Trích truyện ngắn “Cậu bé trong tôi”
Sáng nay, Loy dậy sớm hơn mọi ngày một chút, mọi hôm đợi đến khi thỉnh chuông lần hai, Loy mới thức dậy, cái mặt Loy ngáp dài ngáp ngắn, nhìn thật ngố. Thế mà sáng nay, Loy đã dậy mà không cần đến đồng hồ báo thức, sáng nay tôi cũng thế, dậy sớm hơn mọi ngày, theo dõi từng hành động và thậm chí là cả những suy nghĩ đang có ở trong đầu của Loy.
Hôm nay chắc Loy mừng lắm, vì Loy biết tôi đã quan tâm đến Loy. Không như mọi ngày ai biết người đó, dậy đi ngồi thiền mà cả trong đầu tôi và Loy nghĩ như một thói quen. Loy lấy trong ngăn bàn ra túi trà gừng. Có lẽ trời hôm nay trở gió, thời tiết sáng sớm của Pakchong khá lạnh, nên Loy mời tôi cùng thưởng thức ly trà nóng, sáng nay cái miệng của Loy cười thật tươi, chắc hôm nay Loy có gì vui lắm! Tôi nhâm nhi được một chút, Loy nhìn tôi bảo: “Lâu lắm, nay bọn mình mới được ngồi uống trà như vậy nhỉ, chắc tại mình không quen uống trà, với lại mình cũng hay dậy muộn”. Tôi chẳng nói gì cả, chỉ cười, tôi thường có thói quen thực tập “Im lặng hùng tráng” đến sau giờ ăn sáng, chắc Loy hiểu được ý tôi nên im lặng. Cái hương vị của đất, cái se lạnh của sương sớm chắc không khác mấy gì ở quê tôi và Loy, một cơn gió lạnh phả vào mặt tôi, lạnh buốt! Chà! Chà! Lâu lắm nay tôi mới có cái cảm giác thú vị như vậy. Ở quê chúng tôi, mùa này chuẩn bị vào đông nên tôi nhớ nhà quá, nhớ cái cảm giác tôi đi lang thang ở bờ hồ, ngồi ghế đá thưởng thức một que kem mát lạnh, thi thoảng lại xoa xoa đôi bàn tay cho khỏi cóng. Loy cũng thế, cũng có sở thích và thói quen giống tôi, nếu tôi đi ăn kem, thì chắc chắn Loy cũng có mặt, lắm lúc tôi nói đùa: “Ê, tớ muốn đi một mình, không được sao, gì mà chăm sóc nhau kỹ thế”. Loy nhìn tôi cười trừ: “Hì, đệ nhị thân cho ông, hiểu không? Lỡ có gì tôi còn giúp chứ, cái tính ham chơi của ông, biết đâu mà lần”. Tôi nói vậy chứ hai đứa chơi thân với nhau từ nhỏ, nếu đi đâu mà vắng mặt nhau là thấy thiếu thiếu. Từ hồi mới sinh ra, tôi và Loy đã chơi thân với nhau lắm. Loy là một đứa vui vẻ, hay cười và có nhiều cái thấy thú vị lắm. Nhưng mỗi tội Loy nhát quá, Loy ngại tiếp xúc với ai mà Loy không quen hoặc chỉ mới biết được một vài lần. Tôi biết thế, muốn sửa cho Loy mà vẫn chưa sửa được bởi vì tôi cũng thế mà. Hồi bé, Loy thường hay chơi ở ngoài cổng với mấy đứa bạn trong xóm, Loy rất thích được chơi thả diều ngoài cánh đồng, hay đi bắt dế mèn cùng lũ bạn, nhưng mà thi thoảng Loy hay bị mấy đứa bắt nạt, vì Loy hiền quá, tôi thấy Loy về nhà mà cái miệng mếu máo, nhìn tội lắm. Đôi khi tôi cũng hay ra mặt bênh vực cho Loy, nhưng mà cả 2 đứa đều nhát, chúng nó dọa cho mấy cái thì chạy nháo nhào về nhà, nhưng vừa chạy vừa trêu lại chúng nó, làm mấy đứa nó tức lắm.
Nhà Loy có duy nhất Loy là con trai nên bố mẹ thương Loy lắm, cả nhà ai cũng thương Loy thật nhiều, từ bà nội, bố mẹ đến các chị của Loy nữa, lắm khi mấy chị của Loy chắc cũng ghen đôi chút khi mà bố mẹ chăm lo nhiều hơn, Loy biết vậy nên cũng thương bà, bố mẹ và các chị lắm. Có lúc Loy thì thầm cùng mẹ: “Khi nào con lớn lên, con sẽ mua cho mẹ cái váy, mẹ đồng ý không?”. Vì mấy cô bạn của Loy mỗi khi mặc váy thì Loy thấy cũng đẹp, Loy nghĩ mấy cô bạn mình thật điệu nên tối nay Loy nhất định thì thầm nói chuyện này cho mẹ biết, sợ mai quên mất, mẹ Loy chỉ cười. Loy có biết đâu, mẹ đâu có muốn mặc váy, mẹ Loy là một bà mẹ nhà quê chính hiệu mà. Lúc Loy chuẩn bị đi nhà mẫu giáo, Loy vui lắm, nhưng khi chị đưa đến lớp thì khóc òa lên, tay bám vào áo chị, rồi mếu máo: “Chị Dung ở đây với em”. Chị Dung nhìn Loy, để cho Loy yên tâm là lời thỉnh cầu đã được chấp nhận. Một lúc sau khi Loy đang chăm chú nhìn mấy cái ô tô ở góc lớp, thì chị Loy đã trèo tường chạy về nhà từ hồi nào, Loy chạy ra nhưng mà không kịp. Lúc đó tôi hiểu rõ Loy hơn ai hết bởi vì tôi cũng có mặt ở đó mà. Những hôm sau đó Loy biết rõ là chị sẽ trốn về như hôm trước nên Loy không thèm để ý tới những thứ xung quanh nữa, Loy bám chặt vào tay chị muốn chị ở lại cùng. Nhưng lần này chị Loy nói dứt khoát: “Không được, chị phải về đi học, chị sẽ đón em sớm, được chưa”. Mặt Loy xị ra, lúc này Loy cảm nhận là chị nói thật và có vẻ không muốn đùa với Loy, nên Loy mếu máo: “Chị nhớ đón em sớm nhé”. Chị Loy chỉ: “Uh”, rồi chị chạy về cho kịp giờ đi học. Trường mẫu giáo của Loy thật ra là cái nhà ngói nhỏ tí tẹo, bên cạnh cái đình làng và sát cây đa cổ thụ, chắc vì chưa có đủ tiền nên làng mượn tạm cho bọn trẻ con có chổ đi học, đánh vần a, b,c và nhất là có nơi gửi cho bố mẹ chúng đi làm đồng.
Bà nội ở cùng với gia đình của Loy, từ hồi mẹ sinh mấy chị nên Loy thương bà nội lắm, cả mấy chị của Loy nữa. Khi đi mẫu giáo Loy được cô giáo dạy về nhà là phải chào ông bà, cha mẹ và anh chị, Loy vui lắm nên về là làm liền những gì cô giáo dạy hồi sáng, chưa về đến cổng Loy đã hét toáng lên: “Con chào bà, con chào bố mẹ, em chào các chị”. Loy chạy lon ton, trên người mặc bộ quần áo cộc tay mà nó thích nhất, cái quần thì ngắn ngủn, cái áo có hình con mèo, nhiều hôm thậm chí Loy không thèm đi dép, không có cặp sách, chỉ có cái mũ nan đội cho khỏi nắng và cái bình đông mang nước theo. Thế mà Loy rất khoái chí khi được diện bộ đồ như vậy. Bây giờ mà được nhìn lại tấm ảnh hồi bé chắc Loy cười vỡ bụng mất. Khi đi học về nếu trong nhà mà có cái bánh rán hay quả ổi thì Loy hạnh phúc lắm, chứ đâu như mấy đứa trẻ con bây giờ, đâu có thiết tha gì mấy cái đó.
Loy rất thích được bà cõng trên lưng. Bà Loy đã già lắm rồi, Loy cũng chẳng biết bà bao nhiêu tuổi nữa. Loy chỉ thấy tóc bà bạc trắng, cái lưng còng và da thì nhăn nheo. Cái lưng bà còng sát xuống đất, thế mà Loy muốn leo lên để bà cõng. Trong giây phút đó nó cảm nhận được đó là cả một thiên đường mà chỉ mình Loy có được. Tôi nhớ hồi đó Loy leo lên lưng bà khi 2 bà cháu đi vớt bèo, lúc này Loy chỉ muốn bà cõng, đó là nhất rồi, khi bà đang cúi xuống để vớt bèo, Loy ngồi trên lưng, thò chân xuống đạp nước, bà vẫn làm công việc của mình, rồi tôi nghe tiếng “Tùm”, trời ơi, cả hai bà cháu đều ngã xuống ao. Vài giây sau cả hai bà cháu mới lóc ngóc bò lên cầu ao, nào là bèo tấm, rong rêu nữa phủ đầy lên áo quần hai bà cháu, Loy thích chỉ cười nắc nẻ, thế mà bà Loy không nói gì, chỉ chẹp miệng một cái: “Cha bố cậu, nghịch quá”, rồi bà nhìn Loy với đôi mắt đầy tình thương. Loy cũng hiểu được ý bà nên tuột xuống khỏi lưng để cho bà vớt bèo cho xong.
Loy vẫn ham chơi lắm, khi bà chuẩn bị về Loy lại leo tót lên lưng để bà cõng, một tay bà bê rổ bèo, một tay cõng Loy, bà vừa đi vừa hát ru mà trong lòng không có giận gì hết. Đến bây giờ Loy ở tu viện Loy mới biết bà thực tập “Thiền cõng” giỏi thật, bóng hai bà cháu đi khuất sau con đường làng, con đường làng nhỏ hẹp quanh co, loáng thoáng vài bụi hoa râm bụt xen lẫn những nếp nhà gạch ngói vẫn còn loang lổ. Ngồi trên lưng bà Loy thấy đàn chim sẻ đang ríu rít trên những nóc nhà và cái mùi ngai ngái của khói bếp, chúng đang bay từng làn, thoang thoảng vào mũi của hai bà cháu Loy. Bàn chân bà và những giọt nước chúng vẫn đang nhỏ xuống mặt đường, chúng rơi từng giọt tí tách, hòa vào từng bụi cỏ, nơi mà bàn chân bà Loy đã đi qua.
Tiếng chuông thức chúng báo hiệu giờ công phu sáng vang lên, làm cho tôi trở về với thực tại. Thì ra từ nãy đến giờ, tôi quên theo dõi hơi thở nên bị cuốn về quá khứ, cả Loy cũng thế ngồi với tôi mà cũng như không. Hazz… Chắc Loy cũng đang mơ tưởng về một cái gì đó trong tương lai xa xôi mà chính bản thân Loy cũng không biết nữa.
Tôi nhanh chóng thu tách trà của mình và mặc áo đi cho kịp thời khóa, những hạt sương đêm rơi xuống từ bao giờ, mà khi đi ngang qua cây cầu gỗ bắc vào thiền đường, tôi cảm thấy bàn chân mình mát lạnh và có một cái gì đó rất đặc biệt. Tôi lẩm nhẩm trong đầu bài kệ “Lên xuống cầu thang”. Trong thiền đường mọi người đã vào gần đông đủ, ánh sáng lung linh của nến, mùi hương ngan ngát của trầm lan tỏa vào không gian nơi đây, lúc này tôi cảm thấy hạnh phúc quá, tôi mỉm cười bước vào trong thiền đường và ổn định chỗ ngồi của mình, tiếng chuông hô canh sáng vang lên thật hùng tráng, tiếng chuông giúp cho tôi trở về với hơi thở thật tự nhiên. Tôi thấy lúc này cậu bé Loy đang có mặt trong tôi rõ nhất, Loy cũng đang thở, nhịp nhàng và đều đặn! *