“Công trình xây dựng ngàn đời
Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất.”
Thương lắm, công trình ngàn đời của Bụt Tổ đang được tiếp nối một cách sống động trong từng giây phút. Tại Trung tâm thiền tập Quốc tế Làng Mai Thái Lan, từng thành viên trong Tăng thân lại một năm nữa “ăn” Tết cùng nhau, một cái Tết nhiệm mầu.
Dựng nêu. Cây nêu được dựng lên trong tiếng niệm Bụt và chư vị Bồ Tát. Năm nay, vị trí dựng nêu là chính giữa sân Trời ở xóm quý Thầy. Từ khi công trình vườn keo được làm sạch và cả một khu vườn mênh mông được xuất hiện, nhìn từ tượng Bụt ngồi dưới cội bồ đề, cây nêu vươn cao giữa trời. Xa xa kia là dãy núi Khao Yai xanh mượt.
Gói bánh. Sáu dãy bàn dài được xếp liền kề nối nhau trên những chiếc chiếu hồng điều. Lá chuối được lau sạch, đậu và nếp đã được ngâm mềm, khuôn bánh được bày sẵn. Đại chúng hai xóm có hẳn một thời khoá gói bánh cùng nhau. Năm nào cũng vậy, các anh chị em xúm xít học hỏi để có thể gói được một chiếc bánh tét vừa dài vừa thon gọn, một chiếc bánh chưng vuông cạnh, hay một chiếc bánh ú be bé. Sư cô Chân Hạnh Liên là người hướng dẫn chính; nhìn sư cô, các sư con ngẩn ngơ không hiểu được từ đâu mà sư cô có thể khéo léo ngón tay này thì giữ tờ lá, còn mấy ngón tay kia thì luồn, vấn, siết từng sợi lạt thật chặt nhưng vẫn giữ cho chiếc bánh rất đẹp mà không bị méo mó. Không muốn so sánh, nhưng sư con nào cũng hăm hở, “Phải làm được như sư cô nha!”
Pháp thoại cuối năm. “Ăn” là một nét văn hoá; ăn cho đẹp, cho hiền. Người Á Châu thưởng thức Tết truyền thống bằng cách tổ chức các bữa ăn thật là chăm chút. “Ăn Tết” hơn thế nữa không phải chỉ có những bữa ăn, mà còn là nhìn lại nếp sống trong một năm qua và gởi gắm nhiều niềm tin vào năm sắp đến. Ngồi nghe pháp thoại, đại chúng hai xóm Trời Quang và Trăng Tỏ ai nấy đều vui vẻ với những câu chuyện vui của sư cô.
Bình thơ đêm giao thừa. Bài thơ “Đà Lạt trăng mờ” được chọn để mở đầu cho đêm bình thơ. Thầy Chân Pháp Nguyệt và Sư cô Chân Duy Nghiêm đem cả một vườn trăng về cho đại chúng, với cái nhìn thiền quán thông qua câu chữ của bài thơ. Xuyên suốt trong bài thơ, ngoài hình ảnh của một vầng trăng, có một “phút thiêng liêng đã khởi đầu”. Giờ phút mỗi chúng ta chạm đến sự thiêng liêng của sự sống, ý thức về giây phút hiện tại và cho mình cơ hội an trú ngay bây giờ và ở đây quả thật là thiêng liêng. Thương Thầy, đền ơn Thầy, chúng ta trân quý sự sống, cũng chính là trân quý từng giây phút. Đại chúng cũng đã được thưởng thức hai bài hát trình bày bởi thầy Chân Trời Hiện Pháp, thầy Chân Phương Cần, thầy Chân Trời Tỉnh Thức, và Sư chú Chân Trời Thinh Không.
Đón giao thừa. Sau giờ bình thơ là thời khoá đón giao thừa. Đại chúng tập họp tại Thiền đường Voi Trắng để ngồi thiền và cầu nguyện cho một năm mới bình an. Trong không khí trang nghiêm, Tăng thân gởi niềm biết ơn đến Bụt Tổ và Thầy, đồng thời gởi năng lượng bình an đến cho gia đình, cho quý vị cư sĩ khắp nơi đang hết lòng yểm trợ cho Tu viện trong suốt khoảng thời gian thế giới chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 vừa qua.
Bói Kiều. Sáng mùng 1 Tết, đại chúng lại có mặt cùng nhau để bói Kiều. Thầy Chân Trời Trong Sáng đại diện cho Tăng thân Làng Mai Thái Lan bốc quẻ Kiều số 181:
“Ấy mới gan, ấy mới tài,
Thong dong nối gót thư trai cùng về.”
Thầy Chân Pháp Thừa đã cho lời giải rằng sự hết lòng trong đời sống tu tập hàng ngày chính là biểu hiện của “mới gan,” “mới tài”. Trong hoàn cảnh nào đi nữa, giữ vững chí nguyện và nương tựa Tăng thân, đại chúng có thể an trú trong từng giây phút. Ban ngâm Kiều và thư pháp cũng đã cống hiến những lời ngâm ngọt ngào ba miền và những bức thư pháp kỉ niệm thật đẹp.
Thăm phòng. Tiếp nối lời dạy của Sư Ông, vào ngày Tết, đại chúng đến thăm phòng nhau như anh em và chị em sống chung một nhà. Mùng 1, mỗi xóm thăm phòng nhau trong xóm: Xóm Trời Quang của quý Thầy và quý Sư chú tại Tăng xá Tình Huynh Đệ, Xóm Trăng Tỏ của quý Sư cô ở hai Ni xá Nước Lặng Chiếu và Núi Vững Chãi. Sang mùng 2, Quý Sư cô lên thăm phòng xóm quý Thầy. Mùng 3 là ngày quý Thầy và quý Sư chú được vào thăm phòng xóm quý Sư cô. Phần lớn trà bánh và hoa quả để đãi nhau là tặng phẩm từ khắp nơi gởi về Tu viện, phần còn lại là nhờ tài khéo léo của cả đại chúng hết lòng chuẩn bị cho nhau. Cây nhà lá vườn, gói gém nhưng đủ đầy ấm cúng.
Thăm phòng cũng là dịp các quý Thầy Cô Giáo Thọ, mà đại chúng thường thương gọi là Sư cha và Sư mẹ, tới chơi, động viên và lắng nghe các Sư con. Ngồi thật yên nghe Sư cha dạy hay ngắm nhìn gian phòng đơn sơ của Sư mẹ, các Sư con, nhất là các Sư cô và Sư chú trẻ mới xuất gia, luôn cảm nhận rất nhiều năng lượng trao truyền trên con đường mình đang đi. Ai cũng thấy rõ, tình thương của Sư Ông dành cho thế hệ con cháu đang được biểu hiện qua từng ánh mắt, từng nụ cười, từng cái gật đầu của các Sư cha, Sư mẹ, là những người anh chị đi trước trên con đường tu, nay dìu dắt các Sư em. Nuôi dạy các em, quý Thầy quý Sư cô lớn vừa làm bạn, làm thầy, mà cũng thay cho cha mẹ. Thực tập có hạnh phúc là Tăng thân đã có thể đền ơn Sư Ông và Bụt Tổ. Biết ơn Sư Ông và Bụt Tổ, Tăng thân gìn giữ con đường thực tập để làm cho cuộc đời đẹp hơn.
“Mỗi độ Xuân về mang áo mới
Hoa hồng liễu lục thật xinh tươi
Hạ đến ngàn cây phô sắc thắm
Hạt lành, trái ngọt khắp nơi nơi
Rừng Thu rực rỡ bày muôn sắc
Đông sang hoa tuyết ngập lưng trời
Chiều xướng hải triều như sấm động
Sáng họa bình minh cảnh tuyệt vời.” (Bài Kinh Ca Tụng Đất Mẹ)
Tăng thân Làng Mai Thái Lan kính chúc đại chúng khắp nơi trên thế giới một mùa xuân tươi mới và an vui! Cảm ơn đại chúng!