GỬI BỐ PHƯƠNG XA MÓN QUÀ DÂNG MẸ

Bố kính thương của con!   Không khí lúc này hình như là đang chuyển mùa đó bố ơi. Trời se lạnh và bắt đầu xuất hiện những cơn mưa. Con ngồi bên một góc sáng nhỏ và ấm áp, nơi mà mỗi khi buồn vui gì con cũng ngồi ở đây. Con ngồi để gửi tấm lòng mình vào những trang giấy, có nhiều lúc con lại lặng lẽ đốt đi như một hình thức gửi đến tận tay bố. Bố ơi! Thời gian trôi qua nhanh thật, kể từ ngày bố rời xa con đến nay tính ra đã là mười sáu năm rồi bố à! Con nhớ lúc đó con còn nhỏ xíu à. Bây giờ, bố thấy không? Con lớn lắm rồi! Bố ơi! Mười sáu năm qua không phải là ngắn, nên từ lúc bố đi đã có biết bao nhiêu chuyện xảy ra trong gia đình mình. Con nhớ ngày con tiễn bố trở về với đất, con đã khóc, chỉ biết khóc mà thôi, không cần biết quanh mình đang có chuyện gì xảy ra. Hình ảnh đứa bé sáu tuổi, hai chân đất, đầu trần ôm bức hình của bố mà khóc. Lúc đó con chẳng biết gì, chỉ biết là bố đi đâu rồi sao chỉ còn bức hình ở lại với con. Con khóc vì con nghĩ ngày mai đây ai sẽ mua kẹo, mua nhãn để gửi lên trường mẫu giáo cho con. Con chỉ biết đứng từ xa mà nhìn mọi việc diễn ra với đôi dòng nước mắt. Từ ngày bố ra đi, mẹ đã chăm sóc anh hai và con đến ngày nay. Con nhớ lúc con còn nhỏ, mỗi chiều bố làm xong là con lại được ngồi trong lòng bố để nhìn người qua lại. Con nhớ lúc đó con nói với bố: “Bố ơi! Mai mốt bố làm kiếm tiền, bố mua xe máy chở con đi chơi nha”. Vì lúc đó, con thấy bố con người ta chở nhau đi chơi. Con cứ ước ao như vậy. Bố nói với con: “Ừ, bố hứa!”. Con còn nhớ những lúc bố uống say về, bố nằm ra giữa nhà để ngủ. Thấy bố như vậy, con chạy xuống nhà dưới, ôm gối mền lên đắp cho bố, kê đầu cho bố, rồi con ôm bố mà nằm ngủ. Hình ảnh đó dù cho con có lớn, có lớn bao nhiêu đi chăng nữa, con cũng sẽ chẳng bao giờ xóa đi được bố à! Con chỉ biết lúc đó bố uống rượu nhiều thật nhiều, con đâu biết là bố buồn và tìm đến rượu. Cho đến khi lớn lên, được nghe mẹ kể lại, con mới hiểu thời gian đó bố như thế nào và con thương bố xiết bao bố à! Bố đi xa con rồi, nhưng có những lần con cảm nhận như lúc nào bố cũng bên cạnh con, quan sát con. Những lúc buồn, những lúc gia đình mình có khó khăn, con chỉ biết ngồi nhìn bố và nói chuyện với bố. Và con cảm thấy rằng bố luôn nghe tất cả những gì con đang nói mà không cần bất cứ phương tiện truyền thông nào. Con bắt đầu thấy lúc con nói chuyện thầm với bố là bố đã nghe rồi. Lớn lên, con phát hiện ra rằng con được tiếp nhận từ bố nhiều hạt giống, những hạt giống tốt và cả những hạt giống chưa tốt. Những hạt giống vui tính và hài hước, nhưng bên cạnh đó cũng có những hạt giống buồn chán như lúc bố còn trẻ. Và con nhận ra rằng cả con và anh hai đều giống bố. Những lúc con biết con được nhận sự trao truyền từ bố, lúc đó con chỉ muốn ngồi chơi với bố, để nhận diện rõ rằng bố đang bên cạnh con, bố đang ở trong con, trong từng tế bào của con. Và bố biết không? Lúc đó, con nhớ bố, nhớ bố nhiều lắm! Có những lúc con lặng yên cảm nhận nước mắt đang rơi vì nhớ bố. Những bước chân con đi, con đều mang bố theo bên cạnh con. Mùa Vu Lan là mùa mà ai cũng hướng lòng mình về bố mẹ. Con cũng vậy, con cũng muốn lòng con hướng về bố và về mẹ. Chiếc nơ xanh bên cạnh đóa hồng được cài lên áo của những ai còn bố. Còn con, con sẽ được cài lên áo mình một bông hồng với chiếc nơ màu trắng. Nhưng dù bố có đi xa con đến đâu, bố có đi lâu thật lâu con cũng không sợ nữa. Vì bây giờ con thấy được trong con luôn có bố bên cạnh, và con có thể nói chuyện với bố bất cứ lúc nào con muốn. Bố con mình sẽ luôn ở cạnh nhau, sát cánh cùng nhau, bố ha! Lòng con lúc nào cũng hướng về bố và nhớ nghĩ đến bố. Con của bố, Phương Nhỏ   Mẹ thương kính của con! Một mùa Vu Lan nữa con được kề cạnh mẹ, được trò chuyện với mẹ, được tự hào cài lên áo mình một bông hoa màu hồng. Và dõng dạc tuyên bố với mọi người rằng: “Con còn mẹ”. Còn mẹ là còn một tình thương cao quý nhất trên cuộc đời này. Mẹ ơi! Vu Lan này, con chỉ muốn nói với mẹ rằng: “Con cảm ơn mẹ, cảm ơn mẹ thật nhiều! Cảm ơn mẹ đã là một người mẹ của con, một người bạn, một tình nguyện viên luôn sát cánh cùng con trong mọi cuộc hành trình. Những lúc khó khăn, trở ngại, mẹ đều ở bên cạnh con, an ủi và dỗ dành con, dìu con đứng lên khi con tưởng chừng như mình không còn sức đứng lên sau những lần vấp ngã”. Mẹ cứ ân cần và nhẹ nhàng có mặt bên con. Không ít lần con đã làm mẹ buồn vì sự hời hợt, vô tâm của mình. Ấy vậy mà mẹ vẫn cứ là mẹ. Mẹ vẫn ở bên con, vẫn cho con tình thương mà không cần điều kiện, không cần nhận lại. Mẹ vẫn cứ ở đó cho đến khi con cần là mẹ xuất hiện. Chẳng một chút giận hờn, trách móc, cũng không một lời than phiền. Tình thương của mẹ dành cho con không có gì so sánh được. Đôi lần, con đã đọc lại những bức thư mẹ gởi cho con, và mẹ biết không, con phát hiện ra một điều là bức thư nào của mẹ cũng luôn có một câu cho con: “Mẹ thương con nhiều lắm!” Những lúc nghe giọng mẹ qua điện thoại con đều nhận được thật nhiều an ủi mẹ dành cho con. Tất cả! Tất cả những điều đó là nguồn khích lệ lớn lao, là một động lực thúc đẩy để con đứng dậy và cho con bước tiếp đó mẹ à. Đôi lần con mải mê chạy theo những khát vọng, những xa xăm ngoài kia mà con quên mất đi bên cạnh còn có mẹ, còn một nguồn an ủi, động viên vô cùng quý giá. Mùa Vu Lan này con lại tự tin cầm trong tay mình đóa hoa hồng và mẹ biết không, đó là niềm vui sướng vô cùng lớn lao của con. Con ý thức được rằng, rồi sẽ đến một ngày con sẽ phải cầm trong tay mình một bông hoa màu trắng. Nghĩ về điều đó như là một tiếng chuông nhắc nhở con, để con biết con nên làm gì, phải sống như thế nào khi bên cạnh con, sát cánh cùng con và tri kỷ của con là mẹ. Có lần, một sư chị bảo con kể cho sư chị nghe những kỷ niệm của con về mẹ. Con nói: “Chà! Em có kể tới sáng mai cũng không hết”. Đúng vậy mẹ à! Những kỷ niệm về mẹ có viết thành một cuốn sách cũng chẳng hết. Có những kỷ niệm ghi sâu vào trí nhớ, khắc sâu vào tâm khảm của con. Con nhớ lúc con còn nhỏ, mùa hè nào con cũng được đi tắm biển với mẹ, chẳng bao giờ mẹ cho con đi với bạn. Nhớ lại, giờ con mới hiểu mẹ đã thương và lo sợ con sẽ gặp chuyện khi bên cạnh con không có mẹ. Con còn nhớ như in, hình ảnh hai mẹ con mình mỗi sáng cùng nhau đi tắm biển. Ngày nào mẹ cũng phải nhớ đem cho con một ngàn đồng. Hôm nào mẹ lỡ quên, thì con lại nhăn nhó, xấu xí, nhưng mẹ cứ nhẹ nhàng xin lỗi con. Con thật là xấu tính mẹ ha! Mỗi sáng mẹ chỉ cho con tắm đến sáu giờ là phải đi về, để mẹ còn đi bán. Con nhớ khi đến giờ mẹ gọi con về, con cứ mãi năn nỉ: “Năm phút nữa thôi mẹ”, rồi lại năm phút, lại năm phút nữa. Khó khăn lắm con mới chịu lên khỏi mặt nước. Trên đường, mẹ lấy một ngàn đồng mua cho con cái bánh tiêu kẹp xôi. Thế là ngồi đằng sau xe đạp, một tay ôm mẹ lại, còn một tay cầm bánh tiêu ấy mà ăn. Từ đó cho đến khi con lớn, chẳng bao giờ có cái bánh tiêu kẹp xôi nào ngon giống như vậy nữa mẹ à! Cũng vậy, hạnh phúc đó giờ có muốn cũng khó mà có lại được mẹ à! Con nhớ giao thừa năm nào, con cũng được đón giao thừa với mẹ, được cùng đi chùa, được mặc đồ mới tung tăng bên mẹ. Niềm hạnh phúc đơn sơ giản dị ấy gắn bó với con từ nhỏ cho mãi đến bây giờ. Nhớ lại ngày mẹ đưa con lên Bát Nhã, ngày đó mẹ chỉ ở được với con ba ngày rồi mẹ về, còn con thì ở lại một nơi đó để đi theo con đường mình chọn. Nhìn xe từ từ mất hút trong sương, con chỉ biết khóc, rồi khóc, đứng lặng yên để nghe dòng nước mắt chảy. Và những ngày kế tiếp con mới làm quen được với cảm giác nhớ mẹ. Từ đó, con phải tự lo cho mình, tự tập đi trên đôi chân của mình mà không có mẹ bên cạnh. Cuộc sống bắt con phải lớn lên theo năm tháng, và rồi những suy nghĩ cũng theo đó mà lớn dần. Đôi khi, con đã một mình đối diện với mọi nghịch cảnh, gian lao, và cũng không ít lần con cứ muốn được nhỏ mãi, nhỏ mãi để được ở trong vòng tay mẹ. Như con gà con được ẩn núp trong bộ lông của gà mẹ khi nguy hiểm đến. Nơi đó có lẽ là nơi an toàn nhất của chúng. Và cũng có lẽ vậy, mẹ à! Tình mẹ là tình cảm bao bọc, che chở cho mình nhiều nhất. Mẹ biết không? Càng ngày càng khôn lớn, con nhận ra rằng con được tiếp nhận biết bao hạt giống tài năng và khéo léo của mẹ. Con cảm ơn mẹ. Cảm ơn cuộc đời này đã cho con một người mẹ thật tuyệt vời. Và mẹ biết không? Con thương mẹ nhiều lắm!   Con của mẹ! Phương Nhỏ *
https://159.223.73.115/