Thấy Nhỏ Bé

Người đời còn ba mặc cảm là vì họ chưa biết thực tập bằng phương pháp tu. Còn mình là một tu sĩ trẻ, nhưng vẫn còn ba mặc cảm là vì mình chưa thực sự muốn tu (còn hời hợt)…

Đây là cái thấy nhỏ bé của mình đối với pháp môn, khi được thức tỉnh nhưng nếu nói sâu xa là tại vì mình còn chưa biết an trú, chưa biết trân quý khả năng của tự thân, chưa thấy cái đẹp, cái tốt của mọi người xung quanh cũng là cái đẹp, cái tốt của mình. Để tạo ra chính con người mình và rốt ráo nhất là vì vô minh (mê muội và tham đắm nhiều thứ không cần thiết cho người tu).

Bản thân cũng giống với nhiều người, vẫn là người đang trên đường thực tập nên ba mặc cảm trên vẫn còn trong tâm. Nhưng không phải vì thế mà để cho chúng trấn ngự trong tâm mãi hay sao? Nếu mà nói để phân tích thì thấy hơi dài dòng, nhưng với bản thân khi đã thấy trân quý từng công việc, từng người xung quanh và thấy rằng họ cũng là mình và mình cũng là họ (tương tức cho sâu sắc) đều có tay chân, mặt, mũi…có suy nghĩ riêng, có cái ý thích riêng, cá tính riêng, đều có khả năng hạnh phúc và khổ đau riêng… Nhưng họ vẫn thở, vẫn đi và đứng trên mặt đất như mình thôi, cười nói hồn nhiên, trong sáng, kỳ diệu, và có thể nói mỗi cá nhân là mỗi quốc độ khác nhau, nhưng họ cũng ở chung một quốc độ lớn với mình là trái đất, là hơi thở. Vậy lý do gì mà mình có thể chê bai, chỉ trích hoặc thương yêu một cách phân biệt với họ. Ta là ta, ta không hát ca được nhưng cuốc đất trồng rau được, bạn tu ta không trồng rau được nhưng giỏi ngôn ngữ và làm giao tiếp được, bạn kia cả hai việc kia làm không giỏi nhưng lại biết làm điện, nước, và gom lại là cả ba đang cùng nhau giúp một chút ít cái mình có (tài năng) để đền đáp Tăng thân (ân nghĩa). Nhờ có Tăng thân mà mình có pháp môn để tu, có môi trường cọ xát để học hỏi, để làm thỏa ước nguyện tâm bồ đề giải thoát, nghĩ và nhớ như thế thì làm gì mà ta còn ở không để tính tới chuyện hơn, kém, bằng và dù có thì với sự thường trực trong ý thức đó sẽ giúp cho ta vượt qua ba mặc cảm. Dù biết rằng, đôi lúc do tu chưa hoàn thiện về khả năng của mình và nhờ có cái thấy mình còn đang yếu về điểm nào đó trong tu học, oai nghi, ứng xử… Vì thấy yếu mà tu có tinh thần, phấn đấu để đi lên, nhưng trên phương diện hoàn thiện để tu, để giúp người, chứ không phải để so đo hơn thua, kém, bằng.

Điểm trọng yếu duy nhất là tu phải chịu tu, phải thường xuyên nhìn nhận và quán chiếu nội tâm, phải đặt việc cầu đạo giải thoát lên trong đầu. Và đạo giải thoát ấy cần được biểu hiện trong từng sinh hoạt hằng ngày. Sống với Tăng thân, trong từng bản tính tự nhiên của sự sống. Chỉ như thế, tâm ta mới vượt qua được mọi khó khăn và cám dỗ, còn ngược lại thì sau một thời gian xuất gia trở thành tu sĩ, tâm bồ đề của ta sẽ bị thoái hóa, ta dễ bị cám dỗ bởi các hình ảnh, âm thanh, máy móc… Ta dễ bị giận hờn, ganh tị, mặc cảm trong lúc tiếp xúc và làm việc. Lúc đó ta mang cái áo tu nhưng thân xác ta là người đời. Tôi tuy già rồi, nhìn lại những giai đoạn trẻ, ta mới thấy hối tiếc, lúc ấy thì thật là khổ đau biết bao nhiêu…

https://159.223.73.115/