MẸ TÔI

“…Ai trong chúng ta mà không là con cháu của hồn thơ ấu, của hồn nhiên?

Do đó, hễ lấy nỗi lòng kẻ lãng tử mang đầy thương tích mà nhớ về mẹ,

về tuổi thơ, về hồn nhiên thì làm sao mà không “Khóc Như Trẻ Con” được?…”

Sư em thân thương!

Lại một mùa Vu lan nữa rồi, cứ bao nhiêu năm ở nơi đây là bấy nhiêu năm trải qua cái mùa đầy xúc cảm này.

Sư em biết không? Tự nhiên hôm qua, đi ngang phòng kia thoáng một bài hát lạ, bỗng nghe “… Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình…”. Ôi, giai điệu và ca từ sao mà sâu lắng thế. Hẳn là Bông Hồng Cài Áo đã nói “những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ, tôi thấy bài nào cũng hay”, nhưng cái bài nhạc này hay thiệt. Quyết tâm đi tìm, thì mới biết nó đang được ưa chuộng tại quê hương, “Mẹ Tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến.

Đúng, Trần Tiến. Hồi trước, lần đầu được nghe “Sắc Màu” mình đã mến, rồi sau này “Chị Tôi” làm mình ngậm ngùi lắm lắm, vì chị mình cũng vì gia đình, các em mà phải chịu nhiều thiệt thòi…

Thế giới thì đúng là mênh mông rồi. Thậm chí người ta còn nói vũ trụ đang giãn nở nữa là khác. Nhưng sao ở đây lại có thể nói cái mênh mông đó “không bằng nhà mình”? Quái nhỉ? Ví dụ cái “thế giới” đó là cuộc đời đi, thì sao cuộc đời lại không “mênh mông” bằng “nhà mình”? Hay là như Trịnh Công Sơn hát “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” (Cát bụi )? Có thể lắm !

Ở điệp khúc thứ nhất, Trần Tiến hát tiếp rằng “tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt”. Đúng rồi, “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là đường đi học, con về rợp bướm vàng bay… (Quê Hương – Đỗ Trung Quân )”; tuổi thơ là thế mà, bao giờ cũng êm đềm, ấm áp. Nhưng tại sao cái êm đềm ấm áp đó, cái bình an vô sự đó lại là cái “cho tuổi già úp mặt”? Phải chăng tuổi già này là một tuổi mang đầy những khổ đau, tủi nhục, lên xuống…? Còn mấy câu thơ này thì sao?

Về đi lữ khách ! Đường xa lắm

Cát bụi sầu thương vướng đã nhiều

Thanh thản ngủ trong lòng Đạo cả

Cho hồn thơ ấu được nâng niu.”

(Về với em bé thơ ngây, Thơ Từng Ôm Và Mặt Trời Từng Hạt, Nhất Hạnh )

Hay:

…Nước mắt ngày xưa khóc nắng quái chiều hôm trên chiến trường vàng vọt

Bỗng đã trở thành mưa. Tiếng mưa rơi êm êm trên mái lá.

Quê hương tuổi thơ thầm gọi tôi về

Mưa xóa đi bao tâm tư sầu muộn”

(Thông điệp, Thơ Từng Ôm Và Mặt Trời Từng Hạt, Nhất Hạnh )

Và…

“…Gió thổi mau

Xa tít biển khơi, cánh chim nào rộn rã

Ta ở đâu?

Điểm quy tụ là nhớ thương

Nhà

Ôi quê hương tuổi nhỏ, đồi xanh um cỏ dại”

(Tôi về lật lại trang xưa, Thơ Từng Ôm Và Mặt Trời Từng Hạt, Nhất Hạnh ).

Niềm bình an hạnh phúc tuổi thơ là một gia tài lớn, và nếu biết sử dụng, nó có thể giúp ta an ủi, trị liệu những đau thương cho “tuổi già” hay cả tuổi chưa già. Khi còn là tuổi thơ, ai cũng mơ được làm người lớn. Nhưng khi làm người lớn rồi, bao nhiêu áp lực cuộc đời, bao khổ nhọc kiếp sống, bao tủi hờn thế gian phủ đầy những lối đi quen thuộc. Để rồi ai cũng dễ cảm thấy mệt mỏi, chán chường và thèm một giây phút tuổi thơ, một giây phút êm đềm hạnh phúc thuở ấy. Cái thuở mà có mẹ chở che mọi thứ, cái thuở mà ta không phải lo nghĩ gì xấc.

Nếu nghĩ cạn, ta thấy dường như cái thuở ấy đã là quá khứ rồi, không còn nữa. Nhưng nếu nhìn sâu vào nội tâm, ta vẫn có thể tiếp xúc được với cái thuở ấy được, và nó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức ta, dưới chiều sâu. Hơn một nửa đời sống của mỗi chúng ta được sắp đặt và chi phối bởi cái chiều sâu ấy. Đời sống của chúng ta có thế giới hiện tượng đang diễn ra và có thế giới bản thể ở dưới chiều sâu ấy; và cái thuở ấy thuộc về chiều sâu tâm thức, là thế giới bản môn, thế giới siêu thời gian không gian. Thế giới hiện tượng là thế giới của tích môn, của ý thức, của không – thời gian. Tích môn thì có lên xuống, khổ vui như bao con sóng nhỏ to lên xuống đẹp xấu…nhưng bản môn thì như nước, không lên xuống, đẹp xấu khổ vui gì nữa, mà êm dịu, lắng trong, mát mẻ. Do đó, biết dừng lại và trở về với đời sống bản thể, ta có thể tiếp xúc với hồn thơ ấu, với bình an vô sự; và sự tiếp xúc đó có công năng trị liệu cho bao khổ đau, hờn tủi trong cuộc đời hỗn độn của chúng ta giữa thế giới đầy biến động và phức tạp.

Như vậy, tuổi già biết úp mặt hay úp mặt được vào gối êm tuổi thơ là một niềm an ủi, một ân huệ trong cuộc đời, trong ấy luôn luôn phản phất hình bóng mẹ hiền. Hình bóng mẹ kiên nhẫn ngồi đan áo, dù cha có đang lấy rượu giải sầu mùa đông, trong lúc chị hát ru cho em những câu ca dao xưa để em mơ thấy chú bé đi hài bảy dặm, thấy quả thị và cô Tấm rất hiền..., rồi mẹ lấy chiếc khăn quàng cổ đắp hờ cho con. Và dù cho cha đã mỏi mệt đi nằm, mẹ vẫn ngồi đó nhìn xa xăm với bao lo toan tính toán, nhưng rồi nhìn cha và vẫn “thương cha chí lớn không thành”, không trách móc, đòi hỏi. Ôi, mẹ độ lượng biết bao, mẹ bao dung biết bao, mẹ chịu đựng biết bao, mẹ can cường biết bao. Ôi mênh mông, mẹ mênh mông hơn cả thế giới, hơn cả cuộc đời. Vì thế giới có khi đã loại con ra khỏi vòng quay, cuộc đời có khi không còn đôi tay độ lượng. Và như thế, bao lâu nay con mãi chạy theo danh lợi, quyền hành, sắc dục, của ngon vật lạ, tài sản… để hy vọng một lần tỏa sáng, một thuở vinh quang, thì tất cả không bằng sự hiện diện của mẹ, không bằng tấm lòng biển Thái Bình của mẹ, nghĩa là không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc mẹ đã cho con. Do đó, có mẹ là sự vinh quang lớn nhất đời con, niềm an ủi lớn nhất đời con. Chính là Trần Tiến đã hát như thế ở điệp khúc thứ hai:

Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”.

Và mẹ cũng chính là hồn thơ ấu của chúng ta, là sự hồn nhiên của chúng ta; trong lúc, ai trong chúng ta mà không là con cháu của hồn thơ ấu, của hồn nhiên? Do đó, hễ lấy nỗi lòng kẻ lãng tử mang đầy thương tích mà nhớ về mẹ, về tuổi thơ, về hồn nhiên thì làm sao mà không “Khóc Như Trẻ Con” được? Vì khi đem cái nỗi lòng thương tích kia mà hồi ức về hồn thơ ấu, về mẹ thì hồn thơ ấu bỗng được nâng niu, được ru; chợt cái hồn nhiên được chạm tới và thổn thức khóc lên, ré lên đúng cung bậc của một đứa trẻ con đáng tội nghiệp, đáng được nâng niu, chăm sóc. Mà đã là trẻ con khóc ré thì sao mà không ngớ ngẩn được. Bởi có khi chính nó cũng không biết tại sao nó đau, tại sao nó khóc. Nó chỉ biết nó cần đau, cần khóc cho nhẹ lòng, vậy thôi ! “Con dù lớn vẫn là con của mẹ” là thế, chúng ta luôn luôn là con của mẹ an ủi, mẹ bao dung, mẹ bình an, mát dịu, yên ả; và đó cũng là nhà của con, con đã nhớ ngơ ngẩn về nó trong suốt cuộc đời bon chen bận rộn.

Người mẹ ngồi đan áo đó tuy là mẹ tích môn nhưng cũng chính là hồn thơ ấu của con, nghĩa là cũng chính người mẹ trong bản môn con, là hồn thơ ấu, là bình an vô sự, là hạnh phúc vô bờ. Do đó, khi con biết dừng lại và trở về chăm sóc em bé thơ ngây trong chính con, chăm sóc cho gia tài quá khứ trong chiều sâu tâm thức con, nuôi dưỡng hồn thơ ấu, chế tác thêm niềm bình an hạnh phúc… Là con đang chăm sóc cho mẹ, cả mẹ tích môn và mẹ bản môn. Vì con biết, nếu con khổ đau, mẹ cũng sẽ khổ đau dù mẹ đang ở trước mặt con hay đã khuất núi. Nhưng nếu con sống trong hạnh phúc an lạc, chắc chắn mẹ cũng đang mỉm cười sung sướng như mắt con đang cười với cuộc đời, dù cuộc đời vô thường, dù sinh lão bệnh tử vẫn bức bách không ngừng. Vì mẹ đã là mẹ trong bản môn con. Mẹ với con không phải là một nhưng cũng không phải là hai thực thể biệt lập nữa. Mẹ là con và con chính là mẹ. Con chăm sóc mẹ là chăm sóc con, con chăm sóc con là chăm sóc mẹ. Và như thế, một ngày mẹ khuất núi, con không phải trèo lên núi thiên thai để tìm mẹ, để khóc than nữa. Vì con biết, mẹ không đi đâu về đâu hết. Mẹ đã là con. Con đã là mẹ. Con sống là mẹ sống. Con đem mẹ đi về tương lai tươi sáng. Con mãi mãi bên mẹ và mẹ mãi mãi bên con, không hề xa cách. Không sóng biển thét gào, không trăng tàn sao rơi nào hết. Con bình an là mẹ bình an, y như lúc con còn trong bụng mẹ, mẹ bình an là con bình an. Mẹ và con như thế đều đã về ngay ở đâybây giờ, lúc nào cũng có mặt đầy đủ với giây phút hiện tại nhiệm mầu, giây phút của sự sống tinh khôi.

Mẹ tôi. Mẹ là tôi.

Chúng ta chân thành tri ân nhạc sĩ Trần Tiến đã hát thật hay cho cuộc đời bớt khổ. Bớt khổ nhờ ý thức rõ về sự hiện hữu của mẹ và của chính mình. Hai hiện hữu làm nên nhau, là nhau và hai hiện hữu đều nhiệm mầu như bất cứ sự nhiệm mầu nào khác.

Tối nay, trước khi đi ngủ, sư em nhớ nghe lại bài nhạc rồi ngủ cho ngon nhé!

Thương và tin cậy.

Như lá thu bay

Pak Chong, mùa Vu lan 2015