Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai – là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà thơ, một nhà hoạt động cho hòa bình và được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm và về hòa bình. Mục sư Martin Luther King từng gọi Thiền sư là “một tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong đem đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm, đến với xã hội Tây phương và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI. Sinh năm 1926 tại miền Trung Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia ở tuổi 16 tại chùa Từ Hiếu, cố đô Huế. Vào đầu những năm 50, khi còn là một tỳ kheo trẻ, Thiền sư đã tích cực dấn thân trong phong trào làm mới đạo Bụt. Người là một trong những tu sĩ Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tìm học thêm những môn tân học tại các trường đại học ở Sài Gòn và cũng là một trong những tu sĩ đầu tiên đạp xe đạp trên đường phố vào thời bấy giờ.

Hoạt động xã hội trong bối cảnh chiến tranh

Hoạt động xã hội trong bối cảnh chiến tranh

Khi chiến tranh xảy ra tại Việt Nam, các tu sĩ Phật giáo buộc phải đối diện với câu hỏi là nên tiếp tục tu tập trong chùa hay là ra ngoài giúp những người dân đang gánh chịu khổ đau vì bom rơi và sự tàn phá của chiến tranh. Thiền sư là một trong những người chọn làm cả hai. Người đã khởi xướng phong trào Đạo Bụt Dấn thân và kể từ đó, dành trọn cuộc đời mình để tu tập, giảng dạy giúp mọi người lấy sự chuyển hóa tự thân làm nền tảng cho hạnh phúc của cá nhân và cả xã hội.

Năm 1961, Thiền sư rời Việt Nam sang Mỹ để nghiên cứu về đề tài “Tôn giáo học so sánh” (Comparative Religion) tại đại học Princeton, sau đó giảng dạy và nghiên cứu về đạo Bụt tại đại học Columbia. Khi về lại Việt Nam vào đầu những năm 60, Thiền sư đã thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, nhà xuất bản Lá Bối, tuần san Hải Triều Âm và Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã hội – một tổ chức hỗ trợ tái thiết nông thôn với mười ngàn tác viên, hoạt động dựa trên nguyên tắc bất bạo động và từ bi của đạo Bụt. Ngoài ra, Người còn thành lập Dòng tu Tiếp Hiện dành cho cả tu sĩ và cư sĩ Phật giáo vào năm 1966, với tinh thần đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Thiền tập không phải là để lẩn tránh cuộc đời, mà là để trở về với chính mình và nhìn sâu vào những gì đang xảy ra. Một khi đã thấy được gốc rễ của khổ đau, ta sẽ có động lực để hành động. Có chánh niệm, ta sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì để có thể đem lại sự thay đổi.

Ngày 1.5.1966, Người được thầy bổn sư – Thiền sư Thích Chân Thật – truyền đăng phú pháp tại chùa Từ Hiếu với bài kệ truyền đăng:

Nhất hướng phùng xuân đắc kiện hành

Hành đương vô niệm diệc vô tranh

Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây khả tự thành.

Rời Việt Nam đi kêu gọi hòa bình

Rời Việt Nam đi kêu gọi hòa bình

Một vài tháng sau đó, Thiền sư một lần nữa phải rời quê hương sang Mỹ và du thuyết tại nhiều nước châu Âu để kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Cũng chính trong chuyến đi vào năm 1966 này, Thiền sư lần đầu tiên gặp gỡ Mục sư Martin Luther King, để rồi năm 1967, Mục sư King đã đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên nỗ lực kêu gọi hòa bình của Thiền sư đã không làm hài lòng nhà cầm quyền Việt Nam thời bấy giờ, vì vậy Người không được phép về lại quê hương trong suốt 39 năm sau đó. Dù phải sống cuộc đời lưu vong, Thiền sư vẫn không ngừng đi khắp các nước để nói lên ước vọng hòa bình của người dân Việt và vận động các nhà lãnh đạo Tây phương lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Thiền sư cũng là người dẫn đầu Phái đoàn Phật Giáo tại Hội nghị hòa bình Paris năm 1969.

Thành lập Làng Mai tại Pháp

Thành lập Làng Mai tại Pháp

Trong thời gian vận động hòa bình cho Việt Nam, Thiền sư vẫn tiếp tục công việc viết lách, giảng dạy về nghệ thuật sống chánh niệm và chế tác bình an. Đầu những năm 70, Thiền sư vừa nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Phật giáo Việt Nam tại đại học Sorbonne, Paris. Năm 1975, Người thành lập một cộng đồng tu học gần Paris có tên là Phương Vân Am. Đến năm 1982, Phương Vân Am trở nên quá nhỏ cho số người muốn đến tu học, vì vậy tăng thân đã chuyển đến một địa điểm mới ở vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp. Nơi này về sau có tên là Làng Mai. Dưới sự hướng dẫn tâm linh của Thiền sư, từ một nông trại nhỏ, Làng Mai nay đã trở thành một tu viện Phật giáo lớn nhất và phát triển năng động nhất ở châu Âu, với hơn 200 xuất sĩ thường trú và hơn 10 ngàn thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới tìm đến Làng Mai mỗi năm để học “nghệ thuật sống chánh niệm”. Thiền sinh – đủ mọi lứa tuổi, quốc gia, tôn giáo – khi về Làng đều được hướng dẫn cách thực tập thiền tọa, thiền hành, thiền ăn, thiền buông thư, thiền làm việc, học cách dừng lại, mỉm cười và trở về với hơi thở. Dựa trên những giáo lý căn bản của đạo Bụt, các phương pháp thực tập này đã được Thiền sư khai triển và làm cho dễ ứng dụng vào đời sống hàng ngày, đáp ứng được những khó khăn, thách thức của thời đại. Tính đến nay, đã có hơn 100.000 người tiếp nhận và hành trì theo Năm giới quý báu mà Thiền sư đã làm mới lại dựa trên Năm giới truyền thống. Theo Thiền sư, Năm giới tân tu này là đóng góp của đạo Bụt cho một nền đạo đức toàn cầu.

Thiền sư đã có những buổi chia sẻ về chánh niệm tại Quốc hội các nước như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ireland, Ấn Độ và Thái Lan. Tại Hội nghị Tôn giáo thế giới được tổ chức tại Melbourne, Úc (năm 2009), cũng như tại Hội nghị của UNESCO tại Paris (năm 2006), Thiền sư đã lên tiếng kêu gọi thế giới cần có những hành động cụ thể để thay đổi tình trạng bạo động, chiến tranh và biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong chuyến hoằng pháp tại Mỹ năm 2013, Thiền sư đã có những buổi hướng dẫn về thực tập chánh niệm tại trụ sở của Google, Ngân hàng thế giới và Đại học Y tế Cộng đồng của Harvard. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2014, sau nhiều tháng suy yếu về sức khỏe, Thiền sư đã bị xuất huyết não khá nghiêm trọng. Dù chưa nói lại được và gần như bị liệt nửa người phía bên phải, Thiền sư vẫn tiếp tục nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho các đệ tử – cả xuất sĩ lẫn cư sĩ – bằng sự có mặt đầy bình an, tĩnh lặng và ý chí dũng mãnh của Người. Thiền sư đã về lại Tổ đình Từ Hiếu – nơi Người bắt đầu con đường xuất gia tu học ở tuổi 16, và bày tỏ mong muốn ở lại nơi đây trong những ngày còn lại của cuộc đời mình. Dù ngồi trên xe lăn, Thiền sư vẫn thường đi dạo quanh khuôn viên Tổ đình, thăm chánh điện, tháp Tổ hay dẫn đại chúng đi thiền hành quanh hồ bán nguyệt. Sự trở về chốn tổ Từ Hiếu của Người là một tiếng chuông chánh niệm, nhắc cho chúng ta nhớ rằng có một gốc rễ tâm linh sâu dày là một điều rất quý giá. Dù đã từng tham dự một khoá tu, hay đơn giản là đọc một cuốn sách của Thiền sư, hoặc nghe một bài pháp thoại và được đánh động bởi những lời dạy của Người, chúng ta đang được kết nối với dòng chảy tuệ giác và từ bi nơi Tổ đình Từ Hiếu.

Tiểu Sử

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Để biết thêm chi tiết

Để biết thêm chi tiết

Thơ nhạc

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Để biết thêm chi tiết

Để biết thêm chi tiết

Báo chí, phỏng vấn và sự kiện 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Để biết thêm chi tiết

Để biết thêm chi tiết

Lễ Tâm tang

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Để biết thêm chi tiết

Để biết thêm chi tiết

Kết nối với làng mai thái lan