LÀ EM HAY CŨNG LÀ TÔI

Phải chăng ông trời đã an bài cho Hương Sen một cuộc sống như vậy? Ngay từ những ngày cô bé ý thức về cuộc sống, em đã mang trong mình nỗi đau cùng cực mà không biết chia sẻ cùng ai. Hương Sen đã bị chính người mà mình thương kính nhất lạm dụng. Cô bé đau khổ nhiều lắm. Có thể ban đầu đó là tình thương người đó dành cho em. Hương Sen nghĩ vậy, nhưng lớn hơn em cảm thấy ghê sợ, mỗi lần thấy thủ phạm cô bé muốn trả thù: “Giết chết ông ta sao?”. Không thể, ông ta cũng là người em thương mà, làm gì hơn ngoài im lặng trong tận cùng đau khổ. Hương Sen nghĩ đến cái chết, chắc hẳn đó là giải pháp tốt nhất cho tự thân, nhưng đối diện với cái chết cô bé không làm được, cô bé còn có mẹ – người mà em hết mực thương quý, cô bé không muốn xa mẹ và càng không muốn làm mẹ khổ. Hương Sen đã không nói cho mẹ nghe nỗi đau trong lòng mình bởi làm được gì khi đó cũng là người mẹ thương?

Năm tháng cứ qua đi, Hương Sen sống trong khổ đau, tủi nhục. Cô bé khiếp sợ ngay chính bản thân mình, một thân hình dơ bẩn mà mỗi ngày em phải cố gắng che đậy bằng lớp áo quần, bằng những thứ trang sức giả tạo để che mắt thiên hạ, chẳng ai biết điều đó ngoại trừ Hương Sen và thủ phạm. Bên ngoài cô bé cũng giống các cô bé khác, cũng giống các chị của mình, có khác chăng thì em được thương yêu và cưng chiều hơn thôi. Hương Sen phải sống cuộc sống giả tạo như thế, em phải chấp nhận cuộc sống của chính mình như một định mệnh mà thượng đế đã an bài cho em, em đã cố gắng sống vì mẹ – đó là niềm vui duy nhất giúp em tồn tại trước nỗi đau. Thương mẹ! Hương Sen cố tìm cho mình lối thoát nhưng vết thương của tự thân làm em thấy tuyệt vọng. Lòng cô bé chứa đầy thù hận, em oán trách những ai đã cho em có mặt trên cuộc đời để rồi bao khổ đau tủi nhục đổ ập xuống thân hình nhỏ bé, mong manh này. Hương Sen quyết định tự vẫn để hết khổ, đã quá đủ với em sau 18 năm phải sống, phải chịu đựng. May mắn cho em, đứng trước lưỡi hái của tử thần, ông trời đã không làm ngơ, không bỏ rơi em. Ông đã cho em gặp được một vị Thầy, có lẽ vị Thầy đó đã có mặt bên em từ lâu.

 

Để có một tương lai”, Với Hương Sen thì tương lai có khác gì hiện tại và quá khứ đâu, một màu đen của vết thương trong lòng đã bao trùm tất cả không cho em tiếp xúc được với hiện tại màu nhiệm. Nhưng nghe lời Thầy, Hương sen cũng thử đi tìm tương lai trong khóa tu ấy. Một điều kỳ lạ đã đến với cô bé khi em hòa mình vào những thời khóa cùng các bạn trẻ khác, có tới cả ngàn người trẻ tham dự khóa tu này và có nhiều những vị tu sĩ trẻ khiến em tự hỏi: “Ở đây có gì mà hấp dẫn người trẻ đến vậy?”. Hương Sen được dạy thở, cười, được dạy đi, đứng, nằm ngồi…trong những buổi pháp thoại, pháp đàm… những điều mà với cô bé nó đã hiển nhiên tự bao giờ mà chưa khi nào em tiếp xúc được. Trong suốt khóa tu Hương Sen chỉ im lặng để có thể tiếp nhận những gì mà người áo nâu kia chia sẻ.

Trong một buổi pháp thoại, cô bé được nghe vị Thầy dạy về sự trao truyền và tiếp nối. Người nói: “Nhìn vào đôi bàn tay chúng ta thấy có cha mẹ, có ông bà tổ tiên…”. Hương sen đã khóc khi vị Thầy chạm vào nỗi khổ niềm đau trong lòng em. Làm sao em có thể chấp nhận đươc trong em có người đó? Không thể như thế được, không thể… Nhưng nhờ năng lượng của mọi người trong buổi giảng giúp cô bé dừng lại cảm xúc đang dâng trào. Trở về, em nhớ đến hơi thở và lời dạy: “Thở vào, tôi biết em đang có mặt đó. Thở ra, chào em nỗi khổ niềm đau ơi! Tôi đang có mặt cho em đây!”. Phép lạ của hơi thở cho em dừng lại được những dòng suy nghĩ và mỉm cười được với chính tự thân. Em nhận thấy được điều kỳ diệu của pháp Phật. Chỉ cần dừng lại, thở thật sâu, vậy đó đã giúp em bớt khổ rồi. Những ngày sau đó Hương Sen nương vào đại chúng để thực tập nhận diện em bé tuổi thơ. Ngồi thiền, đi thiền là cơ hội giúp cô bé nhìn sâu để thấy những nguyên nhân, em mời mẹ – người em thương nhất cùng có mặt để yểm trợ và sau đó, em mời người đã làm em khổ.

Khóa tu kết thúc và mở ra cho Hương Sen cánh cửa màu hồng, em tìm thấy cho mình một con đường, cô bé quyết định đi tu dù biết đó là điều không dễ. Hương Sen phải vượt qua sự cản ngăn từ gia đình bởi nhận thức còn phong kiến về người tu trong gia đình em lớn lắm. Tại sao lại đi tu? Hương Sen không thể giải thích hết cho mọi người hiểu những gì ở nơi cô bé đã có, làm sao em có thể nói : “Con đau khổ, con đã bị làm ô nhiễm. Con muốn thoát khổ và con đường xuất gia là con đường duy nhất giúp con tìm thấy hạnh phúc”.

Trốn nhà đi tu, cô bé đã làm hết sức mình để được tới với Tăng thân, nơi mà em biết chắc sẽ giúp em chuyển hóa được hận thù trong em. Chỉ có con đường thực tập này mới đem lại cho cô bé hạnh phúc và rồi em gói món quà ấy tặng mẹ, tặng những người em mang ơn và tặng cả người kia. Sống trong môi trường tốt, được gần gũi bạn lành Hương Sen mỗi ngày trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn, nụ cười đã có mặt thường hơn trên đôi môi của em. Được Thầy cùng đại chúng đồng ý, Hương Sen sớm trở thành một sư cô, em hạnh phúc lắm lắm khi biết mình được hòa vào dòng sông Tăng thân, nhờ có Thầy cùng quý sư anh, sư chị, sư em thương yêu, nâng đỡ và chỉ bảo mỗi ngày, sư cô trẻ này dần chuyển hóa được vết thương trong tự thân. Sư cô đã thấy được người làm mình khổ họ cũng là nạn nhân của sự mê mờ. Có thể người đó đã không được trao truyền những cái hay, cái đẹp, người đó không biết thế nào là thương yêu, môi trường người đó sống không mấy tốt đẹp. Sư cô trẻ mỉm cười tha thứ khi thấy được nguyên nhân là vì đâu. Sư cô nhận ra mình đang thật sự may mắn, sư cô hạnh phúc khi có được con đường đi tốt đẹp. Thương cho người làm khổ mình bởi họ chưa biết đến con đường mầu nhiệm này.

Một khoảng lặng trong sư cô khi sư cô nghĩ đến những bạn trẻ đang sống ngoài xã hội kia. Sư cô tự hỏi mình phải làm gì để cho các bạn trẻ ấy biết rằng trong cuộc sống này vẫn đang có một con đường thật sự có hạnh phúc, có tự do và có thương yêu. Sư cô trẻ nhớ tới câu nói: “Nhờ bùn mà có sen”. Chính những bùn dơ ngày xưa đã giúp hoa sen nở ra nơi sư cô. Sư cô thấy rõ mình đã thực chứng “chuyển rác thành hoa” dưới sự nâng đỡ của Thầy và Tăng thân. Sư cô trẻ thấy mình không cần phải làm gì hơn ngoài tu học sao cho có hạnh phúc, bình an, chuyển hóa được tự thân là giúp người thoát khổ. Chẳng phải chúng ta được dạy “Tâm bình thế giới bình” đó sao?!

Cuối thu…

Bạn thương mến!

Viết những dòng chia sẻ từ tận sâu thẳm trong lòng tôi không hy vọng mình nhận được tình thương từ nơi bạn hay bất cứ nơi một người nào bởi với tôi, tình thương đã luôn có mặt khi tôi được là một sư cô. Tôi viết xuống đây mà lòng bình an đến lạ, tôi đã gọi đúng tên nỗi khổ niềm đau trong tôi. Còn bạn thì sao? Tôi hy vọng trên bước đường mà bạn đang đi dù có thật nhiều gai góc thì bạn cũng nhìn thấy bên lề đường có những bông hoa đang mỉm cười với bạn. Thầy và Tăng thân cũng như bản thân tôi đang có mặt cùng bạn, chúng ta cùng nắm tay nhau đi tới trên con đường hiểu biết và thương yêu nhé!

 

https://159.223.73.115/