BÁO HIẾU BA MẸ – CHÂN TRĂNG HUYỀN CHIẾU

Ngày xưa ở gia đình nọ, có một cô bé mới mười ba tuổi đã xin ba má cho cô được đi làm, vì cô biết gia đình của cô đang túng thiếu và gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian đó, cô bé đã nghỉ học và cô nghĩ: “Cô còn ba đứa em nữa cần được đi học, mà chỉ có ba mẹ của cô đi làm, ngày có ngày không, ngày nhiều ngày ít, cho nên cô đã xin ba má cho cô được đi làm”. Xin mãi xin hoài sao ba má vẫn không cho. Cô bé đến năn nỉ ba: Cho con được đi làm, sao không có ai cho con đi làm hết?”. Cho đến một ngày cô bé bị má la vì cứ xin hoài. Cô bé ngồi khóc, ba của cô nói rằng: “Thôi bay (tiếng Huế – ở đây đang chỉ mẹ cô bé) cho con nó đi, làm vài bữa rồi cũng đòi ở nhà chừ đó”. Tối đó, dì của cô bé bỗng nhiên qua nhà chơi, mẹ của cô đã thuật lại câu chuyện của cô bé cho dì nghe. Sau đó, dì đã kêu cô bé lại và nói: “Nếu con muốn đi làm thì ngày mai đi với dì”. Cô bé mừng rỡ, nhìn ba nhìn má xong rồi “dạ”. Đêm đó cô bé không ngủ được vì mừng quá, cô bé cứ nói thầm rằng: “Ngày mai mình sẽ được đi làm, được đi làm thiệt rồi!”

Sáng hôm sau, cô bé dậy trễ vì hồi đêm không ngủ được, dì đã qua kêu cô bé. Khi tỉnh dậy cô bé biết rằng, kể từ đây cô không còn được ngủ nướng nữa rồi, cô phải dậy sớm để đi làm, cô thấy chẳng ngần ngại gì cả vì được giúp ba mẹ một tay, được có trách nhiệm với các em vì cô là chị cả. Lúc nào đi làm về cô cũng được ba mẹ quan tâm và hỏi cô đi làm ra sao, có cực khổ không? Cô bé trả lời: “dạ, không. Con đi làm dễ lắm, con thấy vui nữa.” Ngày nào cũng thế, sáng đi tối về. Thường những lúc cô bé làm về trễ là ba má lấy ghế đem ra trước hiên ngồi đợi con về. Cô bé đi làm bằng xe đạp, về thấy vậy cô rất cảm động. Thương ba má cô bé chỉ mỉm cười và nói: “khi nào con lỡ về trễ, ba má cứ ngủ trước”. Thời gian hai năm trôi qua, cô bé đã lên mười lăm tuổi. Hai năm đó, cô có nhiều niềm vui, nhiều kỉ niệm khó quên đối với cô bé, gia đình cũng hạnh phúc và đầm ấm hơn, và các em của cô vẫn được đi học.

Năm mười lăm tuổi, đột nhiên gia đình của cô xảy ra chuyện, ba mẹ không còn hạnh phúc như trước nữa, ngày nào cũng cãi vã, thậm chí là đánh nhau một ngày không biết bao nhiêu lần. Cô bé buồn nhiều lắm. Mỗi khi đi làm về cô bé đều thấy má của mình bị thương tích, cô bé xót lắm, nghĩ mình phải làm sao đây? Cô bé không biết chuyện gì đã xảy ra cho gia đình của mình, ngày nào đi làm về cô cũng chứng kiến cảnh nhà cửa nát tan. Có nhiều khi chưa về đến nhà thì cô đã nghe hàng xóm bàn tán về chuyện gia đình mình. Cô bé cảm thấy xót thương khi mỗi lần hỏi “má bị sao vậy?” Cô bé bắt đầu suy nghĩ “mình phải làm sao đây, vì thấy ba đau khổ, mẹ cũng đau khổ và ngay cả chính cô bé cũng đau khổ?” Khi cô biết một sự thật là có người thứ ba xen vào hạnh phúc gia đình của mình, cô bé càng đau buồn, càng tuyệt vọng nhưng cô cũng nghĩ mình phải làm gì bây giờ cho đúng? Cô bé đi làm xong không muốn về nhà nữa, mà không về thì ba má sẽ đợi. Nhưng khi về nhà cô bé lại không chịu nổi không khí gia đình như vậy. Đầu óc cô bé rối bù, có nhiều khi cô muốn chết cho xong, hay là thành một người điên có khỏe hơn không? Đã nhiều lần cô bé muốn chết nhưng cô lại nghĩ đến ba mẹ. Cô nghĩ rằng: “Mẹ đã vậy rồi mà mình chết nữa thì mẹ sẽ sống ra sao?” Cô bé chọn cái chết để ba mẹ của cô nhìn lại. Nhưng cô vẫn phải đi làm vì trong gia đình chỉ còn mình cô bé là có việc làm. Nếu cô không đi làm thì lấy gì ăn bây giờ? Và ba của cô cũng đã bỏ đi. Ngày nào cô bé cũng gọi điện năn nỉ ba trở về với ba chị em và với má nữa. Cô bé nói hết lời và nước mắt của cô bé cũng đã rơi hết rồi. Cuối cùng ba cũng trở lại với cô bé, với hai em và với má. Mặc dù đã trở lại nhưng hai người vẫn khổ đau, cô bé lại không muốn như vậy. Nhưng cô bé vẫn không biết làm gì hết. Thời gian cứ trôi, mới đó cô bé đã lên mười sáu, cô bé vẫn đi làm và gia đình cô vẫn chỉ là sống cho qua ngày, vẫn có những cuộc cãi vã và đánh nhau ngầm trong gia đình. Cô bé đi làm xong càng không muốn đi về nhà, vì về nhà cô sẽ không chịu nổi khi thấy cả ba mẹ cô đều đau khổ. Cô bé khó xử khi phải nghe câu hỏi “con thích ở với ai?” Ai cô bé cũng thương hết và cô muốn ở với cả hai, cô không muốn xa ai hết. Cô cảm thấy lo lắng và xin được ở nhà một tháng. Ở nhà một tuần, ba má cô không có đánh nhau nhưng hay cãi nhau. Có một hôm cô bé không chịu nổi nữa nên đã nói rằng: “Bây giờ ba mẹ muốn chị em con sống sao đây? Sao ngày nào ba mẹ cũng cãi nhau hết rứa?” Xong rồi cô bé bỏ đến chùa. Cô bé đi không nói thêm lời nào hết, cô bé cũng không hiểu vì sao mình lại chạy đến chùa. Lần đầu tiên cô bé đặt chân bước vào cổng chùa, cô bé không cảm thấy sợ, cũng không thấy gì lo ngại. Cô bé cảm thấy bình an hẳn khi nghe thấy có tiếng thỉnh mõ và có người đang ngồi tụng kinh, cô bé tiến tới gần và ngồi xuống nghe kinh. Sau đó đột nhiên có một sư cô đi lại và mời cô bé dùng cơm. Cô bé cũng cảm thấy đói và vào ăn, ăn xong cô bé rửa chén bát và lau nhà. Kể từ đó cô bé ở luôn không về nhà nữa. Cô bé cảm thấy nơi đây có nhiều an lạc và đầu óc của cô được thư thái, không còn phải suy nghĩ gì nữa hết. Cô cũng đã mặc vào mình bộ đồ tu rồi, cứ vài ngày cô bé về nhà một lần, mà mỗi lần về chỉ có năm hay mười phút thôi. Ba má của cô thấy cô là hai hàng nước mắt chảy, cô bé thương ba má nhưng những hàng nước mắt đó đã không níu giữ được chân cô ở lại, cô liền đi về lại chùa. Thời gian đó cô thấy vui vì thấy ba má không còn đánh nhau hay cãi vã nữa, mà nhà của cô bé cũng rất gần chùa. Vậy là cô bé đã nghỉ làm.

 

Ở trong chùa, cô bé rất thích đọc, tụng những câu thần chú cúng ngọ và cúng thí. Thời gian ở chùa, cô bé được đi từ thiện nhiều chỗ như trại trẻ mồ côi, trại điên, khuyết tật, trại mù… đi rất nhiều. Trong thời gian đó, ba má của cô đang cùng nhau làm ăn nuôi gia đình, cũng quyết định đi xa làm ăn và để tránh người thứ 3 nên đã để em lại cho bà nội chăm sóc. Mới đó mà cô bé đã ở chùa được tám tháng và cô đã lên mười bảy tuổi rồi. Tuy ở chùa nhưng cô không hề có ý định đi xuất gia nhưng ngày nào cô cũng cầu nguyện cho gia đình cô được sống hạnh phúc trở lại và cho má của cô bớt đau khổ. Cô sẽ dùng cuộc đời tu tập hạnh phúc của cô để đổi lấy những khổ đau còn đang có nơi má của cô và cho ba của cô không còn làm nghề đánh cá nữa. Cô biết, làm nghề đó lấy đi biết bao sinh mạng đang sống. Cô bé không muốn sau này ba má của cô khổ vì nghiệp mà ba má của cô đang tạo ra này. Cô bé biết là vì các con cho nên ba má đã khổ nhiều rồi, cô bé không muốn vì miếng cơm manh áo cho các con mà ba má phải sát sanh. Cô bé biết, vì muốn cho các con như bạn như bè mà ba má phải tạo những nghiệp xấu. Nếu được như vậy, cô bé xin phát tâm đi xuất gia để mong sao đền đáp được công ơn của ba má. Cô bé nguyện đi tu để mang đến hạnh phúc cho ba má, đền đáp công ơn sinh thành, giúp ba má thấy được chính mình mà dừng lại. Thay vì cô bé chọn cái chết để cho ba má nhìn thấy mà dừng lại, thì cô bé có thể đi tu giúp ba má chuyển hóa, giúp ba má thấy sai mà dừng lại và cũng đền đáp được công ơn sinh thành của ba má. Sau tám tháng ở đó, cô bé đã lên Diệu Trạm xin tập sự xuất gia, cô bé tập sự được chín tháng. Trong thời gian chín tháng đó, cô bé đã nói chuyện được với ba má, viết thư cho ba má, nói ra tâm nguyện của cô bé. Sau chín tháng ở đó thực tập, cô bé đã được xét xuất gia. Khi biết tin, cô bé đã gọi điện báo cho ba má biết. Một tuần sau, cô bé hay tin ba má đã không còn làm nghề cá nữa mà đã chuyển qua đi làm củi, cô bé thấy rất vui.

Ngày cô bé đi xuất gia có ba má và dì cùng qua dự lễ xuất gia của cô bé. Ba của cô bé đã khác nhiều lắm, má cũng vậy. Ba má đã chuyển hóa rất nhiều nhờ những lời tâm sự và những lá thư của cô bé. Mỗi lần cô bé gửi thư về là ba má hạnh phúc, lúc nào cũng nói “con yên tâm nhé, ba má đã làm được rồi”. Đến nay cô bé đó đã trở thành một sư cô xuất gia được bảy tháng rồi. Cô bé cảm thấy hạnh phúc khi được xuất gia trong gia đình cây Mai Vàng và gia đình huyết thống của cô đã có rất nhiều sự chuyển hóa.

https://159.223.73.115/