BA KÍNH THƯƠNG

Ba ơi! Vu Lan tới rồi con không biết anh chị em nào trong Gia Đình Phật Tử của con sẽ cài hoa cho ba. Con nhớ hồi nhỏ chỉ có một lần con được đi dự lễ Vu Lan trong chùa với ba, nhưng mà ba ơi, sao mà lễ Vu Lan đó cứ còn mãi trong con. Con biết rằng buổi sáng ngày hôm đó con vẫn còn trong trường học. Lúc đó, cả lớp đang học môn văn nửa chừng, thì cô giáo bỗng dừng lại hỏi cả lớp con một câu: “Hôm nay là ngày lễ Vu Lan phải không?”. Ba à! Ba biết không? Câu hỏi của cô giáo làm cho con vui mỗi khi con nghĩ đến. Vì con nghĩ khi cô hỏi như vậy có nghĩa là cô còn nhớ đến ngày báo hiếu đối với hai đấng sinh thành của cô và cô cũng nhắc cho học sinh của mình biết hôm nay là ngày nhớ tưởng đến công ơn cha mẹ trong cuộc sống hiện thực. Cô giáo không hay biết câu hỏi đó đã nhắc nhở con mãi mãi nhớ đến ơn cha mẹ và có thể là cả lớp nữa. Ba biết không? Cô vừa hỏi xong câu hỏi đó rồi, cô lại hỏi: “Trong lớp ai theo đạo Phật, giơ tay lên?”. Con nhìn quanh thì thấy trong lớp các bạn sinh hoạt theo Phật giáo cũng đông thật. Cô hỏi xong thì cô nói: “Giờ thì các em có thể về làm một cái gì đó cho ba má vui lòng, còn các bạn theo Phật giáo thì về chùa để cùng làm lễ với gia đình!”. Cô giáo vừa dứt lời cả lớp liền đứng đậy chào cô rồi ra về. Thế là con chạy thẳng vào chùa để được dự lễ Vu Lan với mọi người trong chùa. Vào chùa, con liền kiếm ba để cùng sinh hoạt và làm lễ cùng mọi người. Lúc đó mọi người chưa làm lễ vì mới 8h30 nên tha hồ cho con nhìn anh chị đoàn sinh sinh hoạt. Khi tới giờ sinh hoạt, mọi người đang xếp hàng để bắt đầu làm lễ, con thỏ thẻ đến gần ba, ba dắt tay con và bắt chước làm theo mọi người. Ba ơi! Ba còn nhớ lúc cài bông hồng không ba? Con nhớ lúc đó con đứng trước ba. Có một anh đoàn sinh bưng một khay hoa hồng hai màu trắng và hồng, đi từ đầu hàng tới cuối hàng. Khi tới chỗ ba và con thì anh hỏi: “Bé còn mẹ cha không?”. Con chưa kịp trả lời câu hỏi thì nghe tiếng ba nói: “Xin cháu cho con bé hoa màu hồng!”. Anh ấy nói: “Ồ! Con của chú à!”, thế là anh cài cho con một bông hoa màu hồng. Cài hoa xong, con cảm ơn anh, rồi quay sang ba con nói: “Để em cài cho ba em cho!”, rồi ba lấy màu trắng. Ba ơi! Lúc đó ba còn nhớ con đã hỏi ba câu gì không? Con hỏi: “Tại sao ba cài hoa màu trắng mà không cài màu hồng hả ba?”. Ba đặt hai tay lên vai con rồi giải thích cho con hiểu là ba mất mẹ cha nên ba cài màu trắng. Màu trắng tượng trưng cho người con đã mất mẹ cha và người đó không còn được nuôi nấng trong bàn tay dịu hiền của ba mẹ nữa. Ba ơi! Ba biết không, ba nói tới đó thì con thấy mắt ba biểu hiện cái buồn mà lâu nay ba đã giữ trong lòng. Lúc đó con liền nói: “Con hiểu rồi thưa ba!”. Lúc đó con cảm tưởng ba rất nhớ bà nội, ông nội. Tuy là con chưa bao giờ biết mặt ông bà nội, nhưng con nghĩ ông bà nội là người rất dễ thương và hiền như ba vậy. Ba ơi! Con thấy tuy ba mồ côi như bao nhiêu người từ thuở nhỏ, nhưng ba là một người luôn tự đứng vững, chấp nhận và vượt qua trong cuộc sống đầy những khó khăn. Con thấy ba chăm anh chị em con rất kỹ. Ba đã lo cho anh chị em chúng con từng li từng tí. Nhiều lúc con đi học về là thấy ba làm việc trong nhà một cách lặng lẽ. Có một hôm đó con đi học về, thấy ba đang lau nhà, bé út ngồi nhõng nhẽo với má, (ngày đó má không khỏe), con liền bỏ chiếc cặp ở bên hông cửa và tới chỗ ba, con nói: “Để con lau cho ba!”. Ba nói: “Con đi cất đồ đi rồi thay đồ mới giúp ba được!”. Con đi liền đi cất đồ rồi đến giúp ba. Đang lau vậy, con liền quay sang trách bé út: “Em bé thấy ba lau nhà vậy mà không giúp ba gì hết, mười tuổi rồi chứ bộ vậy mà đi học cứ ngồi nhõng nhẽo với má hoài, xí ăn chiều xong là lo mà rửa bát đó”. Thế là bé út nói: “Chị làm có xíu đó mà chị cũng phân bua”. Rồi ba má lại còn nói thêm vào: Ừ thiệt đó, con lớn rồi chứ bộ, việc gì làm được thì cứ làm đi chứ nói làm chi”. Ba ơi! Những lời nói đó vào chùa rồi con mới thấm hơn, giờ nghĩ lại mắc cỡ thiệt đó ba à! Bé út nói đúng thiệt, làm mà còn phân bua thì đâu gọi là làm mà cũng không phải là giúp ba nữa chứ. Việc nào cũng như việc nào thôi, cũng là công việc đó. Vào chùa, con được dạy con phải tập buông bỏ ích kỷ, giận hờn và cái tâm phân biệt mọi thứ trong đời sống thì tâm con mới được tự do. Giờ thì con biết điều bé út nói cũng là bài học cho con. Ba ơi! Ba còn nhớ rằng con là đứa con đã làm cho ba má phải khổ vì những cái bệnh lặt vặt của con không? Con cảm tưởng rằng tháng nào ba cũng cõng con đi bệnh viện, có hôm ba đã cõng con đi khám ở nhà bác sĩ, bác sĩ hỏi: “Sao mà con cứ bệnh hoài vậy con, con bệnh như vậy là con làm khổ ba má con và ba má con phải cõng con đi đường xa nữa”. Bác sĩ vừa nói vừa cười nhìn con, con vẫn ngồi bên ba mà không đáp trả lại, biết rằng những cái bệnh nho nhỏ làm mất biết bao nhiêu thời gian của ba má. Ba má khổ cũng vì chúng con, bệnh cũng vì chúng con, thương chúng con mà phải chuốc lấy cái khổ về mình. Con nay thật sự không biết phải diễn tả sao nỗi công ơn đó của ba má dành cho chúng con. Con là người xuất gia chỉ biết tu tập để chuyển hóa những tập khí nhiều đời như hờn giận, ích kỷ… Biết rằng làm đẹp lại thân tâm con tức là làm đẹp thân tâm của tất cả mọi người trong nhà, cũng như con cháu sau này. Ba ơi! Ba biết không, viết tới đây lại làm con nhớ tới ông ở gần nhà của mình đó. Con nhớ khoảng một tuần sau khi vợ ông mất, ông bị con của ông không cho ông ở trong nhà nữa. Trước khi ông về lại dòng họ của ông, ông phải đối diện với cái mặc cảm tủi thân là ông bị những đứa con của chính ông bắt ông phải ra khỏi ngôi nhà mà bấy lâu nay ông hạnh phúc với vợ con. Bây giờ ông mới ý thức rằng những gì hạnh phúc hay khổ đau trong quá khứ giờ đã tan thành mây khói. Ông biết rằng con ông chỉ khoe cái tục lệ mà nhiều đời để lại, người nữ phải cưới chồng vì con gái là chủ gia đình và chính vợ ông phải giữ thời mẫu hệ đó nhiều lắm và rồi con cháu họ cũng ít học về đạo đức và biết nhiều về đời sống con người nhiều hơn. Ba ơi! Mới năm 2010 đây, con về nhà thì nghe kể về cậu Út cũng bị anh chị con cậu, nghĩa là anh chị theo phong tục của mợ là phải bắt buộc cậu rời khỏi nhà mà cậu đã sống bấy lâu nay. Biết rằng con không bao giờ tán thành phong tục mẫu hệ mù quáng đó. Cậu Út là người không biết phong tục mẫu hệ đó, nên cậu đã về nhà vợ với một cái tâm rất bình thường, cứ nghĩ rằng về nhà vợ là một cái rất tự nhiên của một giống nòi. Nhưng khi bị hành xử như vậy cậu rất khó chấp nhận. Một điều nữa là cậu không còn dòng họ nào nữa vì cậu chỉ có hai người chị ruột là bác Gái và má, nên con nghĩ cậu rất tủi thân khi phải chấp nhận những gì mà anh chị con của cậu nói và bắt cậu phải làm. Giờ cậu cũng phải chấp nhận rằng mình phải về nhà chị gái. Biết được chuyện, bác Gái liền tới nhà anh chị để nói chuyện, không biết bác nói gì mà anh chị liền đến xin lỗi cậu và đón cậu về lại. Nhưng con mong sao cậu sẽ được bình an với cuộc sống còn lại. Ba à! Con thật sự không chấp nhận những gì mà con người chúng ta hành xử với nhau một cách tàn nhẫn, như chiến tranh đó. Chiến tranh đã làm biết bao nhiêu em bé phải mồ côi cha mẹ. Các em đó không có được hơi ấm tình thương trong vòng tay của người mẹ, người cha. Ba ơi, con biết rằng con người chúng ta không thể nào trách nhau được khi họ có lỗi lầm, vì có cái gì đó ngăn chặn để họ không thấy rằng đó là điều không nên làm. Nhưng khi có một cái gì đó đánh động tới tâm họ để họ trở về lại với chính mình, thì lúc đó họ sẽ  thấy được những lầm lỗi của mình và làm những gì họ thấy là điều tốt đẹp cho đời. Và họ không bị lôi kéo theo tập tục lễ nghi mù mịt mà bấy lâu nay họ chạy theo một cách máy móc, như những anh chị con của cậu Út vậy đó. Anh chị đã không thấy được cậu Út chỉ là một người thợ hồ mà đã nuôi nấng, chăm lo cho anh chị học hành. Vậy mà anh chị đã bị cái gì đó che lấp đi những điều tốt đẹp như thế. Thật đáng thương cho anh chị. Cậu là một người rất dễ thương và hiền hậu như vậy mà anh chị không thấy được. Con mong sao những cái không tốt đẹp đó sẽ không còn tiếp tục xảy ra trong đời sống này. Con ý thức rằng ai cũng có lỗi lầm hết và không ai muốn mình là người không tốt đẹp trong đời sống này. Con thành kính biết ơn ba má đã sinh ra con, nuôi nấng con và cho con được gia nhập vào đoàn thể mà nhiều người ước cũng khó mà thành. Tội lỗi còn đó, Xin hãy xót thương cho nhau. Chỉ bày lối đi, hướng tốt Mà xóa bỏ tội lỗi ngàn đời, Để phá được địa ngục này. Con nguyện nhân loại cùng tìm được hướng đi như chư Bụt. *