Thành phố mà con sinh ra cách Cửu Hoa Sơn chỉ có bốn giờ đồng hồ lái xe. Cửu Hoa Sơn là một ngọn núi ở giữa Trung Quốc, được xem là nơi gắn liền với Địa Tạng Bồ Tát. Con là đứa con duy nhất trong gia đình, nhưng con lại được lớn lên cùng với một người em họ nhỏ hơn con ba tuổi từ sự nuôi nấng của ông bà con. Chúng con sống cùng nhau trong một ngôi làng nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố.
Tất cả những kỷ niệm về thời thơ ấu của con là những trận đánh nhau giữa con và đứa em họ. Chúng con đánh nhau mỗi ngày. Mặc dù em ấy nhỏ hơn con nhưng con chưa bao giờ đánh thắng được em. Dân địa phương tin rằng nếu trẻ con thường xuyên đánh nhau, chúng sẽ trở nên dũng cảm sau này. Theo họ, việc ẩu đả giữa bọn trẻ không phải là vấn đề nghiêm trọng, đôi khi nó còn mang lại cho họ sự thích thú. Thật không may là gia đình con cũng bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ đó. Thỉnh thoảng, các chú và dì của con còn dạy chúng con cách đánh nhau nữa. Con nghĩ rằng họ là những người rất siêng năng, chăm chỉ, lương thiện và đã cố gắng hết sức để tạo ra một môi trường tốt, một cuộc sống lành mạnh cho cả gia đình. Vì vậy, năm lên bảy tuổi, con đã xin ông bà cho con đi học võ với mong ước là con sẽ đủ mạnh để thắng em họ con và những đứa con trai trong làng. Nhưng mọi thứ đã không như con mong muốn, con đã thua trong các cuộc giao chiến với chúng. Chúng con đã lớn lên mà không có bình an trong tự thân cũng như với mọi người.
Em họ con bây giờ đã có gia đình riêng và luôn cố gắng để trở thành một người cha tốt. Còn con thì đang đi trên một con đường khác cùng với khoảng 200 thầy và sư cô. Tình huynh đệ đã gây ấn tượng mạnh cho con và con đã tiếp xúc được năng lượng của tập thể. Khóa tu xuất sĩ vừa rồi là một cơ hội rất tốt để con nếm được tình huynh đệ và thật sự hiểu sâu hơn về nó.
Làm đèn lồng tặng Thầy
Trong khóa tu xuất sĩ vừa rồi, con ở trong đội số bảy và chúng con đã chọn tên Đất Mẹ để đặt cho đội của mình. Mặc dù đến bây giờ con vẫn không thể nhớ hết tên các thành viên trong đội nhưng quý thầy, quý sư cô đã thật sự dạy cho con cách thương yêu nhau với sự tương kính, thấu hiểu và cảm thông.
Ngày đầu tiên của khóa tu, chúng con đã ngồi lại để bàn với nhau về món quà mà đội sẽ làm để dâng tặng Thầy. Một sư anh đề nghị làm lồng đèn kéo quân. Chúng con chia nhau tìm đũa, tre, giấy (loại giấy mỏng như giấy nghệ thuật của Trung Quốc). Đội đã được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ. Nhóm thì chặt đũa, nhóm thì chẻ tre, nhóm thì làm khung lồng đèn (bằng đũa và tre đã được chặt ra). Nhóm khác làm vòng trụ giấy được dán bởi một số hình của Làng. Nhóm còn lại làm mũ hóa trang cho đội với biểu tượng Đất Mẹ. Không khí làm việc rất ấm áp, hài hòa và đầy chánh niệm. Chúng con đặt vòng trụ vào bên trong và khi thắp nến lên, hơi nóng làm cho đèn quay vòng và những bức ảnh hiện ra rất rõ nét trên mặt đèn. Con cảm thấy rất phấn khởi. Thật là kỳ diệu khi có thể làm một chiếc đèn kéo quân chỉ với những nguyên liệu quá đơn giản như vậy. Quý thầy, quý sư cô quá sáng tạo. Ai cũng biết việc gì nên làm và làm như thế nào. Chiếc đèn kéo quân đó chính là sự biểu hiện của năng lượng tập thể và tuệ giác chung của cả đội.
Vào buổi tối ngày thứ tư của khóa tu, cả đội con cùng nhau đội mũ hóa trang, cầm lồng đèn, hát bài hát “In Gratitude” và đi lên cốc của Thầy. Với ánh sáng nhỏ của đèn đường, con đi theo và hát cùng với mọi người. Nhìn vào đội, con đã chạm được năng lượng của tình thương và sức sống của người xuất sĩ. Con xúc động đến rơi nước mắt bởi tình thương yêu tin kính giữa Thầy và các sư con. Có lẽ hai ngàn năm trăm năm về trước, những vị đệ tử của Bụt cũng đã từng làm những món quà như vậy để dâng tặng lên Người. Sự tiếp nối biểu hiện trong tất cả mọi người và luôn bền vững.
Pháp thoại của “những vị giáo thọ tương lai”
Trong thời khóa của khóa tu có một thời khóa gọi là “chương trình đặc biệt”. Và chương trình đó thật sự rất đặc biệt và gây bất ngờ cho tất cả mọi người. Hình ảnh quý thầy, sư cô “baby” đem lại ấn tượng rất sâu trong con. Quý vị ấy thật trong sáng và dễ thương, và quý vị cũng thật may mắn khi đã chọn tham dự vào con đường cao quý này. Khi con nhìn vào họ, con thấy được tương lai của Làng Mai. Quý vị ấy đã nuôi dưỡng niềm tin vào sự thực tập pháp môn của Làng trong con. Tăng thân thật từ bi khi đã tạo một cơ hội tuyệt vời cho những vị xuất gia trẻ lên chia sẻ về sự thực tập của họ. Thật là một Tăng thân tuyệt vời. Ai ai cũng thật là dễ thương.
Gia đình xuất gia của con
Con thật may mắn khi có một sư anh và sáu sư chị trong gia đình xuất gia của con. Những vị ấy rất dễ thương, chăm sóc con rất cẩn thận, chu đáo và luôn cho con cảm giác thật an toàn. Trước đây con không hiểu được tại sao mọi người đều nói rằng xuất gia là được tái sinh một lần nữa. Sau khi xuất gia, con chỉ thấy con giống như một cô học sinh trung học với bộ đồng phục mới, cặp mới, sách mới và một kiểu tóc mới. Nhưng sau khóa tu xuất sĩ này, con đã thật sự tiếp xúc và hiểu được ý nghĩa của việc được tái sinh một cách sâu sắc: Con đang học cách thương chính bản thân con và chăm sóc thân tâm con; cách thương những người xung quanh con bằng tâm từ bi, sự hiểu biết và lắng nghe sâu; cách chuyển hóa và trị liệu tự thân. Những điều này con không được học ở trường.
Con kính cảm ơn Tăng thân. Nguyện cầu cho tất cả mọi người đều được bình an, tươi vui và mạnh khỏe.