nơi chúng ta đã được trưởng dưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta học Phật và hiểu rằng chánh báo và y báo cùng có mặt một lần (câu sinh); rằng nhất thiết duy tâm tạo, nghĩa là mọi hiện tượng đều do tâm biểu hiện – hình hài cùng năm căn và môi trường sống đều là sự biểu hiện của Tâm. Phật-ma, mê-ngộ cũng đều là biểu hiện của Tâm. Tâm ở đây trong Duy Biểu Học được hiểu là Tàng thức (Alaya) – nơi cất giữ, duy trì tất cả các hạt giống, công năng của sự sống và làm biểu hiện ra mọi sự mọi vật để được nhận biết. Bản chất của Tâm là mầu nhiệm, là sáng chói, là vô sinh bất diệt, là không tịnh không uế, không tới không đi… và những gì mà Tâm biểu hiện ra đều là những hiện tượng mầu nhiệm, là chân như, là diệu hữu trong bản chất chân không, tương tức. Đó là lý do tại sao Bụt dạy chúng ta phải biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong ta và chung quanh ta. Những yếu tố của niềm vui, hạnh phúc luôn có mặt đó chứ không phải chỉ có những khổ đau mà thôi. Bụt đã sống như vậy, Bụt hay mời thầy Ananda leo núi với Bụt, ngắm mặt trời lên, ngắm cảnh mặt lặn huy hoàng, tráng lệ trên đỉnh núi Thứu. Bụt thường chỉ cho quý thầy vẻ đẹp hùng tráng của thiên nhiên, của thành phố Vesali… Vì vậy là người con Bụt chúng ta có thể học làm như Bụt mà không nên chạy tìm một thứ hạnh phúc hão huyền ở phía tương lai. Đó là tinh thần của giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú, nghĩa là sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.
Thứ hai, là người con Bụt chúng ta cũng tập nghệ thuật xử lý khổ đau. Chúng ta đã được Bụt dạy rằng khổ đau là một sự thật mầu nhiệm. Vì trong bản chất của khổ đau có chứa đựng chất liệu của hạnh phúc cũng như trong bùn có chứa đựng chất liệu sen. Nếu trốn chạy khổ đau thì chúng ta đánh mất cơ hội để được hạnh phúc. Chúng ta hãy tập nhìn sự vật với con mắt tương tức, bất nhị để thấy rằng khổ đau có cái vai trò, giá trị của nó. Nếu chúng ta chưa từng biết đói là gì thì chúng ta không tận hưởng được cái hạnh phúc khi có gì đó để ăn. Nếu chúng ta chưa từng nếm mùi thất bại thì chúng ta không thấy được thành công là hạnh phúc. Cho nên khổ đau là chất liệu vô cùng cần thiết cho việc chế tác hạnh phúc, tự do và yêu thương.
Thứ ba, để thật sự là những người con dễ thương của Bụt, chúng ta cần thực tập tái lập lại truyền thông giữa mình với người thương của mình, giữa mình với bạn thân, đồng nghiệp của mình. Bụt dạy nghệ thuật truyền thông qua hai phương pháp gọi là ái ngữ và lắng nghe với tâm từ bi. Trong đời sống chúng tạo ra nhiều sự hiểu lầm, trong đạo Bụt gọi là vọng tưởng – tri giác sai lầm. Bụt dạy gần như 99% nhận thức của mình là sai lầm. Mình hiểu lầm về chính mình và về người kia. Do đó chúng ta trước hết thực tập truyền thông với mình trước, khi hiểu được mình rồi thì mình mới dễ dàng hiểu được người kia. Đây là điều căn bản. Khi trong mình có đủ bình an, sáng suốt, có đủ chất liệu hiểu và thương rồi thì ý nghĩ, lời nói và hành động của mình sẽ mang tính xây dựng, hòa giải và yêu thương mà không còn tính chất lên án, buộc tội, trách móc, trừng phạt… Vì vậy mừng ngày Đản Bụt là chúng ta hứa với Bụt là mình sẽ tập hàn gắn trở lại mối liên hệ giữa mình với người thương của mình… Làm được như vậy thì mình mới xứng đáng là người con trai, người con gái của Bụt. Chắc chắn Bụt không muốn mình cung kính, tôn sùng, lễ lạy Bụt một cách hình thức.
Thứ tư, là người con Bụt, là người thực tập theo Bụt, chúng ta phải có khả năng tiếp xúc với Tịnh Độ, với Niết Bàn ngay trong hiện tại. Có một kinh của Bụt có tên là Hiện Pháp Niết Bàn, nghĩa là Niết bàn có thể được chạm đến, được thực chứng, được tiếp xúc ngay bây giờ và ở đây. Niết bàn tiếng Phạn là Nirvana, trước hết có nghĩa sự lắng dịu của sự thèm khát (tham), của sân hận (sân) và của sự hiểu lầm (si), là trạng thái mát mẻ của thân tâm; nghĩa khác là sự tịch diệt, sự vắng lặng, sự tắt ngấm của mọi ý niệm, khái niệm như ý niệm có và không, sinh và diệt, tới và đi, một và khác, ta và người, Phật và chúng sanh, dơ và sạch, trong và ngoài… Trên bình diện tục đế thì những ý niệm trên có thể áp dụng được cũng như trên bình diện của sóng, thì ta thấy có cao có thấp, có lớn có nhỏ, có mạnh có yếu, có tới có đi, có sinh có diệt… Nhưng nhìn cho sâu thì ta có thể chạm tới bình diện khác, đó là bình diện chân đế, bình diện bản môn, tức là thế giới không sinh không diệt, không tới không đi, không lớn không nhỏ, không trong không ngoài, không cao không thấp… Đó là bình diện của nước. Sóng thì có lên có xuống, có cao có thấp, có tới có đi… nhưng nước thì không. Nước vượt thoát tất cả mọi ý niệm đó. Và bản chất của sóng đã là nước vì vậy sóng không cần đi đâu cả để tìm nước, sóng không còn bị giới hạn trong khái niệm thời gian và không gian, trước và sau, trong và ngoài… Đó là cái thấy bất nhị, tương tức và tịch diệt. Đó là Niết bàn, là chân như, là thế giới của không sinh không diệt, không có không không, không tới không đi, không một không khác, không dơ không sạch. Có cái thấy này rồi, chạm tới được Niết bàn, thực tại tối hậu rồi thì mọi nóng bức, lo lắng, sợ hãi tan biến hết và chúng ta có thể rong chơi Trời Phương Ngoại trong mỗi phút giây.
Kính thưa quý thân hữu, thiền sinh khắp chốn,
Chúng ta thật may mắn được sinh ra trong gia đình tâm linh của Bụt hoặc được tiếp cận giáo pháp của Bụt (khi mình đã có niềm Tin khác) vì Bụt đã cống hiến cho chúng ta con đường rất sáng, rất thực tiễn qua lời dạy của giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo và được thực hành và trải nghiệm qua các thiền kinh căn bản như Kinh Quán Niệm Hơi Thở và Tứ Niệm Xứ. Những giáo lý này cũng đã được Thầy của chúng ta – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh thổi vào trong nội dung của Năm Giới Tân Tu làm cho sự thực tập của Năm Giới trở nên thực tiễn, sống động, khế lý khế cơ và khế thời. Nếu tất cả mọi người thực tập đúng theo tinh thần Năm Giới, chắc chắn chúng ta sẽ tạo được một thế giới an lạc cho ta và cho mọi người, mọi loài. Thầy của chúng ta có nói rằng nếu thực tập Năm Giới cho sâu sắc, chúng ta cũng có thể chạm tới Niết bàn ngay trong hiện tại vì bản chất của Năm Giới là hiểu biết, là tình thương, là tự do, bình an và hạnh phúc chân thật.
Chúng ta hãy cùng mừng ngày Đản Bụt trong tinh thần ấy, có như thế thì chúng ta mới làm cho Bụt sống mãi (vô sinh bất diệt) với chúng ta được. Mình và Bụt không phải là hai thực thể biệt lập – “Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng.”
Nhân ngày Đản Bụt 2564, quý thầy, sư cô tại tu viện Làng Mai Thái Lan kính cầu chúc mọi người thân tâm an lạc. Nguyện cầu chư Bụt, chư Tổ gia hộ cho mọi người luôn được sống trong an toàn và hạnh phúc. Nguyện cầu cho dịch bệnh sớm được dập tắt để mọi người trở lại với đời sống bình thường.
Đại diện tăng thân Làng Mai Thái Lan,
Kính thư
Thầy Pháp Niệm