Thiền Hành

Bạn thân mến!

Cảm ơn bạn đã thắc mắc những vấn đề rất thiết thực. Chứng tỏ rằng, bạn đang có mong muốn được tu tập nhằm làm đẹp đời sống của bạn và những người xung quanh bạn.

Bạn thân mến! Thực tập chánh niệm là cốt tuỷ của thiền tập đạo Phật. Niệm là sự tỉnh táo và không quên lãng, sự có mặt của ý thức và sự nhớ biết. Như vậy, niệm bao giờ cũng phải có đối tượng – niệm điều gì? Và chánh niệm bao giờ cũng là chánh niệm về một đối tượng gì? Ví dụ khi thực tập chánh niệm về hơi thở: Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra, thì đối tượng của chánh niệm là hơi thở. Khi uống nước có chánh niệm thì sự uống nước là đối tượng của chánh niệm. Khi giải một bài toán hay khi lái xe có chánh niệm thì sự lái xe hay sự giải một bài toán là đối tượng của chánh niệm. Và khi chánh niệm có mặt thì định lực đương nhiên phát sinh. Định là sự ngưng tụ, sự tập trung, trạng thái không tán loạn, và không đi lạc của tâm thức. Chánh niệm có sâu sắc, định lực có đủ mạnh đều phụ thuộc vào công phu tu tập hằng ngày ( phụ thuộc vào sự thực tập thường xuyên và nghiêm túc hằng ngày). Hơn nữa, niệm lực và định lực phụ thuộc vào môi trường chú ý và môi trường định. Nếu môi trường chú ý, môi trường định càng lớn( có nhiều đối tượng) thì định càng yếu. Giống như mình cắm bàn ủi điện vào thì các bóng điện sẽ yếu đi. Do vậy, thời gian đầu, ta có quyền chọn lựa đối tượng cho sự thực tập. Ta thử lấy ví dụ về thiền hành. Thiền hành tạo niệm, định và sự an lạc. Trong thực tập thiền hành, chúng ta thường đề cập đến bốn yếu tố: bước chân, hơi thở, nụ cười và con số. Tuỳ theo hơi thở của bạn dài hay ngắn, bạn có thể điều chỉnh sự phối  hợp giữa số bước chân và hơi thở. Khi thở vào bạn có thể bước hai bước, thở ra bước hai hoặc ba bước, đồng thời bạn đếm thầm theo bước chân và miệng điểm một nụ cười. Thực tập theo cách này, bạn có thể sẽ không đánh mất bước chân khi theo dõi hơi thở. Tuy nhiên không nhất thiết là bạn phải quy tụ cả bốn yếu tố: hơi thở, con số, bước chân, nụ cười thì bạn mới đạt được chánh niệm và sự an lạc. Có khi chỉ cần yếu tố bước chân thôi cũng đủ có chánh niệm và sự an lạc rồi. Nếu khi chánh niệm và sự an lạc ấy rời rạc, không liên tục thì bạn cần cầu viện đến hơi thở, nụ cười, con số. Sự phối hợp giữa bốn yếu tố trên nghe có vẻ phức tạp, nhưng khi thực tập thì không khó lắm đâu bạn. Trên đường thiền hành chắc chắn có nhiều cảnh đẹp, nếu bạn muốn ngắm cảnh, bạn có thể dừng lại và thực hiện điều đó trong sự duy trì hơi thở chánh niệm. Bởi vì, khi bạn dừng lại thì môi trường định sẽ được thu hẹp. Môi trường định thu hẹp thì định sẽ lớn hơn. Và sự tiếp xúc sẽ sâu sắc hơn. Bạn có bao giờ vừa đi vừa thưởng thức vẻ đẹp của hoa không? Chắc chắn là không rồi. Muốn thật sự thưởng thức hoa cần dừng lại.

Bạn thân mến! Trong kinh quán niệm hơi thở và kinh bốn lĩnh vực quán niệm, Bụt có đề cao sự thực tập hơi thở chánh niệm. Bởi nó cần thiết và quan trọng. Nếu biết phối hợp nó trong công việc hằng ngày thì sự thực tập của chúng ta sẽ tiến triển rất nhanh. Ví dụ, khi lái xe, bạn có thể thực tập: Thở vào, tôi ý thức mình đang lái xe; thở ra, tôi ý thức mình cần cẩn trọng hơn( để tự nhắc nhở, bạn có thể sáng tác những bài tập cho riêng mình). Nếu bạn phối hợp khéo léo thì bạn sẽ không cảm thấy sự rời rạc giữa hơi thở và hành động của công việc. Nhưng làm được điều này cần phải thêm một ít thời gian đó bạn. Khi sự thực tập của bạn kha khá, bạn sẽ cảm thấy rằng, không thể bỏ qua sự thực tập hơi thở chánh niệm. Bởi nó giúp bạn duy trì chánh niệm lâu hơn, sâu sắc hơn trong công việc.

Chúc bạn thành công.

https://159.223.73.115/