01. Thiền Tọa – 10 phút, sau khi được hướng dẫn
02. Dâng Hương
Đại chúng đứng chắp tay trước bàn thờ.
Vị chủ lễ nâng hương lên và xướng kệ Dâng Hương sau ba tiếng chuông bắt đầu, trong khi mọi người quán tưởng theo lời kệ:
Hương đốt khói trầm xông ngát
Kết thành một đóa tường vân
Đệ tử đem lòng thành kính
Cúng dường chư Bụt mười phương
Giới luật chuyên trì nghiêm mật
Công phu thiền định tinh cần
Tuệ giác hiện dần quả báu
Dâng thành một nén tâm hương.
Chúng con kính dâng hương lên Bụt và chư vị Bồ Tát. (C)
03. Tán Dương
Hương đã cắm vào bình, vị chủ lễ xướng, đại chúng chắp tay quán tưởng theo:
Xinh tốt như hoa sen
Rạng ngời như Bắc Đẩu
Xin quay về nương náu
Bậc thầy của nhân, thiên.
Sen quý nở đài giác ngộ
Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí tuệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông
Vừa thấy dung nhan Điều ngự Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (C)
04. Lạy Bụt
Vị chủ lễ xướng các danh hiệu sau đây, và đại chúng lạy xuống một lạy theo tiếng chuông gia trì sau mỗi danh hiệu:
Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp và Tăng thường trụ trong mười phương (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bổn Sư Bụt Shakyamuni (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Trí Manjusri (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Samantabhadra (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Bi Avalokiteśvara (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Nguyện Ksitigarbha (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Thượng Thủ Mahākassapa (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Trí Trưởng Lão Sāriputta (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Hiếu Maha Moggallāna (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Luật Sư Upāli (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Khải Giáo Ānanda (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Ni Trưởng Gotamī (C)
Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc đến Việt Nam. (CC)
05. Trì Tụng
Đại chúng an tọa trên tọa cụ thành hai hàng đối diện nhau. Duy Na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Vị chủ lễ xướng kệ khai kinh và Tâm Kinh
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)
Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)
TÂM KINH TUỆ GIÁC QUA BỜ
Khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.(C)“Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức. (C)
“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt. (C)
“Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng
Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;
Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (C)“Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo. (C)
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn. (C)“Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.
Tất cả mọi khổ nạn. (C)
06. Tác Pháp Yết Ma
Vị Yết Ma: Đại
chúng đã tập họp đầy đủ chưa?
Vị Thủ Chúng:
Thưa, đại chúng đã tập họp đầy đủ.
Vị Yết Ma:
Có sự hòa hợp không?
Vị Thủ Chúng:
Thưa, có sự hòa hợp.
Vị Yết Ma:
Có vị nào vắng mặt đã yêu cầu được đại diện và gởi theo sự thanh tịnh không?
Vị Thủ Chúng:
Không có. (Trong trường hợp có thì nói (ví dụ): “Có _____ vì lý do sức khỏe không đến tụng giới được, đã yêu cầu______ đại diện và gởi theo sự thanh tịnh)
Vị Yết Ma:
Đại chúng hôm nay tập họp có chủ đích gì?
Vị Thủ Chúng:
Thưa, để thực hiện yết ma tụng Mười Bốn Giới Tiếp Hiện.
Vị Yết Ma:
Xin đại chúng lắng nghe! Hôm nay là ngày (…/ …/ …), ngày được chọn để thuyết tụng giới, chúng ta đã tập họp đúng giờ giấc, đại chúng đồng ý sẵn sàng nghe thuyết đọc giới luật trong tinh thần hòa hợp, như vậy, việc tụng giới là hợp pháp. Bạch như thế, thì phép tác bạch có rõ ràng và đầy đủ hay không?
Đại chúng đáp: rõ ràng và đầy đủ.
Xin đại chúng lắng lòng nghe. Giới luật Tiếp Hiện là bó đuốc soi đường, là con thuyền chuyên chở, là bậc thầy chỉ lối của chúng ta. Xin đại chúng lắng nghe từng giới một với tâm hồn thanh tịnh, lấy giới luật làm tấm gương trong vắt để soi chiếu nội tâm mình, và xin im lặng trả lời “có” mỗi khi thấy mình trong hai tuần qua, có cố gắng học tập và giữ gìn những giới luật được nhắc đến. (Chuông)
Quý vị đã sẵn sàng chưa?
Đây tôi xin tuyên đọc nội dung giới luật:
Giới thứ nhất: Thái độ cởi mở
Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để không bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Con nguyện nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như những pháp môn hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động. Thấy được rằng niềm cuồng tín dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con xin nguyện tập nhìn với thái độ cởi mở và với tuệ giác tương tức để có thể chuyển hóa tập khí vướng mắc vào giáo điều và năng lượng bạo động trong con và trên thế giới.
Đó là Giới thứ nhất của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ hai: Phá bỏ kiến chấp
Ý thức được những khổ đau do kiến chấp và vọng tưởng gây ra, con xin nguyện thực tập để phá bỏ thái độ hẹp hòi và cố chấp, để có thể mở lòng ra mà đón nhận kinh nghiệm và tuệ giác của kẻ khác, và nhờ đó thừa hưởng được nhiều lợi lạc từ trí tuệ tập thể. Con biết rằng những kiến thức hiện giờ con đang có không phải là những chân lý bất di bất dịch. Tuệ giác chân thật chỉ có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe, bằng sự buông bỏ tất cả mọi ý niệm mà không phải bằng sự chứa chấp kiến thức khái niệm. Con nguyện suốt đời là một người đi tìm học và thường trực sử dụng chánh niệm để quán chiếu sự sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút.
Đó là Giới thứ hai của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ ba: Tự do nhận thức
Ý thức được những khổ đau do sự cưỡng bức người khác vâng theo cái thấy của mình, con nguyện không ép buộc bất cứ một ai, kể cả trẻ em, đi theo quan điểm của mình, bằng bất cứ cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và quyền tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên con biết con phải sử dụng những phương tiện đối thoại từ bi và ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
Đó là Giới thứ ba của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ tư: Chăm sóc khổ đau
Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con có thêm hiểu biết và phát khởi tâm từ bi, con nguyện thực tập quay về với tự thân và sử dụng năng lượng chánh niệm để nhận diện, chấp nhận, ôm ấp và lắng nghe những nổi khổ niềm đau trong con. Thay vì trốn tránh thực tại khổ đau và tìm cách khỏa lấp niềm đau trong con bằng sự tiêu thụ, con sẽ hết lòng thực tập hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm để nhìn sâu vào những gốc rễ của khổ đau. Con ý thức rằng con chỉ có thể tìm thấy con đường thoát khổ khi nào con thấu hiểu được nguồn gốc của khổ đau. Và một khi thấu hiểu được khổ đau của tự thân thì con mới có khả năng hiểu được những khổ đau của người khác. Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những đau khổ hiện thực khắp nơi trên thế giới. Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ.
Đó là Giới thứ tư của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ năm: Nếp sống lành mạnh và từ bi
Ý thức rằng hạnh phúc chân thật chỉ thật sự có mặt khi nào các yếu tố an ổn, vững chãi, thảnh thơi và từ bi có mặt, con nguyện không tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn, không đặt danh vọng, quyền hành, giàu sang và sự hưởng thụ dục lạc làm mục tiêu của đời mình vì con biết những thứ ấy sẽ đem lại cho con nhiều khổ đau và tuyệt vọng. Con nguyện thực tập nhìn sâu vào cách con nuôi dưỡng thân tâm bằng bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Con nguyện không chơi bài bạc, không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy và bất cứ một sản phẩm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, trò chơi điện tử, phim ảnh, các chương trình truyền thanh, truyền hình, sách báo và cả chuyện trò, vì con biết rằng những thứ ấy có thể gây tàn hại trên thân tâm con cũng như trên thân tâm của cộng đồng. Con nguyện thực tập tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng được lòng từ bi, sự lành mạnh và niềm vui sống cho thân tâm con cũng như cho gia đình, xã hội và cả cho trái đất.
Đó là Giới thứ năm của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ sáu: Chăm sóc cơn giận
Ý thức được rằng sân hận và oán thù có tác dụng cắt đứt truyền thông giữa người với người và tạo ra nhiều khổ đau cho cả hai phía, con nguyện học hỏi phương pháp chăm sóc năng lượng sân hận và oán thù khi chúng phát khởi trên ý thức con; cũng như phương pháp nhận diện và chuyển hóa hạt giống của sân hận và oán thù trong chiều sâu tâm thức con. Con nguyện tập luyện để mỗi khi cơn giận hoặc sự bực tức phát khởi, con sẽ không nói gì và làm gì cả mà chỉ thực tập hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành để nhận diện và nhìn sâu vào bản chất của các tâm niệm sân hận và oán thù ấy. Con ý thức rằng gốc rễ của các cơn giận đó không phải ở bên ngoài con mà nằm ngay trong nhận thức sai lầm của con và nơi sự thiếu hiểu biết về khổ đau của chính con và của người kia. Bằng phương pháp quán chiếu về vô thường, con sẽ có thể nhìn lại chính con và nhìn lại người mà con nghĩ đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù trong con bằng con mắt từ bi và nhận ra rằng mối liên hệ giữa con và người đó quý giá biết nhường nào. Con cũng nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn để nuôi dưỡng khả năng hiểu biết và thương yêu, khả năng chế tác niềm vui và lòng bao dung, không kỳ thị trong con. Nhờ đó, con sẽ dần dần chuyển hóa những bạo động, hận thù, sợ hãi trong con và giúp cho những người khác cũng làm được như vậy.
Đó là Giới thứ sáu của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ bảy: Hiện pháp lạc trú
Ý thức được rằng sự sống chỉ có thể thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, con nguyện tập luyện để có thể sống sâu sắc từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của con. Con nguyện không để cho những hối tiếc về quá khứ, những lo lắng về tương lai và những tham dục, giận hờn và ganh tỵ đối với những gì đang xảy ra trong hiện tại lôi kéo con và làm cho con đánh mất sự sống mầu nhiệm. Con xin nguyện thực tập giáo lý hiện pháp lạc trú, sử dụng hơi thở và nụ cười chánh niệm để tiếp xúc với những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại và tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh trong con và chung quanh con dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhờ đó, con sẽ có thể nuôi lớn những hạt giống an lành, hiểu biết và thương yêu trong con để làm động lực chuyển hóa và trị liệu trong chiều sâu tâm thức. Con ý thức rằng hạnh phúc chân thật được phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con chứ không phải từ những điều kiện bên ngoài, và con có thể sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại bằng cách nhận ra rằng con đã có quá đủ những điều kiện hạnh phúc.
Đó là Giới thứ bảy của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ tám: Xây dựng đoàn thể tu học chân chính và duy trì sự truyền thông
Ý thức được rằng những khó khăn trong việc truyền thông giữa người với người luôn luôn đưa tới ngăn cách và khổ đau, con nguyện thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Ý thức rằng một đoàn thể chân thật được xây dựng trên nền tảng không kỳ thị và hài hòa trong quan điểm, tư duy cũng như lời nói, con nguyện thực tập chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của con với những thành viên khác trong đoàn thể để cùng nhau đi đến một cái thấy chung.
Con nguyện học hạnh lắng nghe chăm chú mà không phán xét, phản ứng, không nói ra bất cứ một lời nào có thể tạo nên sự bất hòa và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Mỗi khi có khó khăn xảy ra, con nguyện ở lại cùng tăng thân và thực tập nhìn lại chính mình cũng như nhìn lại những người khác để tìm ra tất cả những nguyên nhân và điều kiện đã tạo nên tình trạng khó khăn, trong đó có cả những tập khí của chính con. Con sẽ nhận trách nhiệm về những gì con đã nói và đã làm, những gì có thể đã góp phần tạo nên sự bất hòa và tìm cách duy trì được sự truyền thông. Con sẽ không hành xử như một nạn nhân mà sẽ cố gắng hết sức để giải quyết mọi vụ bất hòa, dù lớn dù nhỏ.
Đó là Giới thứ tám của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ chín: Ngôn ngữ chân thật và từ ái
Ý thức được rằng lời nói có thể tạo ra khổ đau hay hạnh phúc, con xin nguyện thực tập sử dụng lời nói chân thật, từ ái và có tính xây dựng. Con chỉ sử dụng những lời nói nào có thể mang lại niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có tác dụng hòa giải và mang lại an lạc cho tự thân con cũng như giữa mọi người với nhau. Con nguyện thực tập ái ngữ và lắng nghe để giúp con và những người khác chuyển hóa khổ đau và tìm ra con đường vượt thoát tình trạng khó khăn đó. Con nguyện không nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con xin nguyện bảo vệ hạnh phúc và sự hòa hợp của tăng thân bằng cách tránh nói lỗi của người khác khi họ vắng mặt và luôn đặt câu hỏi về tính chính xác của những tri giác mà con đang có. Con nguyện chỉ nói với mục đích muốn hiểu rõ và giúp chuyển hóa tình trạng. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những gì con không biết rõ. Con nguyện can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công, dù hành động này có thể gây khó khăn cho con hay mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình.
Đó là Giới thứ chín của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ mười: Bảo vệ và nuôi dưỡng tăng thân
Ý thức rằng mục đích và bản chất của một đoàn thể tu học là sự thực hiện tuệ giác và từ bi, con nguyện sẽ không bao giờ lợi dụng đạo Bụt và các đoàn thể giáo hội vào mục tiêu lợi dưỡng hoặc quyền bính, không biến các giáo đoàn thành những tổ chức hoạt động chính trị. Tuy nhiên, con nhận thức rằng một đoàn thể tu học phải có ý thức và thái độ rõ rệt về tình trạng áp bức, bất công xã hội, và tìm cách chuyển đổi các tình trạng ấy mà không cần và không nên dấn thân vào những cuộc tranh chấp phe phái. Con nguyện học nhìn với con mắt tương tức để thấy con và những người khác đều là những tế bào của cùng một tăng thân. Một khi đã là một tế bào thật sự của tăng thân, có khả năng chế tác ra Niệm, Định và Tuệ để nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng toàn thể tăng thân thì mỗi người trong chúng con cũng đồng thời là một tế bào của Phật thân. Chúng con nguyện tích cực xây dựng tình huynh đệ, đi với nhau như một dòng sông và thực tập để làm lớn thêm ba đức là trí đức, ân đức và đoạn đức, để thực hiện được sự nghiệp giác ngộ tập thể.
Đó là Giới thứ mười của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ mười một: Chánh mạng
Ý thức rằng thiên nhiên và xã hội con người đã bị tàn phá trầm trọng vì bất công và bạo động, con nguyện không sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và thiên nhiên. Con sẽ làm mọi cách có thể để chọn những phương tiện sống nào có khả năng góp phần vào sự an lành của mọi loài trên trái đất và có khả năng cho phép con thực hiện được lý tưởng từ bi và cứu khổ của đạo Bụt. Ý thức được về hiện thực của thế giới trên các mặt kinh tế, chính trị và xã hội, cũng như mối tương quan giữa con người với môi trường sinh thái, con nguyện hành xử một cách có trách nhiệm với tư cách một người tiêu thụ và một công dân. Con nguyện không đầu tư vào hay mua sắm những sản phẩm của những doanh nghiệp chuyên làm lợi cho một nhóm người trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác.
Đó là Giới thứ mười một của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ mười ha: Tôn trọng sự sống
Ý thức được những khổ đau do chiến tranh và các cuộc xung đột tạo ra, con nguyện thực tập sống đời sống hàng ngày của con theo tinh thần bất hại, thương yêu và theo tuệ giác tương tức. Con nguyện góp phần vào công việc giáo dục hòa bình, làm môi giới trong chánh niệm và thực tập hòa giải trong phạm vi gia đình, cộng đồng, giữa những nhóm dân tộc và tôn giáo, quốc gia và quốc tế. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự chém giết. Con nguyện sẽ không yểm trợ bất cứ một hành vi giết chóc nào trên thế giới, trong tư tưởng hoặc trong cách sống hàng ngày của con. Con cũng sẽ thường xuyên quán chiếu với tăng thân con để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sinh mạng, ngăn chặn chiến tranh và xây dựng hòa bình.
Đó là Giới thứ mười hai của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ mười ba: Tôn trọng quyền tư hữu
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin nguyện nuôi dưỡng lòng từ bi trong cách suy nghĩ, nói năng và hành động của con. Con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.
Đó là Giới thứ mười ba của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Giới thứ mười bốn: Tình thương đích thực
[ DÀNH CHO TIẾP HIỆN TẠI GIA ]
Ý thức được rằng tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng sự phối hợp giữa hai cơ thể do thúc đẩy của tình dục không những đã không thể giải tỏa được nỗi cô đơn mà còn tạo thêm nhiều khổ đau, chua cay và xa cách, con nguyện không ăn nằm với bất cứ ai không phải là vợ hay chồng của con. Ý thức được rằng thân và tâm là một, con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con và nuôi lớn các tâm Từ, Bi, Hỷ và Xả giúp làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con ý thức được rằng hành động tà dâm sẽ gây ra khổ đau cho kẻ khác và cho chính con trong hiện tại và trong tương lai. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những điều mà mình và kẻ khác đã cam kết. Con nguyện sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con sẽ đối xử với thân thể con một cách kính trọng và từ bi. Con nguyện thực tập nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm và thường xuyên học hỏi bảo tồn tinh, khí và thần để thực hiện lý tưởng độ đời. Con cũng ý thức trọn vẹn trách nhiệm của con về sự cho ra đời những sinh mạng mới và thường xuyên quán chiếu về môi trường sinh hoạt trong tương lai của những sinh mạng này.
[ DÀNH CHO TIẾP HIỆN XUẤT GIA ]
Ý thức được rằng lý tưởng xuất gia chỉ có thể thực hiện được với sự cắt bỏ hoàn toàn những ràng buộc đối với ái dục, con nguyện giữ mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống phạm hạnh của con và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của kẻ khác. Con biết cô đơn và khổ đau không thể nào được giải tỏa bằng dục tình mà chỉ có thể được chuyển hóa bằng sự thực tập Từ, Bi, Hỷ và Xả. Con biết hành động dâm dục sẽ làm tan vỡ cuộc đời xuất gia của con, làm hại đến cuộc đời của kẻ khác và không cho con thực hiện được lý tưởng cứu độ chúng sanh của mình. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con. Con nguyện không ép uổng thân thể con, không đối xử với thân thể con một cách bạo động và khinh xuất, không xem thân thể chỉ như là một dụng cụ. Con nguyện bảo trọng thân thể con, nguyện thực tập nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm và thường xuyên học hỏi bảo tồn tinh, khí và thần để đi tới trên đường thành tựu đạo nghiệp.
Đó là Giới thứ mười bốn của dòng tu Tiếp Hiện. Trong hai tuần qua, quý vị (chúng ta) có học tập và giữ gìn giới ấy hay không? (ba hơi thở, chuông)
Kính thưa đại chúng! Chúng tôi đã làm xong nhiệm vụ thuyết giới do đại chúng giao phó. Chúng tôi xin cám ơn tất cả quý vị đã giúp tôi hoàn tất việc thuyết giới một cách thanh tịnh.
07. Niệm Bụt
Xin đại chúng đồng thanh chí tâm niệm Bụt và Bồ Tát (mỗi danh hiệu ba lần)
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Shakyamuni(C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Trí Manjusri (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Hạnh Samantabhadra (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Bi Avalokiteśvara (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Ksitigarbha. (CC)
08. Quay Về Nương Tựa
Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)
Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.
Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)
Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người,thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Đề.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người,nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người,xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)
09. Hồi Hướng
Trì thuyết giới thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền. (C)
Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)