BIỂN VÀ MÂY

Tối nay ba chị em bận rộn thức khuya để chuẩn bị cho chuyến đi biển vào sáng mai, không nói ra nhưng ai cũng biết trong lòng mọi người đều đang náo nức. Sư em Hạt Mít hỏi: “Thưa sư mẹ, con sẽ mặc cái áo này bên ngoài khi tắm biển được không ạ?”. Vừa nói sư em vừa mặc vào người cái áo thun nâu. “Dĩ nhiên được chứ, kín đáo lắm”. Sư mẹ Thảnh Thơi nhìn em cười hiền. Sư em Lãng Tử lúc nào cũng rứa, lặng lẽ là khí chất của em, tuy không lên tiếng nhưng cũng mặc áo vào người rồi nhìn mọi người cười như thầm hỏi:“được không?”. Thảnh Thơi hạnh phúc lắm khi được ở chung phòng với hai sư em. Sư em Hạt Mít tuy đã lớn rồi nhưng mỗi khi đi đâu về em thường ôm con chó bông của mình, em còn thắt nơ cho nó nữa. Còn sư em Lãng Tử thì rất yêu thiên nhiên và thích đi rừng, mỗi lần vào rừng là em mang về rất nhiều lan rừng treo đầy ngoài hiên khiến sư cô Đu Đủ ở phòng đối diện tha hồ mà chăm sóc.

Ban tổ chức thông báo chuyến đi biển sẽ khởi hành vào lúc bốn giờ sáng nhưng gần năm giờ xe mới bắt đầu lăn bánh. Mọi người vẫn còn mệt và ngây ngủ, xe chạy không lâu thì tất cả đã ngủ gà ngủ gật. Thảnh Thơi nhìn quanh thấy đa số các sư cô còn rất trẻ chỉ có vài vị lớn tuổi thôi. Thảnh Thơi tự nhiên thấy trong lòng thương đại chúng thật nhiều, nhủ thầm trong bụng: “Mong cho chuyến đi biển này có nhiều tốt đẹp”.

“Đến rồi, đẹp quá! Xe cũng đi nhanh nhỉ!”“Ô biển kia rồi!”. Hai bên đường là những hàng cây, xe quẹo vào cổng rồi đậu trước ngôi nhà nghỉ. Các sư cô ra đón phái đoàn, ban tổ chức đã chuẩn bị rất chu đáo. Tất cả sư cô giáo thọ ở chung một phòng có máy điều hòa, những VIP mà lị. Cơ hội được ở chung với nhau, Thảnh Thơi thấy vui vui. Các em giáo thọ trẻ rủ nhau ra biển tắm. Sư em Hạt Mít được ở chung phòng với nhiều sư cô trẻ khác nên miệng sư em cứ cười toe hạnh phúc. Sư em Ẩn Sĩ lúc nào em cũng có cái trầm lặng của mình. Còn Thảnh Thơi thì đợi trời mát hơn mới ra thăm biển.

Sư cô Linh Nghiêm cùng ba mẹ đến tham gia chơi biển với Tăng thân. Thảnh Thơi rất vui khi chào ba mẹ. Mẹ sư cô đang bệnh nên rất cần sự quan tâm chăm sóc của đại chúng. Thảnh Thơi nhớ trước đây, mẹ đã rất vui vẻ và hoạt bát, nhưng chỉ vì một cơn bệnh mà mẹ đã thay đổi hẳn. Chính vì vậy mà sư cô Linh Nghiêm rất lo lắng cho mẹ, mong muốn các thầy cô đến chơi với ba mẹ nhiều để mẹ được vui. Nhớ đến thời kỳ Bát Nhã gặp nạn, mẹ đã hết lòng giúp đỡ các thầy cô có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng khi sang Thái Lan. Nghĩa tình đó Tăng thân không sao quên được. Cầu mong mẹ vui lại như xưa. Nằm trong căn phòng mát lạnh, Thảnh Thơi ý thức rằng mình đang hạnh phúc lắm đây. Niềm biết ơn dâng tràn, tự nhiên thấy mình không ngủ được, Thảnh Thơi đứng dậy đi ra ngoài. Gặp một vài vị volunteer quen thuộc Thảnh Thơi mỉm cười vẩy tay chào họ. Cô Pi Noi và chồng cô đã đến, trông họ có vẻ bận rộn, hai vị lãnh trách nhiệm chăm sóc cho đại chúng. Không lâu các sư cô trẻ đi phát từng hộp bánh, rong biển cho từng người. Thảnh Thơi nghe nói những món quà đó là do hai vợ chồng cô Pi Noi đem đến. Cảm động nhất là hầu như mỗi ngày hai vợ chồng cô Pi Noi đều làm nước đá chanh xi-rô cho mọi người dùng.

Đi biển nhưng vẫn có thời khóa, nào là ngồi thiền, thiền hành rồi những trò chơi lớn, nhỏ, câu hỏi kiến thức… “Eo ơi! Đi chơi gì mà giống đi khóa tu quá zậy không biết!”. Có một vài vị đã cancel khi thấy thời khóa dày đặc. Nhưng vì cảm thấy rằng các em nhỏ cần sự có mặt của mình nên Thảnh Thơi đành phải “hy sinh” thời gian làm biếng ở nhà để đi làm biếng ở biển. Tuy rằng chương trình hơi nhiều nhưng hoạt động nào Thảnh Thơi cũng tham gia với nhóm, vì mình đã quen sống không tách chúng rồi.

Trước tiên là trò chơi lớn, trò chơi này có nhiều trò quá. Màn đầu là cả đội cùng nhau chuyền nước bằng cách thảy ra đằng sau bong bong nước cho người đồng đội chụp rồi cứ tiếp theo cho đến cuối hàng và bỏ vào thau, cuối cùng đội nào sẽ nhiều bong bóng nước nhất. Kế là hai người cùng ngậm chung một cọng mì Ý được sỏ qua một cái lon sprite và cùng đi đến vạch quy định, nhưng không được gãy nửa chừng, “Eo ơi! Khó quá!”. Vậy mà có nhiều cặp cũng làm được. Nhưng có thể nói trò cuối cùng là vui nhất, vì mình phải nằm lăn ra để cho cả đội mình đắp cát lên toàn cơ thể chỉ chừa có khuôn mặt thôi, còn mình thì giả bộ chết, gọi là trò “cái chết đẹp”. Thảnh Thơi nghĩ: “Chết đẹp là người chết phải cười trong khi nhắm mắt.” Thế là Thảnh Thơi cứ cười mỉm chi hoài. Hé mắt ra thấy có nhiều volunteer đang nhìn mình, Thảnh Thơi mỉm cười nhắm mắt lại. Trò chơi chết đẹp này dễ quá, chỉ cần đắp cát rất nhanh là có thể thắng, nhóm “chết” gần hết chỉ còn vài người sống sót để chôn những người còn lại, cuối cùng nhóm Thảnh Thơi thắng trò này.

 

Trò chơi lớn là trò chơi biểu hiện tinh thần đoàn kết của đồng đội rất cao. Chấm dứt trò chơi lớn, tất cả các nhóm cùng nhau nhảy xuống biển vì cả người ai cũng đầy cát. “Vui quá chừng!”. Trò chơi nào sư chị Linh Nghiêm cũng thâu hình trong máy để đem về cho Thầy xem. Thảnh Thơi thấy ban tổ chức rất có kinh nghiệm thiết kế trò chơi, vì trò chơi nào cũng rất nuôi dưỡng cho sức khỏe của thân và tâm. Buồn cười nhất là trò chơi tìm kho báu. Người chơi bị “hành hạ” quá chừng.

Nào là đau đầu để tìm đáp số, nào là phải đi xuyên qua những bụi gai rậm rạp, rồi đi trên những nhánh cây mọc trên bùn, đi không khéo thì rơi xuống sình như chơi, cuối cùng ra khỏi khu rừng ngập mặn còn bị xịt nước và bị rưới bột mì nữa. Những người cuối cùng ai cũng bị ướt và mặt mày dính đầy bột. Giờ chót ban tổ chức bị mọi người hăm he liệng xuống biển, sợ quá nên trốn luôn.

Ngày làm biếng, nơi này có nhiều chỗ để đi chơi. Nhóm đi núi, nhóm đi dạo chung quanh ngắm thắng cảnh đẹp, cũng có nhóm tò mò muốn vào rừng để tìm những con công, có đến năm mươi con công lận! Trời còn chưa sáng, Thảnh Thơi đã ra biển uống trà, ngồi thiền và ngắm mặt trời lên. Một số sư cô đã đi tắm biển từ bốn giờ sáng rồi.

Trên bầu trời, những cụm mây hồng đang lan tỏa, mặt trời cũng từ từ ló dạng, tạo nên một bức tranh thật huy hoàng trên mặt biển. Vùng biển Pranburi này buổi sáng sớm không có sóng nên mặt biển đứng yên như dừng hẳn lại. Thảnh Thơi đi chầm chậm xuống biển, đặt bàn chân mình lên mặt nước, ấm quá! Buổi sáng nước sạch và trong Thảnh Thơi không ngần ngại ngã mình trên mặt nước, nước biển đang thấm dần vào từng tế bào trong cơ thể. Câu thơ của thi sĩ Tế Hanh chợt về trên ý thức: “Tôi giang tay ôm nước vào lòng, sông mở nước ôm tôi vào dạ.” Thảnh Thơi muốn thế vào chữ “sông” thành chữ “biển”, “biển mở nước ôm mình vào dạ”. Nhắm nghiền đôi mắt, Thảnh Thơi buông thư toàn thân trên mặt nước, chỉ còn hơi thở và cảm giác mát rượi của biển. “Hạnh phúc biết bao!”.

Ánh nắng nhẹ nhàng rơi trên mặt biển, những con tàu đang qua lại từ xa. Tiếng các sư cô đang tập bơi bì bõm, Thảnh Thơi vẫn còn bồng bềnh trên mặt nước chiêm ngưỡng bầu trời với những cụm mây đang nhẹ bay. Mây đang ở trên trời và mây cũng đang ở dưới biển, mình đang ở trong biển và mình cũng đang ở trong mây.

Sáng nay đến phiên Thảnh Thơi hướng dẫn thiền hành và ngồi thiền trên biển. Thảnh Thơi yêu cầu đại chúng gửi năng lượng cầu an cho Thầy. Trong chuyến đi Đại Hàn, Thầy đã bị ngộ độc thức ăn và bị một cơn đau dữ dội tưởng chừng không qua khỏi. Nhờ Bụt Tổ gia hộ, Thầy đã vượt qua cơn đau để có thể tiếp tục đi Hồng Kông và Đức. Ở Hồng Kông, Thầy đã đỡ nhiều, bây giờ qua Đức Thầy bị đau lại. Nhìn mặt trời đang lấp ló sau vừng mây xám, Thảnh Thơi thầm cầu nguyện cho Thầy mau khỏe lại. Thầy nói rằng: “Thầy chưa bao giờ trải qua một cơn đau nào dữ dội như thế, tưởng chừng có thể chết đi”. Thầy đau như vậy mà còn ráng để đi cho pháp thoại hết khóa tu này đến khóa tu kia. Mình đang chơi đùa hạnh phúc còn Thầy đang đau nặng cũng ráng mà đi dạy, Thảnh Thơi cảm thấy đôi mắt mình ươn ướt. “Thở vào, Thầy ơi! con đang đi chơi cho Thầy đây. Dù chơi, con cũng sẽ chơi trong chánh niệm. Con sẽ không đánh mất mình trong khi chơi đâu.”

Trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt, có tiếng các thầy phía bên kia la lớn: “Nước dâng cao rồi các sư cô nên vào thôi!”. Thảnh Thơi cảm động khi thấy tình thương của các thầy dành cho các sư cô. Trong mấy ngày qua, các thầy và các sư cô không ai dám đến vùng biển của đối phương. Nhất là các thầy không bao giờ đi ngang qua hướng các sư cô. Thảnh Thơi thấy tình huynh đệ giữa hai bên thật trong sáng và lành mạnh. Dù rằng có nhiều trò chơi chung, nhưng các vị đều giữ gìn uy nghi rất nghiêm chỉnh.

Cuộc chơi nào cũng tàn, đến lúc phải về lại tu viện. Ngày cuối, đại chúng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người ở khách sạn đã nấu ăn cho mình và các vị volunteer đã tổ chức cho chuyến đi biển thật thành công. Cô quản lý cũng chia sẻ lời cám ơn của họ đối với quý thầy quý sư cô. Sự hiện diện của quý thầy quý sư cô đã đem lại sự bình an cho vùng này, nơi mà đã có nhiều chết chóc và khổ đau trong quá khứ. Trên đường về có một màn văn nghệ “sống” trên xe. Những danh ca của Xóm Trăng Tỏ có cơ hội trình diễn giọng ca oanh vàng của mình, Thảnh Thơi ngồi nghe các sư em hát mà thấy thương các sư em vô cùng! *

https://159.223.73.115/