Địa xúc thiền sư Khương Tăng Hội

Khải Bạch:

Bạch Đức Thế Tôn.

Bạch Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam Khương Tăng Hội.

Chúng con đang được tiếp xúc với sơ tổ Thiền Tông Việt Nam Khương Tăng Hội. Hình ảnh vị cao tăng với chiếc gậy trúc, nón lá, áo nâu đã gieo hạt giống thiền nảy mầm trên đất Việt. Sự tinh chuyên tu học, làu thông nội điển, ngoại điển và chí nguyện dấn thân giúp đời của Sư tổ đang sáng lên trong tâm các thế hệ tiếp nối.

Chúng con được tiếp xúc với Sư Tổ không chỉ với thần lực oai nghi trên tượng thờ mà cụ thể qua con đường thực tập những yếu chỉ mà Sư tổ để lại. Những lời vàng trong lời tựa kinh An ban thủ ý, Nê hoàn phạm bối kinh, Lục độ tập kinh… giúp chúng con có dịp tiếp xúc với chiếc lá, đám mây, dòng sông, gió mát, với bao người thương, huynh đệ trong thế giới nhiệm mầu qua lời tổ dạy: An ban là đại thừa của Chư Bụt để tế độ cho chúng sinh đang phiêu trầm sinh tử.

Tổ đã không dừng nghỉ trên con đường tu học và xây dựng tăng đoàn. Từ ngôi chùa cổ trên đất Việt đến chùa Kiến Sơ trên đất Trung Hoa. Những công trình xây dựng của tổ theo thời gian không còn nhiều trên mặt đất nhưng dấu ấn thực chứng và sức mạnh tâm linh qua pháp thân, tuệ giác của sư tổ thì vẫn còn mãi. Đó là giáo lý Tâm bình thế giới bình; Tâm an thế giới an.

Chúng con biết: Đời sống tu học không chỉ xây dựng trên lý thuyết mà phải bằng sự thực tập những pháp môn căn bản với tâm bồ đề dũng liệt. Thiền ngồi, thiền đi, thiền buông thư, thiền làm việc… cho chúng con cơ hội thực tập sâu sắc lời dạy của Sư tổ. Việc hành trì miên mật, tự do nhưng không buông lơi giúp chúng con có đủ tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày để không tạo thêm khổ đau và hệ lụy. Bất cứ khi nào tâm an là chúng con có thể tiếp xúc được với Tịnh Độ qua mỗi bước chân, mỗi hơi thở nụ cười. Nguồn tâm thuần khiết ấy không chỉ nuôi dưỡng chúng con mà còn nuôi dưỡng cả vũ trụ. Con đường đại thừa mà tổ mở ra đã thênh thang bởi tâm như hoa sen mà rễ hoa cắm vào bùn lầy để lớn dậy.

tổ đã cho chúng con chìa khóa để mở cánh cửa thực tại bằng phương pháp quán niệm hơi thở. Tổ sư đã chỉ dạy con đường chuyển hóa. Chạm đến cốt tủy của điều này không bằng lí thuyết mà bằng sự hành trì miên mật tứ oai nghi, nấu cơm, rửa bát, chuyện trò.

Ý thức rằng dòng sông nào cũng đi về biển cả, cũng như trong đời sống tâm linh, chúng con biết thực tập hơi thở chánh niệm và hết lòng nương tựa dòng sông Tăng thân để chế tác tình huynh đệ, nuôi lớn Niệm – Định – Tuệ qua mỗi bước chân, hơi thở, nụ cười. Bằng sự thực tập, chúng con mới có thể sống trong nguồn năng lượng chánh niệm, làm đẹp cho đời sống bằng y phục thiền định và góp vào công việc độ sinh của các bậc Bồ tát bằng đóa hoa tuệ giác. Thiếu một trong ba điều ấy là sự nghiệp tu học của chúng con không thể thành tựu. Đã có nhiều khi chúng con thất niệm, chưa làm được những điều này. Nhưng ước mong được nối tiếp con đường tuệ giác của Sư tổ nên chúng con nguyện sẽ tinh tấn hành trì trong mỗi phút giây hiện tại để nuôi lớn niệm, định tuệ để xứng đáng làm sự tiếp nối của Sư tổ.

Địa xúc:

Chúng con xin được lạy xuống 3 lạy trước Sư Tổ để bày tỏ lòng biết ơn cũng như phát nguyện thực tập tinh tấn điều mà Sư tổ chỉ dạy.

Khải Bạch:

Bạch Đức Thế Tôn.

Chúng con luôn tự nhắc nhở mình trong mỗi lần thực tập:

Ngồi thiền là thở bụng

Lúc nào cũng thành công

Thiền hành là an trú,

Nơi bước chân ban đầu

Ngồi thiền là cơ hội nhìn lại bản thân, theo dõi dòng sông tâm ý. Tâm ý của chúng con thường bị tán loạn bởi những suy tư, những dự án, những lo âu hay buồn tủi. Cho nên, việc theo dõi dòng sông tâm ý thì con khéo léo đưa tâm ý con vào quỹ đạo của hơi thở như một người chăn bò khéo lùa đàn bò về chuồng mà không để cho bò đi lạc sang khu vực khác, người chăn bò chỉ cần huơ chiếc gậy ra hiệu để bò biết là đang đi lạc hướng và bò sẽ nhẹ nhàng trở về con đường chính. Con đường là hơi thở của con, bò chính là tâm ý của con và người chăn bò là ý thức chánh niệm. Ý thức chánh niệm sẽ đưa tâm ý về với hơi thở.

Để bớt suy nghĩ vọng động, thường thì con có thể đặt tâm ý vào sự phồng xẹp của bụng:

Thở vào, bụng phồng lên.

Thở ra, bụng xẹp xuống.

Khi tâm ý an trú vào sự phồng và xẹp của bụng, thì tâm tư dần dần được lắng dịu, hỷ lạc sẽ có mặt nhưng con không quên sự có mặt của hơi thở đang đi vào ra một cách đều đặn. Hơi thở chánh niệm giúp con biết được những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây; cơ thể của con, huynh đệ xung quanh, tiếng dế kêu từng hồi hay cơn mưa đang rơi bên thềm.

Đi thiền cũng là cơ hội để con trở về với bước chân và hơi thở. Khi ý thức có mặt cho từng bước chân và hơi thở thì những suy tư lắng dịu. Thầy dạy: “Mỗi động tác là một lễ nghi”, mỗi bước chân của con cũng là một lễ nghi. Trong giờ phút đi thiền, con phát khởi ý thức trân quý và cẩn trọng từng bước chân.

Qua ngõ vắng,

Lá rụng đầy.

Tôi theo con đường nhỏ

Đất hồng như môi son bé thơ

Bỗng nhiên tôi cẩn trọng,

Từng bước chân đi.

Con có thể dùng hơi thở kết hợp với bước chân, thở vào bước hai bước, thở ra bước ba bước tùy theo sự thoải mái của lá phổi con. Hoặc bước chân kết hợp với câu kệ mà con thích:

Thở vào, con đã về

Thở ra, con đã tới.

“Đã về, đã tới” Là câu thiền ngữ giúp con trở về với giây phút hiện tại, những gì cần làm đã làm xong, những gì cần đạt đã đạt được, con dừng lại sự trông chờ, những dự án, những ước vọng. Mỗi bước chân đạt được ý nguyện của con. Đạt nguyện không phải là một điều gì xa vời trong tương lai, đạt được ước nguyện nằm trong mỗi bước chân của giây phút hiện tại. Người thực tập cần có một nguyện lớn để đi tới nhưng nguyện lớn cần sự thực tập bền sâu. Nguyện lớn là trở về trên mỗi bước chân, từng bước vững chãi và thảnh thơi.

Ký ức về bước chân ban đầu vẫn còn đậm nét trong con. Lúc đó, chỉ có con, hơi thở, bước chân. Con không quên giây phút đó. Dù cho con đã thực tập nhiều năm nhưng mỗi lần đi là mỗi lần mới. Thầy dạy Tâm Ban Đầu là bồ đề tâm lớn lao của con, giữ gìn và làm lớn lên Tâm Ban Đầu thì đời tu có nhiều hạnh phúc. Giữ gìn bước chân ban đầu thật tinh khôi và trong sáng thì con có nơi neo đậu an toàn cho con thuyền thân tâm cập bến.

Tâm đi trong tĩnh mặc

Bắt gặp chân như về.

ĐỊA XÚC

Chúng con xin được lạy xuống 3 lạy trước đức Thế Tôn, trước đức Bồ Tát Thanh Lương Địa để bày tỏ lòng biết ơn cũng như phát nguyện thực tập tinh tấn những pháp môn căn bản.

https://159.223.73.115/