CÔNG PHU CHẤP TÁC

Trong cuộc sống người xuất gia, ngoài công phu tu tập như thiền tọa, thiền hành, thiền ăn cơm… mỗi vị còn có giờ công phu chấp tác. Mỗi vị đều có mỗi công việc khác nhau, nhưng với đời sống tu học ở Làng thì có rất nhiều vị làm chung với nhau một công việc để xây dựng tình huynh đệ. Trong đại chúng có rất nhiều công việc khác nhau như làm đậu hủ, làm vườn, cắt cỏ… và con có may mắn được làm tri may. Tình huynh đệ được xây dựng khi con được làm chung với hai sư cô, và hai sư chị. Được làm trong tri may, con thấy mình có rất nhiều cơ hội để nhìn lại tâm của mình. Con xem việc chấp tác ở tri may như một sự thực tập giúp con càng ngày càng khám phá ra câu chuyện cổ tích ở trong con. Với con, việc may một chiếc áo nhật bình hay một bộ đồ vạt hò rất công phu, đòi hỏi người may phải đi qua nhiều khâu có tính chi tiết và tỉ mỉ, giống như sự tu học của con là một vị sa di ni. Con phải học uy nghi, giới luật, các pháp môn căn bản để xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc và hạnh phúc.

Trong khi may áo, người thợ phải có sự kết hợp chặt chẽ các bước như lượt áo, ủi, đạp lại với nhau thì với con, sự tu học hằng ngày cũng phải kết hợp một cách dung hòa các pháp môn thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn cơm… Người thợ may rất cẩn thận từ việc ủi như thế nào để thẳng đường đạp, để ủi chết đường chỉ phải có sự để ý tỉ mỉ thì con cũng phải có chánh niệm để nhận diện những tập khí trong con, để làm lắng dịu những hạt giống ấy. Khi may, không phải chỉ cần biết may là xong, người thợ phải biết đạp đường cho đều, cho thẳng. Để cho được đường may đẹp như vậy, người thợ đều phải tập luyện mỗi ngày. Trong sự tu học, con cũng phải nhìn lại tâm mình mỗi ngày để hướng tâm mình đi đúng đường, đi về con đường thẳng, không cho nó chạy lung tung. Khi đã hoàn thành xong một chiếc áo, còn một khâu quan trọng không kém đó là kết từng hạt nút vào áo, đòi hỏi sự cẩn thận rất cao. Nếu người thợ may cẩn thận thì đường chỉ khi kết nút vào rất đẹp, rất đều. Còn ngược lại thì chiếc áo sẽ bị co vải, chỗ kết nút sẽ bị cộm không được đẹp. Với con, nó cũng giống như việc mình chọn thức ăn cho mình mỗi ngày. Nếu có chánh niệm, con sẽ chọn những thức ăn bổ dưỡng nuôi lớn tâm bồ đề của mình. Còn lơ là thì con sẽ dần dần mất đi niềm vui, hạnh phúc mà con đang có.

 

Bên cạnh đó, không phải lúc nào người thợ may cũng thành công, có những lúc cũng sơ ý cắt vải sai, may không đúng nhưng người thợ đã tập làm lại cái khác. Cũng như con thấy ở chính con, không phải ngày nào con cũng có ý thức làm chủ được mình, có những ngày con không thực tập tốt, làm cho quý sư chị, sư em buồn nhưng nếu biết dừng lại làm mới chính mình ngay lúc ấy, cho mình cơ hội để nhìn lại thì con đã hạnh phúc rồi. Được làm trong tri may, con thấy mình rèn được tính kiên nhẫn rất nhiều. Mời đại chúng, nếu vị nào đang mặc chiếc áo có hạt nút thắt thì hãy nhìn nó xem, để có một chiếc nút thắt như vậy cũng là một công trình của sự kiên nhẫn đó ạ! Công phu lắm (hi hi…nếu vị nào muốn biết công phu thế nào thì xin liên hệ tri may chúng con ạ!)

Bây giờ đây, con càng thêm trân quý chiếc áo nhật bình, áo giải thoát, những bộ đồ vạt hò mà con đang được mặc mỗi ngày. Chiếc áo đơn sơ, giản dị nhưng chứa đựng rất nhiều tình thương của chư Bụt, chư Tổ, của Sư Ông và những người thợ may.

https://159.223.73.115/