CÙNG ĐI VỚI NHAU

Khi tôi viết những dòng này tôi ý thức rất rõ rằng, tôi cũng đang là một người trẻ tuổi, và viết cho các bạn cũng là đang viết cho tôi. Ngày xưa lúc tôi khoảng hai mươi tuổi, tôi còn là một sinh viên năm hai thì tôi đã từng phát nguyện xây dựng một trung tâm thiền tập cho những ai muốn tìm đến để tu học pháp môn của Bụt, và để xây dựng nên một Tăng thân, tôi sẽ là người coi sóc trung tâm đó. Nhưng có lẽ nhân duyên chưa đủ để tôi thực hiện được mong muốn của mình, cho nên vào những kỳ nghỉ tôi hay vác ba lô đi nhiều nơi trên nước Việt Nam để tìm hiểu và học hỏi cách tổ chức và quản lý ở các tự viện, các trung tâm thực tập dành cho cư sĩ trong nước.

Nhưng chưa có nơi nào làm tôi dừng bước, bởi lẽ tôi canh cánh một điều là những nơi này quản lý giỏi, nhiều phương tiện để in ấn phát hành, nhưng hình như sự thực tập chưa đi song song với làm việc, hơn nữa tôi luôn nhớ rằng mục đích của tôi là đi tìm một phương pháp để xây dựng cuộc đời cho tôi và cho mọi người, cho nên sự tu học phải đi đôi với những cái khác. Và tôi phải thức tỉnh tôi trước khi dẫn lối cho người khác. Sau đó gần hai năm nuôi ý định, tôi vẫn đi tìm kiếm và không quên rằng, tôi phải tu cho tôi trước, trong lúc đó tôi nhận thấy tôi vẫn có những sầu khổ và phiền muộn trong nội tâm, cho nên vào những ngày cuối tháng tôi hay cùng với những người bạn thân, những người bạn đang đi trên cùng một con đường với tôi làm môt chuyến đi leo núi, đi về vùng quê hay vào rừng, lên đồi xuống biển, để trở về với thiên nhiên ăn bánh uống trà, nghe tiếng suối chảy và ngắm trăng lên. Sau hai ba ngày tận hưởng, tôi không muốn trở về nhà nữa, tôi muốn ở lại nơi đấy. Nhưng tôi biết tôi nên trở về vì tôi còn nhiều việc phải làm lắm, tôi cũng biết là có nhiều người trẻ cũng đang giống tôi và muốn được như tôi nhưng không phải ai cũng có điều kiện giống tôi.

Cho nên mỗi lần đặt chân về lại với đời sống, lời hứa năm xưa càng lúc càng lớn mạnh lên và thôi thúc tôi phải gấp rút làm cho xong dự án này, và được sự yểm trợ của một vài anh em cùng chí hướng với tôi tìm mua đất và dự tính sẽ xây dựng trong năm đó (2010). Tôi có quá nhiều dự tính để làm và trong thời gian này, tôi cũng dự tính sẽ sang Nhật để tiếp tục cho sự nghiệp của tôi theo chỉ dẫn của trường. Nhưng tôi nghĩ là tôi chỉ nên chọn một trong hai, tôi không thể một lúc làm cùng hai việc được.Và tôi cùng một lúc thực hiện được việc mua đất song song việc chuẩn bị hành trang để đi Nhật. Tôi giao phó tôi cho Bụt, Tổ và lúc đó tôi được đi sang Thái Lan để dự khóa tu Peaceful Mind, Open Heart, vì tôi nghe nói Sư Ông Làng Mai sẽ về đây, nên tôi muốn sang Thái để học hỏi và đem sự thực tập trở về. Nhưng sau khi qua Thái được ở chung mười ngày với Tăng thân và các bạn thiền sinh ngoại quốc, tôi chợt nhận ra rằng, tôi có thể tiếp tục công việc xây dựng của tôi và sẽ làm hay hơn nếu tôi là một người tu sĩ. Và khi về lại Việt Nam thay vì tiếp tục dự án thì tôi ra Huế và xin tập sự xuất gia.

Đến bây giờ tôi đã là một sư cô đầu tròn áo vuông trong tôi vẫn còn nung nấu lý tưởng được đem giáo pháp đến cho đời. Sống trong môi trường này tôi muốn viết vài dòng tâm sự nỗi niềm thao thức của tôi đến với những ai còn đang tìm kiếm. Nếu chúng ta không có môi trường tốt cho sự tu học, chúng ta có thể tự tạo môi trường cho chính mình, mình phải là người làm thôi không thể chờ đợi người nào khác làm thay thế cho mình được. Chúng ta hiểu về phong trào Wake Up như thế nào? Nền tảng là gì? Đây là đề tài chúng ta quán chiếu để mỗi ngày càng làm cho phong trào này mới hơn và phù hợp hơn với thời đại mà chúng ta đang sống, một xã hội quay cuồng, mỗi ngày bị cuốn trôi theo những dự tính ước mơ về những cái mà xã hội đã quy định đó là hạnh phúc. Đuổi theo một lúc ta chợt nhận ra là ta đã đi quá xa và cần tìm một lối thoát cho chính mình, chỉ có sự dừng lại và thật sự chạm đất ta mới có thể nhìn thấy được con đường đã có sẵn. Và Năm Giới chính là kim chỉ nam để dẫn lối cho mình đi đúng đường. Những quy định của xã hội đã trở nên lỗi thời và u trệ, không đủ sức để lôi kéo những con người trẻ đang tràn đầy sinh lực, sẵn sàng đi tới hướng thượng. Nhưng nếu không biết cách thực tập ta sẽ dễ dàng rơi vào bế tắc và tìm kiếm, mất đi sự an trú trong nội tâm mình, nên Sư Ông đã soạn thảo Năm Giới ngày một mới hơn để chia sẻ đến tất cả các bạn. Đó là tuệ giác của Thầy. Người đã quán chiếu nhiều lắm mới cho ra đời nhiều cánh cửa phương tiện như thế, tất cả những gì Thầy đã làm là mở ra cho các bạn trẻ một lối đi, thực tập giới là để sống chậm lại, học cách để sống, thở, đi, ăn uống, nằm ngồi biết cách chọn lọc, biết cách tạo ra an lạc cho mình. Thức tỉnh để biết là bạn đang còn sống, nhận biết những điều kiện mình đang có để tập quý trọng tất cả, để bớt đi sự hời hợt và lãng quên, lãng quên những người mình đã nguyện yêu thương.

Tôi ý thức là tôi còn nhỏ, mới tu nên đôi lúc còn nhiều sai sót còn thất niệm, còn ngủ quên. Nhưng tôi không cảm thấy tôi kém cỏi vì tôi biết tôi sẽ lớn dần theo thời gian. Nếu chờ đến khi đủ vững đủ lớn mới chịu ra giúp đời thì bao nhiêu năm mới gọi là đủ đây? Và những người đang cần đến chúng ta sẻ bị mòn mỏi theo năm tháng, cho nên dẫu biết tay chèo còn non yếu dễ bị cuốn phăng bởi những cơn lốc, nhưng chúng tôi vẫn muốn xông pha. Anh chị em chúng tôi cùng với các bạn đang đi như một dòng sông, cùng nhau góp đôi bàn tay để cùng chèo chống con thuyền Wake Up. Con đường dấn thân phụng sự là con đường mà thầy đã dành cả cuộc đời để hiến tặng, là con đường mà các vị Bụt và Bồ Tát đang đi, đi để thức tỉnh mình và mọi loài. Chúng tôi học cách sống tỉnh thức trong hai mươi bốn giờ của cuộc sống hằng ngày, hễ người nay quên là người kia nhắc để tỉnh dậy, đó là sự lợi ích của một Tăng thân. Chính vì tôi có một Tăng thân nhỏ lúc ở ngoài đời nên tôi vẫn còn tồn tại với lý tưởng phụng sự cho đến hôm nay cho nên tôi thấy được tầm quan trọng của một Tăng thân dù ở bất kỳ hình thức nào đi nữa chúng ta cùng nhau đi trong sự tỉnh thức để không làm uổng phí bảo vật mà Thầy đã giao phó cho.