CHO VƯỜN ƯƠM HÔM NAY

Thầy đã từng là một thanh niên với nhiều hoài bão, nhiệt huyết muốn xây dựng một đời sống đẹp, lành cho chính mình. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư điện, người thanh niên ấy đã dễ dàng tìm cho mình một công việc như ý. Trong một lần xảy ra tranh chấp với Sếp, người thanh niên đã tìm vui bên lớp học tình thương; tình bạn với cô giáo dạy cùng cũng không giúp giải quyết những vấn đề của chính mình. Và một ngày, với khao khát hiểu được mình, làm chủ cảm xúc, cũng như xác định lại mục tiêu, lý tưởng sống, người thanh niên đã quyết tâm lên đường để tìm lại chính mình. Năm 1987, lần đầu tiên tìm đến Làng Hồng, thực tập hơi thở bước chân và các pháp môn đã giúp người thanh niên ấy lấy lại tinh thần, lắng dịu, hiểu và thương được mình, từ đó tìm đến Làng thường xuyên hơn. Làng Hồng như một món ăn tinh thần cho cuộc sống mới của người thanh niên. Sau mười năm thực tập cũng như giúp Làng mở các khóa tu, Tâm Bồ Đề đã được nuôi lớn từ từ, rồi một ngày năm 1999, người thanh niên đã xuất gia. Với tâm phụng sự, cống hiến, sau một năm là sư chú đã có thể đi ra để giúp tăng thân. Và bây giờ, đã  hơn mười lăm năm xuất gia, thầy đã đem lại không ít niềm vui và hạnh phúc cho tăng thân, cũng như các vị cư sĩ. Thầy là một trong những người tiên phong trong việc xây dựng các trung tâm Làng Mai thực tập ở Châu Á và tổ chức các khóa tu định kỳ hàng năm tại các nước trong khu vực. Mùa an cư 2013, với sự có mặt ở Trung Tâm Thực Tập Làng Mai Quốc Tế Thái Lan, Thầy đã đưa một luồng sinh khí mới, làm mạnh thêm tinh thần tu học và phụng sự trong đại chúng. Nhân duyên hội đủ,  BBT có dịp ngồi chơi, phỏng vấn về những thao thức và tâm huyết của thầy về tinh thần xây dựng những thế hệ xuất sĩ trẻ hôm nay. BBT: Kính thưa Thầy, Thầy có thể chia sẻ một ít kinh nghiệm khi làm việc với anh chị em, Thầy đã gặp những khó khăn gì và đi qua như thế nào mà Thầy vẫn giữ được chí nguyện phụng sự? T.P Khâm: Thật ra chúng ta có một may mắn, đó là giữa anh chị em xuất sĩ, mỗi khi có vấn đề thì cũng chỉ là do chưa hiểu nhau trong cách làm việc, chứ ai cũng có chung một con đường là phụng sự hết, thì đó là điều mình cần phải ghi nhận. Người đi tu thì ai cũng có khuynh hướng là phục vụ. Vậy thì những việc khó khăn, không hiểu nhau chỉ là vấn đề tạm thời, chưa biết cách làm việc. Ví dụ như, ở ngoài mình làm việc rất là xông xáo, khi vào đây làm việc chung với những vị chưa quen làm việc như thế, những vị đó thấy mình làm việc xông xáo quá họ theo không nổi, không kịp, thì họ yêu cầu mình chậm lại. Thì những lời khuyên đó từ lòng tốt mà ra hết. Nếu so sánh những khó khăn trong chúng với ngoài đời thật ra không có gì, vì đã vào trong đạo thì mình giúp nhau thôi, là anh chị em với nhau hết rồi. Vậy trong chúng mình khi gặp khó khăn thì đừng có bao giờ nản lòng, vì mỗi người đi tu ai cũng có tâm tốt hết, chứ không thôi đi tu để làm gì? Nên, nếu có khó khăn lúc đầu thì tại vì chưa hiểu nhau thôi, và nếu nhìn lại trong chúng thì toàn vậy hết à. Có một điều mình nên để ý là khi vào trong tăng thân, ai cũng có đem theo những hành lý – đó là những khó khăn của gia đình mình, những niềm đau, nỗi khổ mà ngoài mình ra thì không ai biết hết. Vậy khi bốn mươi hay năm mươi người ở chung với nhau, ai cũng có những nỗi khổ, niềm đau đó mà không biết cách hóa giải thì chắc chắn nó sẽ phải bung ra thôi. Khi bung ra như vậy nếu người nào nghe phải thì là một cái duyên để giúp cho người kia thực tập, để họ có cơ hội giải tỏa khó khăn, giải tỏa năng lượng bức xúc. Kì thực, người kia không ghét gì mình đâu, nhưng mình trở thành đối tượng để cho người kia chia sẽ mặc dù theo cái nhìn của mình thì sự chia sẽ đó không được thuận cho lắm. Vậy người gây khó khăn cho mình là một nghịch duyên để mình thực tập và qua cơ hội đó cũng được hiểu mình thêm, cho  nên với những điều đó đúng ra mình phải cảm ơn. Đã đi tu rồi, mình nói là mình giúp đời, thì giúp ai ngoài những người đang có đau khổ? Và nếu giúp cho những người đang có mặt với mình bớt khổ thì đó là mình đang giúp rồi. Vậy đối tượng để giúp có thể là những anh chị em trong chúng, đừng có nghĩ tới là phải giúp người ở ngoài, phải đi chỗ này chỗ kia, mà hãy giúp trong chúng trước. Có một điều nữa là sống trong chúng Pháp Khâm chưa bao giờ thấy người trong Tăng thân xuất gia mà có ý hại nhau, nhất là trong Tăng thân của mình. Nhiều khi có tự ái nói qua nói về vậy thôi, chứ chưa bao giờ thấy anh chị em mình có ý làm cho người kia đau khổ. Có thể là vì vô tình mà nói những câu gì đó, khi đi tu rồi mà còn nói những câu như vậy thì người đó phải khó khăn lắm, họ chưa chuyển hóa được, khổ lắm! Mình phải thương họ thêm nữa kia. BBT: Thưa Thầy, Thầy nghĩ thế nào về tiềm năng của một người xuất sĩ trẻ hiện nay? Cụ thể là những người trẻ như quý Thầy, quý Sư cô ở trong chúng?  T.P Khâm: Người trẻ giống như câu nói “Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau”, tuổi trẻ là tương lai của đất nước, thì Tăng thân trẻ cũng là tương lai của Làng Mai. Hai mươi, ba mươi năm trước Thầy cũng là người trẻ. Điều này có nghĩa là cần có sự tiếp nối. Người trẻ thì làm được nhiều thứ lắm, thứ nhất là họ chưa có thành kiến, họ có niềm tin, họ ít khi đầu hàng, thì mình phải dựa vào những điểm lợi đó của người trẻ. Nhiệt huyết của người trẻ rất là mạnh. Để cho người trẻ có thể tiếp nối được thì mình phải làm sao cho người trẻ giữ được nhiệt huyết đó. Cho đến bây giờ thì Thầy đã hai mươi bảy năm rồi mà nhiệt huyết đó vẫn như xưa, nó không mất đi mà nhiều khi còn lớn hơn nữa. Vì sao như vậy? Bởi vì mình vui đó! Mình tu mà mình có hạnh phúc thì những cái đó không mất đi được, và một điều giúp mình để giữ được cái đó là đừng có ngại khổ, đừng để cho những tiện nghi cá nhân, tiện nghi về tình cảm, vật chất nó giết cái lý tưởng đó. Cái nhiệt huyết đó sẽ bị mất khi mình bắt đầu bị những tiện nghi về vật chất (mình muốn được cái này, cái kia, muốn được cung phụng, được người ta trọng vọng) cũng như về tinh thần (muốn được thương yêu, được để ý đến) cuốn đi. Ở ngoài thì những cái đó tưởng chừng mang lại niềm vui cho mình nhưng thực chất nó là cái bẫy cho người tu. Người tu là được nuôi dưỡng bằng bồ đề tâm, những khó khăn, nếp sống tri túc, đừng để đầy đủ quá, đó là những hạt giống nuôi bồ đề tâm của mình. Khi mình đầy đủ quá thì thức ăn của bồ đề tâm bị mất đi. Giống như tập thể dục là phải chạy bộ vậy đó. Muốn có sức khỏe mình phải làm cái gì đó, nếu như ngại khó không tập thể dục thì sức khỏe mình sẽ yếu đi. Dĩ nhiên khi không tập gì thì mình thấy khỏe, không đổ mồ hôi nên không thấy mệt- cũng có thể coi đó là những tiện nghi cá nhân, nó làm cho mình không có hứng để làm việc. Mà điều làm cho người trẻ giữ được cái nhiệt huyết đó là không ngại khó, và trên hết là niềm vui. Chính cái vui đủ để nuôi dưỡng mình, đừng có mong là được người khác công nhận, chính mình cảm thấy vui thì điều đó là hạnh phúc nhất rồi. BBT: Thưa Thầy, người trẻ thì hay có tính hiếu thắng và đôi khi làm mà chưa có suy nghĩ sâu sắc, vậy chúng con làm sao để có thể vừa giữ được sự thực tập mà vẫn giữ được sự năng động của tuổi trẻ? T.P Khâm: Thật ra tính hiếu thắng đó cũng bắt đầu từ sự muốn được thương yêu thôi. Lúc trước thời Bụt cũng vậy, lúc Tất Đat Đa với Đề Bà Đạt Đa phải thi với nhau để mà lấy được trái tim của Da Du Đà La. Vậy cũng chỉ là một hình thức mà thôi. Những điều đó rất là “con người”, điều đó không có gì là sai hết. Đôi khi tính hiếu thắng đó cũng giúp cho mình vượt qua khó khăn để đi lên, điều quan trọng là mình phải nhận thấy nó được. Hiếu thắng là một nguồn năng lượng giúp mình đạt được một cái gì đó, nhưng những điều mình làm dựa trên sự hiếu thắng nó sẽ không có bền, cái hạnh phúc đạt được cũng rất là ít. Trong khi đó, hạnh phúc mà mình đạt được qua sự cống hiến, phụng sự, thì nó sẽ nuôi mình hoài. Hạnh phúc thông qua sự hiếu thắng nó không có lâu, chỉ ở giây phút đó thôi là hết. BBT: Thưa Thầy,Thầy cũng đã thấy được những năng lực và nhân lực của anh chị em trẻ ở Thái Lan, vậy Thầy có những thao thức hay mong muốn gì không ạ? T.P Khâm: Một điều là người trẻ phải thấy được khả năng, vai trò và trách nhiệm. Từ vai trò nó đi đến trách nhiệm, mình có thể làm được nhiều thứ lắm và phải thấy rõ trách nhiệm của mình. Ví dụ như một người đánh đàn hay, hoặc hát hay thì với cái tài đó mình có thể ra để giúp chúng tập những bài hát nhạc thiền, những bài có tác dụng nuôi dưỡng lòng từ bi, lòng thương yêu, tình huynh đệ. Nhưng cũng với cái tài đó mà hát những bài tình sầu đứt ruột thì nó lại có tác dụng khác. Có tài nhiều khi cũng rất là nguy hiểm nếu sử dụng không đúng. Ông bà ngày xưa có câu: “Có tài mà không có đức rất là nguy hiểm”. Có đức mà không có tài thì ít nhất cũng  làm được gì đó chứ có tài mà không có đức rất là nguy hiểm. Vậy nên người trẻ mình phải ý thức được trách nhiệm của mình, khi mà ý thức được trách nhiệm rồi thì mình có thể phát huy được hết khả năng. Thầy rất muốn mình nghĩ ra được nhiều cách để có thể giúp cho người trẻ bớt khổ, tại vì người trẻ bây giờ mất lý tưởng. Ngay trong Tăng thân cũng có nhiều vị chia sẻ là đời sống gia đình rất là khổ, như là cha mẹ không có hòa thuận, anh chị em sống cũng không có thích ở nhà… Tuy là bây giờ hết chiến tranh rồi nhưng đau khổ vẫn còn, vậy cái khổ này làm sao để giúp cho họ được? Mình có nhiều cách giúp lắm, nhưng cách tốt nhất là bằng sự tu học, có bình an, hạnh phúc, vui tươi thì mới làm người ta hướng đến mình. Cũng như khi ở đây, cha mẹ, bạn bè thấy mình tu học vui là họ có chuyển hóa rồi, mà không cần phải đi đâu hết. Vậy thì Tăng thân trẻ ở đây phải làm sao mà cuộc sống của mình có hạnh phúc, và tình anh chị em trong chúng phải được nuôi dưỡng. Nhiều người tới đây với gia đình không hạnh phúc, nhưng phải làm sao mà tu trong môi trường này chuyển thành một môi trường có hạnh phúc. Ví dụ như khi ở nhà, cha mẹ, anh chị em không có vui, sống nhiều khi hay kè nạnh, ganh đua với nhau, nhưng vào đây mình thấy cái đó không có, thông qua hình ảnh từ sư cha, sư mẹ thì điều đó có thể giúp mình chuyển hóa khổ đau đã có từ trước. Thấy anh chị em ở đây ai cũng giúp nhau thì mình cũng có thể chuyển hóa được những mặc cảm, nội kết giữa mình với gia đình huyết thống của mình. Thầy nghĩ là chúng ta có thể làm được. Như hồi trước, mình thuyết trình về chuyển hóa rác, nếu mà đưa bài thuyết trình lên mạng thì cũng có thể giúp được nhiều người lắm. Vì sao? Vì họ thấy trong một môi trường mà người trẻ làm việc với nhau vui như vậy, ai cũng có cơ hội đóng góp và rất thật. Những điều đó ở ngoài bị thiếu. Nhưng cái chính là phải làm sao mà sự tu học của mình có hạnh phúc thì  người thân mới nhận được, mặc dù họ không có ở đây họ vẫn cảm được, mình không cần phải làm gì nhiều. Thầy thấy không cần phải có nhiều dự án, một dự án duy nhất là phải sống và tu học có hạnh phúc, rồi những cái kia sẽ tự động theo sau. Giống như học tiếng Thái, lúc đầu mấy em nhỏ đâu có thích học đâu, nhưng sau đó mấy tuần thì mấy em thích học, vì có niềm vui trong việc học, vậy nên niềm vui trong việc mình làm là chính, không cần phải làm gì nhiều, người trẻ chỉ cần tu học cho vui, cho hạnh phúc là đủ rồi. BBT: Các anh chị em trong đại chúng có rất nhiêu cơ hội phụng sự, vậy thì làm sao chúng con có thể ý thức để không rơi vào trường hợp như chàng dũng sĩ trong chuyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài? T.P Khâm: Điều đó cũng phụ thuộc vào cách tổ chức sinh hoạt của Tăng thân nữa. Dĩ nhiên trong chúng phải trọng dụng người tài. Nhưng người tài nhất là người có thể sống hài hòa và làm việc chung với Tăng thân, điều đó phải đặt lên hàng đầu. Thầy ngày xưa là kĩ sư điện, cách đây ba mươi năm rồi, bây giờ thấy cũng có vài ba người học ngành đó, học những điều mới hơn mà ngày xưa Thầy không có học, thì những vị có cái tài đó vào đây làm được gì? Có thể làm hệ thống mạng- thì đó là một cái tài chứ chi nữa. Mình phải làm sao để những vị đó phụng sự mà không nghĩ là mình giỏi. Cái này không phải chỉ áp dụng cho những người đó thôi. Một người nấu ăn, họ cũng có thể tự hào về tài nấu ăn của họ. Thật ra họ cần cái tiếng khen. Vậy thì Tăng thân đừng có vì sợ người này giỏi, có cái tài này cho ra làm thì họ sẽ tự cao tự đại, nếu như vậy thì uổng lắm, sẽ mất đi một nhân tài. Đó là điều mà Tăng thân có thể gặp phải, nên mình tổ chức làm sao cho người khác cũng có cơ hội đóng góp. Thật ra, nếu vị nào giỏi thì sau khi làm, họ có thể huấn luyện người khác, phải tập cho họ chia sẻ cái giỏi của họ với người khác thì họ không cần phải làm hoài. Đó là cách mình đang làm bây giờ. Ví dụ như là mình có đội lo về chương trình trẻ em, chương trình thiếu niên, wake-up… thì đội của mình có thể có mười người, một vị nào đó giỏi có thể cho làm trưởng đội, lo về việc huấn luyện. Khi đi ra tổ chức ở ngoài thì vị đó cũng đi như người khác, nhưng họ không đi hoài mà chia ra làm nhiều đội thay phiên nhau đi. Thứ nhất là họ vẫn được phục vụ bởi vì họ giúp đào tạo những người kia, thứ hai là những người kia được đào tạo cũng có cơ hội đóng góp, và khi người giỏi ở nhà thì họ cũng vui vì những người khác đi cũng giống như mình đi, và mình cũng đã có cái công đóng góp trong việc đào tạo những người đó. Sau một thời gian thì mình thấy là mình không cần phải đi mình mới đóng góp. Mình vào đây đâu phải để làm việc, mình vào đây để tu, để chơi, chứ không phải để làm việc hì hục cả ngày cả đêm. Đó là một cách mà Thầy nghĩ là có thể giúp được và điều đó nó đang xảy ra. Bây giờ lịch trình người đi ngày quán niệm ở BIA, đi làm Wake-Up, Teenager… mình sẽ làm luân phiên hết. Người có cái tài đó làm sao phải bảo đảm cho được những người đi ra ngoài cũng có khả năng giống như mình, đó là đường hướng của mình. Có một điều là đào tạo sẽ cần thời gian, nên người có tài đó mới đầu họ sẽ đi nhiều hơn, thì trong chúng cần ý thức điều này. Sau một thời gian thì người được đào tạo sẽ đi thay các vị đó. BBT: Kính thưa Thầy có những vị ít đi ra ngoài thì dần dần không dám ra ngoài nữa, những vị đi nhiều thì cũng mệt và đôi khi thấy ngại, nhưng cũng không có cách nào khác. Làm sao để quý Thầy, quý Sư cô lớn có niềm tin cho các em nhỏ đi ra và những em nhỏ phải làm gì để tạo được niềm tin đối với những vị lớn? T.P Khâm: Trước hết những vị đi ra ngoài phải được đào tạo, chuẩn bị, mình ý thức được rằng khi họ đi ra ngoài không phải ra để làm cảnh. Có vài vị nghĩ chỉ cần có số đông thôi nên họ không cần phải làm gì hết, chỉ cần ngồi đó thôi cũng đủ, nhưng thật ra không phải. Sự có mặt của họ có thể đóng góp rất nhiều, nhưng nếu mình chỉ có mặt thôi mà những sinh hoạt khác mình không tham dự, thì cũng chính những người đó cảm thấy rằng họ không có giúp ích được nhiều. Vậy mình phải làm sao? Thì bây giờ mình có chương trình huấn luyện hướng dẫn tổng quát tổ chức khóa tu, cũng như với những thời khóa sinh hoạt hằng ngày của mình. Khi những vị lớn cho pháp thoại thì những vị trẻ cũng có thể giúp đóng góp được bằng cách hướng dẫn tập gậy, cái đó đâu cần Tiếng Anh nhiều. Hoặc là thỉnh chuông trong các bữa ăn, cũng có thể hướng dẫn thiền buông thư, cái đó mình đã chuẩn bị sẵn hết rồi, mình có thể đọc theo, cũng đâu cần phải tốn sức nhiều. Quý thầy, quý sư cô giáo thọ lớn thấy rằng có nhu cầu và muốn cho các vị trẻ đi ra, nhưng phải làm sao cho các vị trẻ có được niềm tự tin, thì chỉ có cách là cho thực tập, cho học thôi. Vậy những vị trẻ chắc chắn là phải học và thực tập. Ví dụ mình có những buổi pháp đàm bằng Tiếng Anh, nếu mình muốn nói Tiếng Anh được thì mình phải tham dự vào lớp đó để nói được tiếng anh. Mình muốn học chơi với các em nhỏ thì phải tham dự vào lớp children. Mình không thể nào mong đợi được tham dự việc này việc kia mà không có sự huấn luyện cho mình. Khi các vị lớn đã mở lớp rồi, tạo cơ hội để cho học mà mình không tham gia, thì chắc chắn là những vị lớn sẽ không đề cử vị ấy vì không có tập làm sao ra ngoài giúp được. Cho nên mình phải thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình. Ngày xưa gia đình Thầy muốn đi vượt biên, mà cha mẹ lại không cho Thầy đi học bơi vì nói là trong họ hàng Thầy hay có người chết đuối, Thầy cũng phải trốn đi học, vì mình thấy nhu cầu đó là cần thiết. Còn đây quý Thầy, quý Sư cô đã thấy nhu cầu đó, đã cho cơ hội đó rồi, vậy thì mình phải chụp lấy cơ hội đó chứ. Mình cần phải có sự chuẩn bị, sự huấn luyện. Khi mình xông pha ra như vậy thì mình cần phải có niềm tin, phải có Bồ Đề Tâm lớn và phải có tinh thần phụng sự. Cái đó sẽ giúp cho mình có hào hứng, thấy cuộc đời mình có ý nghĩa. Chắc chắn quý Thầy, quý Sư cô lớn rất mong muốn các vị trẻ dấn thân, và các vị trẻ cũng muốn có cơ hội, thì hai bên đã gặp nhau ở điểm đó. Bây giờ thì trung tâm mình đã có những lớp học, những buổi thuyết trình, những điều đó đều để tạo sự tự tin. Vậy thì mình chỉ cần theo thời khóa, theo các lớp đó thôi, từ từ mình sẽ thấy có kết quả rất lớn. BBT: Thưa Thầy, làm sao để có được tự do trong tâm, để khi nào cũng có được gương mặt luôn tươi vui được như Thầy? T.P. Khâm: Có một lần Thầy Pháp Đệ có hỏi là: “Thầy Pháp Khâm, tôi thấy Thầy làm việc cũng nhiều, khó khăn cũng có, mà sao tôi thấy Thầy vẫn vui? Thầy đừng có nói với tôi là Thầy có Bồ Đề Tâm, tôi biết chuyện đó rồi.”(cười). Thì Thầy đã trả lời là Thầy làm việc mà không cần có sự công nhận, có ai nhắc tới thì vui, không ai nhắc đến cũng không sao. Thầy thấy điều gì tốt, điều gì hay thì Thầy làm. Chính cái đó làm cho mình có sự sáng tạo. Đời sống hạnh Đầu Đà của ngài Trúc Lâm đi khắp đất nước để dạy dân mình thực hành thập thiện, đã tạo cho thầy niềm cảm hứng là một du tăng, không cần gì hết, chỉ cần có Bồ Đề Tâm thôi, thì nó tạo niềm vui như vậy. Không phải mình muốn đi để mở trung tâm, mà là đem sự thực tập đến cho họ, tạo được nguồn cảm hứng cho họ và chính họ sẽ xây dựng nên những trung tâm ấy. Họ có được niềm vui, hạnh phúc và chuyển hóa, chính những điều đó cho Thầy năng lượng để mà đi tiếp. Việc mở trung tâm hay không, không thành vấn đề, chỉ cần người ta tu tập có hạnh phúc thì đó là một phần thành công của mình, chỉ cần như vậy thôi. Là một người tu mình phải nhớ một điều rằng, mình có một quyền lực rất lớn. Quyền lực này là gì? Là có khả năng giúp người chuyển hóa. Phải ý thức được mình có quyền lực đó. Quyền lực này không phải là cái danh, lợi gì đâu. Nhờ sự tu tập của mình mà mình có thể giúp người chuyển hóa. Quyền lực đó rất lớn. BBT: Kính thưa Thầy, đường hướng của Sư Ông cũng như Tăng thân là đạo Phật dấn thân và đạo Phật đi vào cuộc sống… Nhưng ở trong chúng vẫn có một vài tâm thức muốn ở ẩn, chỉ tu trong chúng thôi và không muốn đi ra ngoài. Vậy Thầy có suy nghĩ gì về vấn đề đó? T.P. Khâm: Những vị đi tu từ bên Tây phương như Thầy, Thầy Pháp Ấn, Sư cô Thoại Nghiêm… , những vị đã có đi làm việc ở ngoài rồi, là những thế hệ đi trước, ngày xưa cũng đã từng sống ở Việt Nam, đã thấy những khổ đau, đã có nguyện giúp đời. Cái đó nó có thiệt, họ có lý tưởng rõ ràng đi vào để giúp đời, vậy nên mới bỏ chứ ai cũng có nghề nghiệp ở ngoài hết mà. Thế hệ bây giờ thì khác, hai mươi mấy tuổi, sinh ra trong hòa bình, không thấy chiến tranh, không thấy khổ đau, nhiều khi thấy đi tu vui, như vậy lý tưởng chưa được xác định rõ. Chưa chứ không phải là không. Vậy mình chỉ làm sao để khơi dậy được cái đó thôi. Cho nên Thầy mới nói tu đừng để cho sướng quá, không thôi những tiện nghi đó không cho mình thấy được khổ đau, và Bồ Đề Tâm của mình sẽ không được nuôi lớn. Phải tiếp xúc với khó khăn thì Bồ Đề Tâm mới lớn lên. Đa số anh em chúng mình ở đây còn trẻ thì phải thấy hạnh phúc trước đã, chứ thấy khổ đau nhiều quá chịu không nổi. Vậy nên với người trẻ phải cho hạnh phúc trước đã, khổ đau sẽ tự đến thôi, ăn thua là mình biết cách chuyển hóa khổ đau thôi à. Ở đây mình chỉ mới bắt đầu, sau này sẽ có chương trình giúp cho thiền sinh tới, sẽ có dịp để lắng nghe, tiếp xúc với họ, nói chung tinh thần của trung tâm tu học là vậy đó. Mình phải tiếp xúc với cư sĩ, mới thấy được những niềm đau, nổi khổ của họ. Mình ở đây cái gì cũng được lo hết rồi từ điện, nước, thức ăn…nhưng mà người ở ngoài họ đâu có được lo đâu. Nội cái chuyện kiếm tiền để trả điện, nước… cũng đã là một nỗi khổ của họ rồi. Có nhiều khi họ không biết sống hạnh phúc, cộng với những điều như vậy cũng khiến họ cãi nhau. Mình có trải qua những cái đó không? Mình là tu sĩ, mình phải biết thực tế, lâu lâu mình cũng phải đi thăm những nhà tù, trại mồ côi, mình phải tiếp xúc với những điều xảy ra trong cuộc sống, mới thấy đúng là chúng ta rất có phước, mình phải thấy như vậy mới được. Mình có đủ sức, đủ phước đức để đón nhận những cái đó hay không? Cư sĩ họ đâu có đòi hỏi mình phải làm việc cực khổ đâu, họ chỉ nói: “Quý Thầy, quý Sư cô cứ tu đi, cứ để chúng tôi lo hết, quý vị đừng bận tâm về vấn đề tài chính. Qúy vị cứ lo phát triển pháp môn, tu tập hạnh phúc là chúng tôi có nơi để quay về nương tựa”. Vậy các Thầy, các Sư cô phải làm sao có dịp tiếp xúc và dùng những hoa trái của sự tu học để giúp đỡ những vị về đây tu học với mình, họ về được vài ngày  nhưng rất hạnh phúc. Nếu trong chúng mình còn những tâm thức đó là do chưa biết cách thôi. Khi có hạnh phúc rồi, mình làm ra ngân hàng hạnh phúc, thì hãy làm sao để chia sẽ được ngân hàng hạnh phúc đó cho những người còn đau khổ. Mình có cách chứ không phải không. Thầy đi tổ chức khóa tu tại Manila, mình thì ở khách sạn, còn trước khách sạn thì có gia đình đi lượm rác, ngay trước vịnh Manila. Mình có thể ăn một bữa ăn đầy đủ, nhưng ngay trước mặt, chỉ cần bước qua đường thôi, thì người ta đang bốc rác. Những hình ảnh đó như thế nào? Đánh động mình ra sao? Mình đâu có thể lơ là được. Đâu có thể nói mình chỉ đi làm việc, mà mình phải đi thăm những nhà nghèo, xem họ sống ra sao. Chúng ta phải tổ chức những chuyến như thế, phải đánh động Bồ Đề Tâm của mình. Nếu nói về những khó khăn của mình thì nó ít lắm, tuy phải đi tổ chức khóa tu, làm việc này việc nọ, nhưng so với những người ở ngoài không có vất vả bao nhiêu. Ở Phillipin họ nghèo đến nỗi không có tiền để mua một chai dầu gội đầu và họ chỉ mua được những bịch nhỏ thôi, nếu mua cho một tuần họ cũng không đủ tiền mà chỉ mua được từng ngày. Chúng mình cần có những buổi thực tế như vậy. BBT: Thưa Thầy, người tu trẻ rất là năng động nên nhiều khi sinh hoạt với nhau mình đi quá mức hình ảnh của người tu, làm thế nào để khi tu học mình vừa giữ được niềm tin cho người cư sĩ, vừa vẫn là người tu trẻ năng động? T.P Khâm: Như Thầy đã chia sẻ, mình cần có một sân chơi, mình gọi là “sân cát” để cho chúng mình chơi, nhưng sân chơi đó cần được xem xét và chịu trách nhiệm bởi người lớn. Người trẻ thì ham vui, mặc dù mình là người tu nhưng nhiều khi nói chuyện mình vẫn nói lớn, cười lớn thì khi đó những vị cư sĩ có thể thấy. Mình không có giấu những cái đó, vì mình là con người mà, nhưng khi chơi thì cái hình ảnh mình phải được giữ. Người tu mình phải có văn hóa của người tu, vậy người tu trẻ mình phải ý thức được điều đó. Hình ảnh của người tu là hình ảnh những vị đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, vào ra cười nói tướng đoan nghiêm, chỉ cần nhớ điều đó thôi là đủ rồi, nó sẽ phòng hộ không để đánh mất mình khi vui quá. Nhưng cũng đừng tự trách nhiều quá, vì người trẻ thì phải cho mình cơ hội lầm lỗi, nhưng có điều là khi lầm lỗi phải biết để mà sửa. Đơn giản như vậy thôi. Thầy rất ngại là nhiều người trẻ vì sợ mình lầm lỗi mà không chịu làm gì, thì điều này còn nguy hiểm hơn là làm mà có lỗi, vì người trẻ làm cái gì cũng sợ lầm lỗi thì không làm được cái gì hết. Vậy những vị có trách nhiệm làm sao tạo được một sân chơi mà nếu có làm sai thì nó cũng không ảnh hưởng nhiều, và phải tạo ra môi trường cho các vị trẻ được lầm lỗi, vì nếu không lầm lỗi thì không có học được kinh nghiệm, người có kinh nghiệm là người tạo ra nhiều lầm lỗi và họ học được kinh nghiệm qua lỗi lầm của họ. BBT: Thưa Thầy, Thầy có muốn gửi gắm gì cho người xuất sĩ trẻ qua buổi ngồi chơi hôm nay không ạ? T.P Khâm: Thì tuổi các sư em đang còn trẻ, giống như Thầy qua Mỹ năm Thầy mười tám tuổi vậy. Khi đó Thầy vào đại học cộng đồng, sau đó là đại học bốn năm, rồi Thầy học tiếp, vậy nên người trẻ là phải học. Có một câu nói: “Cái đầu là một điều rất uổng để mà phí phạm- The mind is a terrible thing to waste”, thầy thấy rất phí phạm khi tuổi trẻ mà mình không học, mình phải tìm hiểu, phải khám phá. Có những điều mà tuổi trẻ thì dễ học hơn. Như Trời Trong Sáng bây giờ học tiếng Thái, sau này học Tiếng Anh, giờ muốn học cái gì cũng dễ lắm. Đừng có sợ là mình lầm lỗi, làm sai, đừng có sợ mình thất bại. Nếu mình sợ thất bại mình sẽ không làm được gì hết, thất bại là mẹ thành công mà, phải thử. Khi trong chúng mình giao cho nhiệm vụ gì thì đừng có sợ chưa biết làm, nếu chưa biết thì Tăng thân sẽ đào tạo. Tu học, chơi hay làm cái gì thì hãy lấy sự thanh thản đừng có mong kết quả. Tất nhiên có mặt là đã đóng góp rồi. Từ từ mình sẽ học thôi. Thầy tiếp xúc với Tăng thân, với pháp môn cũng đã hai mươi sáu, hai mươi bảy năm rồi, thấy có kết quả. Học là phải áp dụng, đừng học theo kiểu lấy kiến thức. Ở tăng thân mình là kiểu học có áp dụng, trong vòng hai năm thôi. Học theo kiểu này, tu theo kiểu này sẽ có tiến bộ nhiều lắm. Mình sẽ xây dựng trung tâm ở đây chứ ha. BBT: Chúng con kính cám ơn thầy vì những gì thầy đã hết lòng chia sẻ cùng chúng con hôm nay. *
https://159.223.73.115/