ÂN TÌNH GỬI TRAO

Tôi thật may mắn được sống, tu tập và cống hiến một chút khả năng bé nhỏ của mình trên đất Thái Lan- quê hương thứ hai của tôi. Chính nơi đây đã nuôi tôi lớn lên trong đời sống tâm linh, người dân Thái cũng thân thiện, cởi mở, và chan hòa yêu thương như người dân Việt Nam vậy. Người mà tôi mang ơn và quý kính nhiều nhất là sư cô Linh Nghiêm – một sư cô người Thái, xuất gia theo truyền thống Làng Mai, trong gia đình cây Táo. Lần đầu tiên tôi gặp sư cô Linh Nghiêm là lúc tôi còn là tập sự ở Bát Nhã. Sư cô đã tháp tùng chuyến đi Việt Nam của Sư Ông trong năm 2008. Khi đó, tôi gặp sư cô trên đường về cư xá Mây Đầu Núi nên chỉ kịp xá chào. Sư Cô cũng chắp tay và chào lại tôi. Lúc đó tôi nghe sư cô nói: “Chào em!”. Tôi cứ ngỡ sư cô là người Việt, vì sư cô phát âm rất chuẩn. Mãi sau này, tôi mới nghe các sư chị nói sư cô Linh Nghiêm là người Thái. Sau biến cố của Bát Nhã, đại chúng được sư cô bảo lãnh qua Thái tạm trú một thời gian trước khi đi các trung tâm khác. Tôi cũng là một trong số đó. Nhưng nhân duyên đưa đẩy như thế nào mà nhóm đi Làng của chúng tôi (hơn hai mươi thầy, sư cô) được quyết định là cho ở lại Thái làm chúng thường trú để xây dựng Tăng thân ở đây. Trong một buổi tối ngồi họp để thông qua quyết định đó, mọi người ai cũng xôn xao bàn tán. Thực sự lúc đó, tôi phải thực tập trở về để chăm sóc cơn cảm xúc trong tôi. Bởi vì trong tôi luôn có một ước muốn, một ngày nào đó tôi sẽ được về Làng, về thăm đất Tổ, thăm quê nội. Hơn nữa, nhóm đi Làng đã làm xong giấy tờ, chỉ còn đợi visa nữa thôi. Nhưng cuộc đời thật vô thường, hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Đó là bài học mà tôi đã phải nghiệm lại trong đời sống tu tập của mình. Tôi đâu biết rằng, khi tôi ở lại đây, đất nước Thái và con người Thái đã dang rộng đôi tay ôm tôi vào lòng, chở che và nuôi dưỡng tôi trong gần bốn năm qua. Những ngày đầu tôi bập bẹ học tiếng Thái mới vất vả làm sao! Cô giáo người Thái tới dạy chúng tôi, nói toàn tiếng Anh và tiếng Thái. Tiếng Anh không biết, tiếng Thái nghe không hiểu, tôi tới lớp ngồi học mà cứ như vịt nghe sấm vậy. Tôi nản đến mức chỉ muốn buông bút xuống, chẳng muốn học hành gì cả. Rồi có một lần, tôi nghe sư cô Linh Nghiêm chia sẻ sư cô học tiếng Việt vì sư cô là đệ tử của sư Ông, muốn hiểu được Thầy mình và muốn nghe trực tiếp những gì mà Thầy truyền đạt bằng chính ngôn ngữ của Thầy. Là một sư cô lớn, phải lo nhiều việc trong chúng vậy mà sư cô luôn tạo cơ hội gần các sư em để học tiếng Việt. Tôi hiểu rằng khi mình muốn làm gì đó, mình phải có mục đích và biết rõ mình muốn làm gì, thì cái ước muốn đó mới trở thành động lực đẩy mình đi tới. Tôi mượn tạm mục đích của sư cô để làm mục tiêu cho mình học tiếng Thái. Sư cô thì muốn hiểu Thầy, muốn tiếp nhận trực tiếp những gì Thầy trao truyền. Còn tôi sống trên đất Thái, tôi muốn lắng nghe và hiểu được những niềm vui, hạnh phúc cũng như những nỗi khổ niềm đau của người Thái khi họ đến với Tăng thân bằng chính ngôn ngữ của họ. Và tôi cũng muốn trao truyền cho họ những gì mà tôi học được từ Tăng thân bằng tiếng Thái. Khi mục tiêu đã được hình thành, tôi bắt đầu nuôi lại ý thức là mình cần phải học tiếng Thái. Buổi chiều, trước giờ công phu, tôi ôm sách vở đến lớp học và ngồi thiền luôn. Sau thời khóa, tôi về lại phòng, mở sách vở ra tập đọc, tập viết. Tối nào cũng đọc ê, a mấy chữ tiếng Thái vừa học lúc chiều, rồi nằm dài ra sàn nhà tập viết. Đối với chữ Thái, tôi chẳng bao giờ dùng từ “viết” cả, tôi chỉ nghĩ là mình đang chơi với mấy con giun, con rắn… thôi. Tôi tập đồ theo sách in những nét ngang, nét dọc, đường cong, hình chữ o… Ngày qua ngày, sự kiên trì giúp tôi bắt đầu có cảm hứng để chơi với mấy “con giun” này. Bên cạnh những lời động viên của quý sư chị, sư em xung quanh, tôi bắt đầu có niềm tin rằng mình sẽ học được tiếng Thái. Rồi nhiều nhân duyên thuận lợi đến với tôi. Thời gian làm tri khách, tôi có nhiều cơ hội để thực tập nói tiếng Thái với những vị khách tới với Tăng thân. Lúc đầu tập nói, ai cũng cười và có lúc họ cũng không hiểu tôi nói gì. Tôi phải vận dụng hết những gì tôi học được, cộng với ngôn ngữ tay chân để giải thích cho họ hiểu nội dung tôi muốn chia sẻ. Ví dụ tôi muốn nói họ khi nghe chuông phải dừng lại, tôi lấy tay chỉ vào cái chuông rồi đưa tay lên tai với hàm ý là đang lắng nghe, sau đó tôi đứng nghiêm trang và nhắm mắt lại, đặt tay lên bụng theo dõi hơi thở. Vậy mà họ cũng hiểu và thực tập theo. Khi tôi bắt đầu học ngôn ngữ, tôi phải bỏ ra ngoài sự e ngại, sợ sệt, mắc cỡ nếu mình nói sai. Đến bây giờ, mặc dù tôi có thể nói chuyện với người Thái một cách lưu loát, nhưng tôi thấy mình vẫn còn nói sai và phải học thêm mỗi ngày. Khoảng thời gian tôi đào sâu vào tiếng Thái nhiều nhất là thời gian tôi làm thị giả cho sư cô. Trong ba tháng an cư, sư cô dành thời gian dạy các pháp môn căn bản bằng tiếng Thái cho các chị em và tôi cũng được đi theo học mỗi ngày. Sư cô cho mỗi người chọn một chủ đề thuyết trình. Sư cô ngồi lắng nghe và sửa cho chúng tôi từng chữ, từng câu văn, dạy cách dùng từ ngữ trong chùa cách dùng từ ngoài đời như thế nào. Về phòng, sư cô cũng tạo cơ hội cho tôi luyện nói tiếng Thái. Mỗi lần có điện thoại của các vị cư sĩ từ BangKok gọi tới, sư cô để tôi nhấc máy nói chuyện với họ, rồi ngồi một bên, dạy tôi phải trả lời thế nào. Sư cô rất thích nghe hát và thường bảo tôi hát nhạc Thái, rồi từ nào phát âm chưa đúng, tôi được dạy phát âm lại. Tình thương và tấm lòng luôn luôn muốn nâng đỡ các sư em của sư cô mà tôi cảm được khi sống chung giúp tôi sống bằng cả tình thương, lòng trân kính và biết ơn để đáp lại cái tình mà sư cô đã dành cho tôi và đại chúng. Mỗi ngày tôi càng cảm thấy sự có mặt của sư cô là cần thiết cho chị em tôi. Mỗi lần sư cô về lại Thái, tôi luôn muốn được gần gũi và chăm sóc. Bây giờ đối với tôi, sư cô như một người thân trong gia đình, có thể nói sư cô như người cha, người mẹ trong tôi. Khi nào có dịp nấu ăn cho sư cô, tôi cũng đặt hết lòng mình vào món ăn, mặc dù thức ăn tôi nấu ra cũng chẳng có gì đặc biệt, thậm chí còn không ngon bằng các sư chị, sư em khác nấu. Nhưng khi nào tôi cũng nói rằng: “Con nấu ăn không giỏi nhưng có nhiều gia vị thương yêu”. Tôi thấy sư cô có nhiều hạnh phúc và chẳng bao giờ chê thức ăn tôi nấu là dở hết. Sư Ông dạy: “Khi mình còn biết ơn là mình còn hạnh phúc”. Tôi luôn thắp sáng ý thức đó để tôi sống với những ân tình mà tôi đã và đang được nhận từ sư cô, từ người dân và đất nước Thái Lan. Tôi biết là mình phải nỗ lực tinh tiến hơn trong sự thực tập để chế tác năng lượng bình an, năng lượng vững chãi để mọi người yên tâm khi nghĩ về tôi. *
https://159.223.73.115/