NGHĨ VỀ MẸ

Đêm nay trời không nhiều sao nhưng tôi vẫn cứ thích nhìn trời bởi vì trong tôi đang trỗi dậy một cảm giác lẻ loi. Không biết tự khi nào hễ mỗi khi tôi thấy lòng mình hiu quạnh giống như cây trụi lá, trơ trọi giữa đồng hoang thì tôi lại muốn nhìn lên khoảng trời cao rộng đó, để tìm ánh mắt mẹ. Bởi tôi nghĩ rằng những vì sao trên cao đó là mắt của mẹ đang dõi theo tôi một cách đầy trìu mến và cảm thông. Ý nghĩ đó nó làm cho lòng tôi được sưởi ấm trở lại.

Đã xa mẹ thưở mới lên ba

Lúc ấy nó chẳng biết gì

Trong kí ức trẻ thơ

Nó chỉ biết rằng: nó có mẹ

Hơi ấm bàn tay mẹ

Nó vẫn luôn khát khao.

Tôi xa mẹ khi tôi vừa mới lên ba, vì lẽ ba mẹ tôi không chăm nổi ba đứa con cùng một lúc, nên gởi nhờ ông bà nội tôi nuôi hộ giùm một thời gian. Bốn năm tôi chẳng về nhà gặp mẹ vì nhà ông bà tôi thì tận Đà Nẵng trong khi ba mẹ tôi đều ở Vũng Tàu. Tôi về lại gia đình khi tròn mười tuổi. Tôi còn nhớ cái giây phút ngớ ngẩn ấy khi gặp lại mẹ. Ba đẩy nhẹ lưng tôi nói: “Mẹ con đó chào mẹ đi con”. Tôi đứng yên ngắm nghía người phụ nữ trước mặt và thầm nghĩ: “Hử…! Mẹ đó sao, sao không giống mẹ mà mình tưởng tượng chút nào, ba có lộn không vậy ta”. Trẻ con nó có biết cái gì là vô thường đâu nhỉ cho nên nó nghĩ mẹ nó phải là người mẹ nó biết hồi đó, một người phụ nữ trẻ trung và xinh đẹp hơn người phụ nữ này. Nó không biết rằng thời gian đã làm cho mẹ nó gầy đi và gương mặt hằn những vết âu lo trong cuộc sống.

Tôi mặc nhiên để mẹ ôm vào lòng lúc đó tôi chẳng cảm nhận được gì. Rồi ba lại chỉ anh tôi và em tôi: “Còn đây là anh con và em con”. Tôi lại thêm ngẩn ngơ: “Ôi! Vậy mà nãy giờ mình tưởng đâu mấy đứa hàng xóm”. Thế là tôi có đầy đủ một gia đình gồm ba, mẹ, anh và em tôi. Sau này lớn lên tôi kể lại cho mọi người nghe về giây phút ngô ngố ấy ai cũng buồn cười, anh tôi lại kể thêm: “Em còn kêu anh là mày nữa kìa”. Tôi gượng gạo chống đỡ: “Trời ạ! Làm sao mà em nhớ nỗi là mình có một ông anh chứ!”. Cả nhà tôi lại thêm một trận cười.

Vì để bồi đắp cho những tháng ngày tôi xa mẹ, tôi được mẹ chăm sóc ân cần hơn trong từng miếng ăn, giấc ngủ. Và nhất là mỗi khi tôi bệnh, mẹ thường ngồi bên cạnh để canh chừng tôi, rồi đặt tay lên trán tôi khẽ hỏi: “Nóng quá! Con có sao không?”. Tôi cảm thấy từ bàn tay mềm mại của mẹ truyền qua, nhưng tôi vẫn giả vờ ngủ say. Thấy tôi chẳng nhúc nhích gì mẹ kéo mền đắp cho tôi: “Tội con quá, con bị sốt cao rồi!”. Rồi mẹ lật đật và đi lo thuốc men cơm cháo cho tôi. Có lẽ vì sự xa cách mẹ từ nhỏ làm tôi cảm thấy ngần ngại khi mẹ ân cần chăm sóc, vì vậy mà tôi không cất lên được một lời nào để tỏ lộ lòng biết ơn với mẹ cả. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình tệ thật.

Hình như bà mẹ nào cũng có đức tính nhẫn nại và giỏi chịu đựng thì phải, mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Truyền thống nhà tôi đến bữa ăn thì mọi người luôn dùng cơm chung với nhau. Mẹ là đầu bếp chính trong gia đình, nhưng mẹ xuất thân là con gái út nên không biết nấu nướng gì nhiều. Vì tình thương nên dù nấu không ngon mẹ vẫn nấu và cố gắng khắc phục. Có những bữa ăn ba và anh em tôi chẳng đoái hoài gì về công sức của mẹ cả, cứ thẳng thừng mà phán. Ba mở đầu: “Cơm sao khô quá!”. Anh tôi tiếp lời: “Canh cũng mặn nữa”. Em tôi thêm vào: “Con nghe mùi gì khê khê?”. Còn tôi thì không dám ho he gì thêm vì thấy nét mặt mẹ tôi đang dần chuyển sắc. Mẹ tuyên bố: “Thôi! Tôi không đi chợ nấu ăn nữa, ba và mấy đứa tự lo đi!”. Ấy vậy mà hôm sau, cũng bóng dáng quen thuộc đó cứ lại xách giỏ đi chợ rồi vào bếp cắt cắt, xào xào, nấu nấu…Tôi nghĩ rằng chỉ có tình thương của mẹ mới làm được như vậy thôi chứ có ai mà đủ kiên nhẫn để luôn chăm sóc và phục vụ những “quý ông và quý bà” khó tính đến như vậy được đâu.

Lớn lên thêm một chút, anh và em tôi đi học xa nhà nên ở trọ, cuối tuần thì cả nhà đoàn tụ. Nếu ngày nào mà anh và em tôi về trễ là mẹ cứ đứng đứng ngồi ngồi không yên. Hết trong ngóng thì lại tự hỏi: “Sao tụi nó về trễ vậy nhỉ, không biết có chuyện gì không?”. Tôi làm an lòng mẹ: “Chắc là lại kẹt xe đó mẹ à”. Mẹ yên lòng được chút xíu rồi lại tiếp tục nhìn đồng hồ rồi lại nhìn ra cửa. Biết tính mẹ nên mỗi lần đi chơi về khuya, tôi dặn mẹ trước: “Con về trễ lắm, mẹ để cửa cho con rồi đi ngủ, đừng đợi con nghen!”. Khuya khoảng hai ba giờ sáng tôi mới về nhà, tôi khẽ khàng mở cửa vào phòng, vừa đặt chân lên đến giường thì nghe tiếng mẹ: “Con về rồi hả sao khuya vậy, mai đi làm có nỗi không?”. Tôi biết mẹ tôi chỉ hỏi vậy để sự lo lắng của mẹ được chấm dứt khi biết chắc là tôi đã về nhà rồi hay chưa. Tôi liền dạ, chưa kịp nói gì thêm thì nghe tiếng thở đều của mẹ đang chìm vào giấc ngủ.

Những ngày tôi chuẩn bị đi xuất gia mẹ càng lo lắng hơn, mẹ cứ lo là tôi không tu nổi, vì mẹ nghĩ đời sống người tu khá khắt khe so với tính cách tự do thoải mái của tôi. Ngày lên đường, mẹ sắp xếp chu đáo mọi thứ tôi cần và không nói gì nhiều, chỉ dặn dò vài câu nhưng sao tôi thấy cổ họng mình nằng nặng: “Có tu nổi không vậy con, tu khó lắm đó nhưng ráng tu nghe con!”. Mẹ tiễn tôi ra tận cổng, tôi nghe một cảm giác thiếu vắng mất mát cận kề nhưng vẫn làm ra vẻ tỉnh rụi, vẫy tay cười chào mẹ, leo lên xe nước mắt tôi ứa ra. Vậy là tôi đã ở tu viện sáu năm rồi đó. Mẹ vẫn thường xuyên hỏi hang tôi qua điện thoại với những câu rất quen thuộc nhưng lại không làm tôi nhàm chán.

Con có khỏe không? Tu có hạnh phúc không, ráng tu nghe con!”. Chính nhờ sự động viên của mẹ mà tôi có thêm nghị lực để đi tiếp con đường mà tôi đang đi. Cả tuần nay tôi được tụng kinh Vu Lan, những câu kinh làm lòng tôi rưng rưng nhớ mẹ:

Điều thứ tư ăn đắng nuốt cay

Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con

Điều thứ năm lại còn khi ngủ

Ướt mẹ nằm khô ráo phần con

Thứ sáu sú nước nhai cơm

Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng nghê.

Lời kinh thiết thực quá làm tôi càng nhớ thương mẹ nhiều hơn. Mẹ ơi con sẽ không đợi đến mùa Vu Lan thì con mới báo đáp tình thương đến với mẹ, sự tu học hằng ngày của con là món quà mà con sẽ tặng mẹ, con sẽ nuôi lớn thêm những hạt giống tốt mà con được trao truyền từ mẹ, và con cũng sẽ tập thương yêu tất cả mọi người, mọi loài giống như tình mẹ dành cho con vậy. Nếu con thực tập có nhiều niềm vui và hạnh phúc thì con biết mẹ cũng sẽ an lòng. Con sẽ thực tập như vậy mẹ nhé, con mãi luôn thương mẹ.

Cám ơn mẹ vì mẹ là mẹ của con!

https://159.223.73.115/