Câu hỏi: Hạnh phúc là gì? và làm thế nào để có được hạnh phúc?
Thiền sư Nhất Hạnh:
Hạnh phúc là có an lạc, không có an thì không có lạc, an trong thân và trong tâm. Nếu trong người chứa chất quá nhiều sự căng thẳng, stress, thân không an thì tâm làm sao an đươc? Trong khi đó tâm có những cảm giác, cảm xúc như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động, nếu không có phương pháp cụ thể thì làm sao nhận diện và chuyển hóa được những bất an của tâm.
Câu hỏi: Quan niệm của thiền sư khác với quan niệm của hầu hết con người đương đại bây giờ, rằng hạnh phúc phải gắn liền với tiền bạc, địa vị, quyền lực, công danh…thiền sư nghĩ gì về điều này?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi nghĩ chúng ta phải tận dụng nền văn minh tinh thần của chúng ta mà đừng quá tin vào xã hội hưởng thụ Tây Phương. Người Tây Phương bây giờ rất khổ, nhiều người tiền bạc rất nhiệu, quyền lực rất lớn nhưng lại cực kì cô đơn và phải tự tử. Chúng ta đừng theo vết xe đổ của họ. Đừng tin rằng ta chỉ hạnh phúc nếu có tiền bạc, quyền lực… Chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng và có tình yêu thương. Nếu chúng ta có thể có an lạc trong từng giây phút của hiện tại thì chúng ta mới có thể có hạnh phúc.
Câu hỏi: Ai sinh ra trên đời đều cũng có mưu cầu hạnh phúc. Mấy tỉ người trên trái đất này là mấy tỉ con đường truy tìm hạnh phúc khác nhau. Song trên hành trình đi kiếm tìm ấy, biết bao đau khổ, bầm dập, biết bao bi kịch xảy ra. Tại sao việc kiếm tìm hạnh phúc lại khó khăn đến vậy thưa thiền sư?
Thiền sư Nhất Hạnh:
Trong ta, mỗi người đều có một ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải như thế này hay như thế kia. Nếu không được như thế kia thì ta kết luận là ta không có hạnh phúc. Như vậy là ta bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc của mình và trong nhiều trường hợp, ý niệm hạnh phúc của ta là chướng ngại căn bản để ta đạt tới hạnh phúc. Ví dụ, ta ham muốn đậu được một bằng cấp nào đó, và nghĩ rằng nếu không có cái bằng cấp đó thì không bao giờ mình có hạnh phúc cả. Như vậy tức là ta đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc. Trong khi ta đang có vô số cơ hội để hạnh phục, ta lại đánh mất hết, chỉ vì đã tự đóng khung hạnh phúc của mình vào trong cái ý niệm bằng cấp kia. Đó là một cái muốn, một thứ ái dục về bằng cấp. Trong đời sống tu hành cũng vậy. Là một ông thầy tu, mình phải có một cái bằng cấp vì có bằng cấp thì thiên hạ mới nể, thuyết pháp người ta mới nghe. Vì vậy, mình phải xông xáo ra đời vài năm để học và giật cho được bằng cấp đó. Mình đâu có biết rằng vì ý niệm về bằng cấp mà sự nghiệp tu hành của mình có thể sẽ bị hỏng. Tóm lại, tất cả đều do ý niệm của mình tạo ra, và ý niệm thường rất dễ bị sai lạc.
Có một anh chàng nói: “Hạnh phúc của đời tôi là phải cưới cho được cô này, nếu không cưới được cô ấy thà rằng chết còn hơn”. Như vậy anh chàng đã cột đời của mình vào trong ý niệm là phải cưới cho được cô kia. Cưới không được thì đời không còn ý nghĩa gì cả. Tại sao đời không có ý nghĩa gì nữa cả? Đời còn nhiều ý nghĩa lắm chứ! Nhưng tại mình không thấy được tất cả những cái jys nghĩa khác của cuộc đời mà chỉ thấy một nghĩa đó thôi. Cái đó gọi là ý niệm. Ý niệm đó ở trong đạo Bụt gọi là Tưởng, một cái tưởng của mình về hạnh phúc. Muốn sử dụng vô số những điều kiện để có hạnh phúc, muốn đừng dẫm lên những điều kiện hạnh phúc mà đi, ta đừng nên bị ràng buộc vào một ý niệm nào về hạnh phúc cả. Khi đã bị kẹt vào một ý niệm về hanhk phúc là ta không còn cơ hội nào khác để có hạnh phúc nữa. Ý niệm hạnh phúc đó gọi là dục tưởng.