THIỀN ĐƯỜNG VÁCH NÚI

THIỀN ĐƯỜNG VÁCH NÚI Đại chúng chỉ lên ở nhà mới trước khi Sư Ông về có 5 ngày. Cũng may là có điện và nước vừa đủ để sinh hoạt. Tăng và Ni xá vẫn còn nhiều công đoạn chưa hoàn thành. Nhưng tinh thần tu học của đại chúng thì vẫn cao ngất như vốn có, lại thêm duyên lớn hội ngộ quý thầy từ các tu viện bốn phương về đây. Như Sư Ông hay nói vui với huynh đệ khi thấy quí thầy ngồi chơi với nhau: “Quần hùng hội ngộ”. Sư Ông ví mỗi người tu là một anh hùng trên con đường chuyển hóa, để nhắc học trò nhìn ra cái chất đại trượng phu của mình. Khi xây dựng thời khóa monastic cho tháng 4, chưa có một mái nhà lớn cho tất cả mọi người ngồi thiền. Căn nhà tranh duy nhất dựng tạm bên nhà bếp cũng chỉ tạm thời đủ chổ để tổ chức be-in hay thiền trà. Cuối cùng thì chúng đã kết hợp thiền đi với thiền ngồi. Sư Ông dẫn đại chúng thiền đi mỗi buổi sớm mai khi vừa thấy con đường để bước, và ngồi thiền ở ngoài trời. Sư Ông gọi là Thiền Đường Vách Núi. Nơi ấy có chổ ngồi cho tất cả mọi người. Hai lưng là vách núi, phía trước là một gờ núi đá che hết tầm nhìn, lối có thể đi ra là một rừng cây keo. Khi ngồi trong Thiền Đường Vách Núi, ta có cảm giác như thiên nhiên ôm lấy mình tách hẳn ra khỏi thế giới bên ngoài. Nếu có một người đang du sơn ngoạn cảnh gần đó, không biết trước thì không thể phát hiện được một số lượng lớn người như vậy đang ngồi yên trong Thiền Đường Vách Núi. Ở Thiền Đường Vách Núi là khoảng khắc thiên đường cho tất mọi người. Định lực hùng hậu của Sư Ông và đại chúng tỏa ra, quyện lại thấm nhuần vào mọi người, cỏ cây và muông thú. Một bầu không khí, một quang cảnh bất động, an nhiên, trầm mặc và hùng tráng. Nhưng vẫn không kém chất thơ, sinh động. Đoàn người đến rất nhẹ nhàng, không làm thức giấc chim chóc và hoa lá. Ngồi xuống trời vẫn chưa sáng để có thể nhìn rõ mặt nhau, ánh sáng sẽ tăng dần cho đến khi ông mặt trời vừa mọc là đại chúng đứng dậy tập 10 động tác chánh niệm và tiếp tục đi thiền hành trở về cư xá. Mọi người với bóng áo nâu trầm, ngồi xen lẫn vào những thân cây nhỏ, nhìn từ xa sẽ thấy thấp thoáng huyền mặc, có cảm giác mỗi bụi cây nhỏ ấy cũng đang ngồi thiền như quý thầy quý sư cô vậy. Khi đã an vị cũng là khi Sư Ông thỉnh lên ba tiếng chuông nhỏ như thu cả thinh không về một mối. Tĩnh lặng! Chim chóc bắt đầu hót ca, mấy con sóc chạy ra chơi, có chú sóc bạch rất đẹp đến thật gần quý thầy quý sư cô rồi lại chạy đi. Lắng tai nghe có thể đếm được trên 10 giọng chim hót khác nhau. Thời Bụt, chắc chắn quý thầy cũng đã ngồi giữa thiên nhiên như thế này, giữa tiếng nhạc rừng êm dịu. Bài hòa tấu nhạc chim, với tiếng sóc “tóc tóc” cộng tiếng côn trùng… làm thành bài hòa tấu thiên nhiên không những không ồn ào mà còn như một bản nhạc nền cho cảnh trầm hùng đi vào thiên thu bất tận. Đi về trong bình minh rực rỡ, cây lá xanh tươi và mỗi cõi lòng rực sáng. CHẤP TÁC ĐẤT MỚI Trước tết, đại chúng ở đất cũ chia thành bốn nhóm lần lượt lên đất mới chấp tác chuẩn bị cho chuyến về Thái Lan của Sư Ông và tăng đoàn. Hai nhà vệ sinh tạm vách tôn, được quý thầy cấp tốc làm nên. Và suốt trong mấy tháng thật sự là hai nơi hạnh phúc cho quý thầy và quý sư cô. “Tường thành” ngăn cách của hai bên là đám cỏ cây dày đặc chằng chịt mà mình cố ý không dọn dẹp. Mình ở trong những cái lều vải du lịch. Đơn giản nhất mà cũng là hạnh phúc nhất. Mình đã hạnh phúc lớn khi ở nhà tranh, bởi vì ý thức được sau này biết có khi nào có thể được ở nhà tranh như vậy. Mình biết sẽ rất thích khi ở nhà xây, trên đất mới. Còn giờ thì là khoảng thời gian hiếm hoi mình tận hưởng những căn lều vải này, dẫu có lúc mưa gió ướt nhem, nắng lên phải đi phơi cho khô hết rồi dựng lại. Mỗi sáng sớm, khi quý thầy quý sư cô dậy ngồi thiền, ánh nến hắt ra từ những lều vải màu đỏ, màu xanh màu tím nhìn rất thích. Bình yên. Trời mùa đông rất lạnh. Đó cũng là cơ hội cho đống lửa được đốt lên mỗi tối và mỗi khuya ở khu vực trung tâm. Nơi “giao lưu văn hóa, văn nghệ” và làm sinh động tình huynh đệ. Mấy tuần này là khoảng thời gian đại chúng làm việc nặng nhọc nhất. Biến một nơi hoang sơ, khô cằn thành một thiên đường mà bây giờ mọi người đang thấy. Công việc là khai hoang, dựng nhà và dọn dẹp. Sau giờ ăn sáng, tất cả mọi người trong trang phục lao động nhìn rất là vui. Nào là vác máy cưa, máy cắt cỏ, cuốc, rựa, đinh, búa không thiếu thứ gì. Và bước đi “oai hùng” nhìn thấy hào khí như là đội quân của Quang Trung xông trận. Ấy thế mà vẫn có những buổi khuya ngồi thiền chung bên đống lửa hay trong cái lều bạt duy nhất được dựng lên từ lâu. Mà làm cả thiền hướng dẫn cơ đấy. Chỉ có tiếng lửa tí tách, núi rừng còn chìm trong giấy ngủ say. Ngồi thiền xong đứng lên tản bộ, ngẩn ngơ trước đất trời tinh khôi vẫn còn đắp một cái chăn dày mù sương. Có thể đó là khoảng khắc phục hồi khí lực cho sung mãn trở lại để bắt đầu một ngày chấp tác mới. Nhưng đêm về, lại là một không khí thật khác bên đống lửa hồng. Thấm mệt nhưng lại khỏe ngay rồi ngồi với nhau, vừa nướng khoai, nướng bắp, cắn hạt dưa vừa hát những bài dân ca, hát đối. Tiếng guitar như reo. Giọng quý thầy, quý sư cô rất khỏe. Tình huynh đệ và sức trẻ đã làm nên thiên đường. Đơn giản biết bao, nguyên sơ biết bao và hạnh phúc biết bao. Mà đã ở trong thiên đường thì kể cả những tâm hồn lầm tưởng mình già cỗi, cũng bỗng hóa thiên thần. Mà đã là thiên thần làm gì có những dự án, lo âu, toan tính ở trong đầu. Thiên thần là khi mình có mặt rất thực. Thiên thần là thơ ngây, hồn nhiên và tình thương căng tràn lồng ngực. Là thiên thần mới có thể cười được nụ cười tươi như hoa mùa xuân, rực rỡ như nắng mùa hạ, ấm áp như bếp lửa đêm đông và đẹp như lá chín mùa thu. “Con đang có lý tưởng, có tuổi trẻ và có những ngày vui.” Tất cả đã sẵn sàng để đón Thầy về.   THỨC ĂN TÂM LINH Nếu ai từng có mặt với Thầy trên đất Thái trong tháng tư ấy thì đã có nếm được thức ăn này. Thầy xuống xe, đứng lặng nhìn hai hàng đệ tử là lúc nước mắt tôi tự nhiên rơi. Tôi thương, tôi hạnh phúc. Và sau đó mỗi ngày, mỗi ngày đều như vậy. Dẫu biết trong con đã có Thầy, nhưng Thầy đến Thầy nhắc cho con thấy Thầy ở trong con. Thầy cho chúng con Thiền Đường Vách Núi để cho khí lực nơi chúng con sung mãn mỗi đầu ngày. Khi có thầy cây lá xanh hẳn ra, tràn sức sống. Và chúng con cũng tươi nhuận thêm nhờ suối mát thanh lương bất tận từ Thầy. Thầy đã dạy cho chúng con cách để có Thầy bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. Tháng tư cũng là khoảng thời gian huynh đệ bốn phương về hội ngộ. Tình huynh đệ gắn kết anh chị em giống như muối cần cho người nấu bếp. Và sự hân hoan có mặt, mỗi sư anh thần thái nhẹ nhàng ánh mắt thấu hiểu… sau mỗi thời khóa lại quây quần bên nhau uống trà nói cười ấm cúng. Vì vui, mỗi ngày chỉ ngủ ít thôi mà cũng đủ nhiều năng lượng để chế tác niệm lực. “Con đang sống những tháng năm huyền thoại”. Trong lòng Thầy và Tăng thân, mình rất dễ để có mặt rất thực với con đường mình đang bước. Với cỏ cây hoa lá, tiếng chim và sỏi đá. Đá ở đây thì thật là đẹp, màu trắng ngà nằm lởm chởm khắp cả mặt đất. Nếu lần đầu tiên nhìn thấy mình sẽ ngạc nhiên và thích thú. Mãi sau này tôi vẫn tập nhìn những vườn đá ấy giống như lần đầu tinh khôi. Thích lắm. Khi đã có tình huynh đệ, mỗi mỗi thời khóa là một niềm thích thú. Và khi đó việc dừng lại, trở về, chế tác hỷ lạc, chế tác niệm lực mỗi ngày dễ như việc ăn cơm vậy. Khi mình có năng lượng của chánh niệm, mình biết mình đang không thiếu thức ăn tâm linh. *
https://159.223.73.115/