…Ba ơi! Ba!…a…! Ba ơi! Ba…!
Trong màn đêm không một ánh đèn, nó quờ quạng từng bước, từng bước, dò dẵm từng con đường trong cái nghĩa địa tối tăm. Đã hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, cả người nó không một manh áo mưa, nó ướt, lạnh run với từng cơn gió khẽ lướt qua, dưới những hạt mưa không ngừng rơi xuống.
“Ba ơi!” Nó gọi, giọng nó đã khàn đi vì cố hét thật to trong đêm tối. “Ba ơi! Ba đang ở đâu? Sao Ba không trả lời con? Ba không thương con hay sao mà Ba cứ mãi để con gọi tìm Ba trong trời mưa đêm tối…”. Nó thầm nghĩ mà nước mắt nó cứ chảy dài.
Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là nhà nó lại lục đục xảy ra chuyện, mà toàn là những chuyện nhỏ nhặt không đâu vào đâu. Cứ chiều 20 Tết là cả nhà tùm lum cả lên. Ba thì chửi mắng, mẹ thì khóc, mấy chị em thì bỏ ra sau bếp, còn nó mặt thì cứ ngớ ra vì chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa? Không khí nặng nề ấy cứ kéo dài ra mãi cho đến tối. Gần đến giờ Giao thừa đón năm mới rồi mà ba nó bỏ đi vẫn chưa thấy về. Mẹ và mấy chị em nó đùn đẩy nhau đi tìm ba về để xin lỗi và để cả nhà quây quần bên nhau đón năm mới, ăn Tết. Chẳng ai chịu đi, và rồi người đi lại là nó. Và luôn luôn là nó, vì nó là con út, vì ba thương nó nhất, vì nó có thể dễ dàng xin lỗi ba giúp mẹ và các chị nó và vì nhiều nhiều lí do khác để nó phải là người đi tìm ba, xin lỗi ba, lạy ba và năng nỉ ba về nhà để đón Tết cùng gia đình… Để rồi những ngày sau đó, nó nằm lì trong phòng, không nói, không ăn, không quan tâm gì đến quần áo mới, giày mới… mà mẹ nó đã sắm cho nó để nó xúng xính trong những ngày Tết. Tết với nó chẳng là gì nữa cả! Nó chỉ muốn được nằm yên một chỗ, được yên, không muốn nói chuyện và tiếp xúc với ai… Những ngày qua đối với nó như những trận cuồng phong…
…Rầm! Rầm!..
“Mày xem, thằng Tí con người ta kìa! Mồ côi mẹ mà nó vẫn học giỏi! Còn mày…”- Ba nó hét. Roẹt… Roẹt! Từng trang sách, từng trang vở bay tả tơi trước mặt nó, ba nó giận dữ xé hết kệ sách vở của nó và rồi cháy bừng, đỏ rực thành một ngọn lửa. Nó đứng im, chết lặng, nước mắt giàn dụa, nó khóc không ra tiếng vì nó vẫn rất ngỡ ngàng với cảnh tượng đang diễn ra trước mặt nó. Nó tự hỏi: “Ba đang làm gì thế kia? Mình đã có lỗi gì với Ba? Tại sao bỗng dưng đi uống rượu về Ba lại hành xử như vậy? Tại sao? Tại sao???”. Hàng ngàn câu hỏi đặt ra trong đầu nó.
Suốt những năm đi học, từ mẫu giáo cho đến bây giờ, nó luôn cố gắng để luôn là một học sinh giỏi xuất sắc, một tấm gương tốt,… mọi chương trình thi cử của trường nó đều tham gia tích cực… Cả ở nhà, nó vùi đầu vào học, nó không dám la cà nhà hàng xóm để chơi, hay rủ rê đám con nít trong xóm sang chơi cùng. Nó chỉ biết học và học. Vì nó sợ bị ba nó mắng và đánh nó như ba từng mắng và đánh mấy chị của nó. Nó chưa một lần dám xin tiền Ba để đóng học phí. Nó luôn phải cố gắng học thật giỏi. Tất cả chỉ vì mong muốn đạt được một mục tiêu là trở thành một trong ba người trong danh sách sẽ được đầu tư và đào tạo miễn phí cho năm học kế tiếp. Những gì nó nghĩ và làm đã khiến nó trở thành gần như là một con người trầm cảm, tự lập trong mọi suy nghĩ, hành động và cách sống.Và nó đã gần như quen với sự chịu đựng về tất cả.
Ngọn lửa vẫn cháy thiêu rụi tất cả sách, vở của nó thành tro bụi. Nó không nói, không van xin, không làm gì cả, chỉ đứng im, chết lặng, ấm ức và nghẹn ngào… Nó biết nó có van xin thì cũng thế, mẹ và mấy chị nó van xin thì cũng thế thôi, vì nó biết ba nó đang say mèm. Rồi sáng mai thức dậy, khi đã tỉnh, đã dần nhớ lại những gì đã làm, ba lại trách sao không ai cản ba, tại sao lúc đó không ai nói gì ba… Và rồi như chưa từng có gì xảy ra, nó vẫn đến trường. Nó ra tiệm sách mua lại một bộ sách mới bằng một tấm phiếu miễn phí sách giáo khoa, phần thưởng mà nhà trường đã tặng cho nó cuối năm học vừa rồi. Số vở phần thưởng nó cũng khá nhiều nên nó cũng không phải lo và nó chỉ phải thức, tranh thủ thời gian một hai đêm để chép lại bài vở. Rồi đến tối khi đi học về Ba nó gọi nó lại, Ba nó phân bua, giải thích với nó về chuyện đã xảy ra, Ba nó nói rất nhiều. Nhưng nó chỉ ngồi đó, lặng im không mở lời, lắng nghe Ba nó nói và khi Ba nó nói xong, nó cũng chỉ lặng im xin phép Ba vào phòng, không nói gì thêm vì lúc đó nó như hửng hờ, bất cần với tất cả… Vắng lặng và tĩnh mịch, xung quanh nó bao trùm một màn đêm không phân định. Những tiếng nói, tiếng cười vui rải rác đó đây, nó đang được sống giữa một chốn đông người và với nó tất cả như một giấc mơ! Một giấc mơ mà nó có thể chạm vào được!
Nếu những ngày xưa ấy, Ba nó luôn yêu thương nó như một đưa con trai mà Ba nó hằng mong muốn, nếu Ba nó không thường xuyên uống rượu rồi về nhà la mắng mẹ con nó, nếu Ba nó đừng bao giờ nói lời xin lỗi nó về những gì trong quá khứ… và nếu… nhưng tất cả chỉ là “nếu…” mà thôi! Nó biết rằng nó không giận Ba nó, nhưng tận sâu trong lòng nó tất cả như cuốn phim quay chậm vẫn thường luôn ám ảnh nó. Một ngày kia, nó quyết định ra đi, tìm kiếm một cuộc hành trình mới, nó hy vọng rằng một môi trường mới sẽ giúp nó nhiều hơn… và như lời ước nguyện, nó được sống giữa những con người thân thiện, một môi trường lành mạnh, mọi người luôn xem nhau như anh chị em trong gia đình … “Nơi này phố đông, nhưng lòng tôi nào có vui…” Quá khứ đôi khi nghiền ngẫm nó. Như một thói quen, nó đã cố tạo ra cho bản thân một vỏ bọc cưng rắn, cá tính. Kho kỷ niệm tuổi thơ của nó thật lộn xộn, nó như bị pha trôn gà mỗi ngày nó luôn cố gắng để sắp xếp lại tất cả. Nếu tuổi thơ nó êm đềm không giấu vết, nếu tuổi thơ nó luôn là màu xanh ước mơ. Nếu tuổi thơ nó không có sự hiện diện của Ba nó… thì giờ đây khi xa gia đình, sống trong một môi trường cộng đồng đông người như một thành phố thu nhỏ, làm sao nó có thể biết tự lập trong cách sống cũng như trong những dòng tư duy, suy nghĩ, làm ao nó biết chấp nhận những khó khăn, vấp ngã để đưng dậy và tiếp tục bước đi. Nó thầm nghĩ có lẽ không riêng gì nó mới có những có những khó khăn, khổ đau trong cuộc sống này, nên nó cũng chẳng bao giờ đòi hỏi một ai phải hiểu, phải thương nó.
“Ba ơi! Con cảm ơn Ba đã cho con những giây phút tuy ngắn ngủi nhưng thật ngọt ngào. Con cảm ơn Ba đã cho con những khoảnh khắc dạy con lớn từ tuổi thơ, dạy con biết suy nghĩ kỷ càng hơn trước khi nói hay làm một điều gì, dạy con biết đủ trong tình yêu thương…” Nó thầm nói trong tiếng nấc nghẹn ngào khi nói về tuổi thơ nó. Nó luôn biết rõ một điều rằng tận sâu trong lòng nó, nó không bao giờ giận Ba. Và nó biết Ba mỗi ngày cũng đang rất cố gắng để sửa đổi những lỗi lầm xưa, yêu thương, quan tâm, chăm sóc mẹ nó nhiều hơn, bớt cằn nhằn hơn, dần bỏ rượu và thuốc lá… Bụt cũng đã dạy: “Ở đời thường có hai hạng người, hạng người thứ nhất không có lỗi lầm, hạng người thứ hai có lỗi lầm biết quay về tự kiểm điểm và sửa chữa những lỗi làm ấy”.
Mỗi ngày nó đang tập gọi tên từng mảng ký ức của tuổi thơ. Trở về để nhận diện, ôm ấp và hiểu thương mình nhiều hơn… Cuộc sống với nó là một giấc mơ, nó là một kẻ bước ra từ cõi mộng và rồi từ đây nó sẽ biến giấc mơ ấy thành một giấc mơ mà nó có thể chạm được!
“Ầm! ầm! ầm…!” Sấm chớp vang rền, sáng chói một vùng trời kéo nó về với thực tại. Khuôn mặt nó ướt nhòe_ nó tự hỏi: “Liệu trời có đang mưa không nhỉ?”
Giữa hư không
Tôi về lật lại giấc mơ hồng
Cho tôi biết đâu là nguồn cội
Một giấc chiêm bao
Tôi bước ra từ cõi mộng
Trở về thực tại
Dựng lại tuổi thơ tôi
Dựng lại giấc mơ
Không là hư ảo
Bàn tay tôi khẽ chạm vào
Một thiên nằm mộng Tuổi thơ tôi! *