VẶN NƯỚC

Nước là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định cho sự sống của con người và của muôn loài. Ngay như trong cơ thể của chúng ta, nước đã chiếm tới hơn 70%. Chúng ta có thể nhịn ăn, nhưng rõ ràng là không thể nào chịu khát. Mỗi khi đọc bài thi kệ này, làm con nhớ rất nhiều về hình ảnh tuổi thơ với bao nhiêu niềm biết ơn và trân quý. Con sinh ra và lớn lên trên vùng sông nước của Châu Thổ hạ lưu sông Mê Kông hay còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Vào những mùa nước lũ, nhìn bao quát xung quanh thấy đâu cũng toàn là nước, ấy vậy mà nếu không biết tính toán và không nhờ vào đôi vai gầy khuỷu của Ba, thì chuyện không có nước uống vẫn như chơi. Vì nước ở đây là nước sạch có thể sử dụng được, còn nước lũ xung quanh nhà phần lớn thì rất ô nhiễm. Hồi đó, ở quê con chưa có đào cây nước hay nước máy như bây giờ, đời sống thì vẫn còn rất lạc hậu và nghèo khó, bao nhiêu sinh hoạt đều trút thác xuống cho dòng sông quê. Ngày xưa, nhà nào cũng có máng xối và cả chục cái lu, cái khạp để hứng và chứa nước mưa, ngoài ra Ba con cũng phải đi gánh nước dưới sông lớn về để có thể đủ cho sinh hoạt. Những năm hạn, trời ít mưa thì phải sử dụng luôn nước dưới sông, lóng phèn cho đỡ đục và đun sôi để uống. Lúc đó, tụi con còn nhỏ có biết gì để giúp cho Ba đâu. Rồi những hôm ba bệnh không thể gánh nước được thì phải đi thuê người. Ở trong xóm lao động nghèo này có một người phụ nữ tên là dì Câm, chuyên sống bằng nghề gánh nước, con hay gọi là “bà Câm” – bà không chồng không con. Ấy mà với cái nghề gánh nước mướn, bà đã tự nuôi sống được cho bản thân và còn lo được cho ba mẹ già. Viết đến đây, tự nhiên con thấy bản thân mình vẫn còn nhiều phước báu và may mắn trong cuộc sống, vì so với các trẻ em ở Ấn Độ hay các vùng Châu Phi nắng hạn thì đó quả là một thiên đàng rồi. Thuở nhỏ, khi nhìn về con sông quê, con cũng hay tự hỏi:   “Nước ơi nước đến từ đâu? Mà sao nước lớn ròng tuôn chảy        Làm lòng ta đêm ngày luôn khắc khoải       Những hẹn hò với bến nước dòng sông.”   Thời gian lớn lên con hiểu được nước từ nguồn suối cao, nước từ lòng đất sâu. Khi biết thực tập với pháp môn, con lại vỡ òa ra vì còn biết rộng hơn nữa, làn nước đến từ mây từ mưa, từ gió, từ ánh nắng mặt trời làm lung linh và xuyên qua các đại dương xanh thẳm. Ngạc nhiên hơn nữa là nước cũng đến từ con… Trong dòng chảy từ những nguồn suối cao, nước đã làm biểu hiện biết bao là ghềnh thác hùng vĩ, nuôi lớn những cánh rừng xanh bất tận, hay dung chứa biết bao loài động vật từ cá, tôm đến các loại tảo và cả rong rêu… Nước đã tạo ra dòng sông, hình thành nên các xóm làng, và lưu dấu ấn lại bằng các nên văn minh cổ bất hữu cho cả nhân loại như văn minh sông Hằng, văn minh sông Amazon… Nước đã cho ra đời những nhà máy thủy điện, tạo ra nguồn điện năng cho cuộc sống này. Nhìn vào màn chiếu để nghe pháp thoại, mở công tắc điện, đâu đâu con cũng thấy được dòng chảy của nước. Như ở tại mảnh đất này để cho nước được biểu hiện bằng hình tướng rõ ràng, thì chúng ta cũng đã phải hy sinh và mất mát rất nhiều công sức. Chỉ cần một phép thần thông nhỏ vặn cái vòi là nước sẽ ào ạt tuôn chảy, nhưng nhìn cho sâu chúng ta thử hỏi rằng có dễ như vậy hay không? Con nhớ trước khi xây dựng tu viện, quý Thầy cũng rất lo vì chuyện tính toán tìm nguồn nước, sau đó bỏ biết bao công sức để khoan dò, và khi có nước thì các huynh đệ phải kéo hệ thống đường ống, đặt máy bơm sử dụng máy trợ lực… để nước được dùng thoải mái như bây giờ. Tất cả là trùng trùng của những nhân duyên, nương vào nhau và cùng yểm trợ cho nhau để được biểu hiện. Cái thấy về Duyên Khởi nuôi lớn lòng biết ơn trong con và niềm biết ơn đó luôn thôi thúc con phải ý thức sống có chánh niệm để xứng đáng là người sử dụng hữu ích nguồn tài nguyên thiên nhiên đó. Dù đi tắm, giặt giũ, cho đến việc đổ một thau nước rửa dọn, uống một ly nước mát, con biết rằng tất cả những việc làm nhỏ đó nếu được thắp sáng bằng những hành động tỉnh thức thì phẩm chất tu học của con sẽ được vun đắp và đi lên. *
https://159.223.73.115/