Pháp đàm

Trong buổi pháp đàm, chúng ta đến với nhau, có mặt cho nhau trong một nhóm nhỏ như một gia đình tâm linh để cùng thực tập với nhau những lời hòa ái cũng như là cách lắng nghe sâu. Ái ngữ và lắng nghe sâu là phương pháp giúp cho sự thực tập của chúng ta đi sâu hơn vào giáo pháp. Đó cũng là cơ hội quý báu cho mình học hỏi trực tiếp kinh nghiệm của những người bạn đồng tu để có thể hiểu và nhìn nhận sâu hơn. Tuệ giác tập thể sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc và tự do.

Khi chúng ta thực tập chia sẻ pháp đàm, chúng ta mở lòng ra để chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận đích thực nơi chính tự thân mình. Chia sẻ với ngôn từ hòa ái mang lại sự hiểu biết và hòa hợp cho chính chúng ta và cho những người xung quanh. Vì vậy, chủ đề của buổi pháp đàm thường là những gì liên quan đến kinh nghiệm trực tiếp trong sự thực tập của tự thân như là những hạnh phúc, niềm vui hay nguồn cảm hứng nào đó. Chúng ta có thể chia sẻ về những khó khăn mà chúng ta đang đối diện hoặc có thể đặt câu hỏi về sự thực tập. Thầy dạy rằng: “ Chia sẻ là trị liệu.” Đầu tiên, chúng ta chữa trị cho chính chúng ta bằng khả năng hiểu rõ hơn. Sau đó chúng ta có thể đem lợi lạc đến cho người khác bằng sự chia sẻ của mình. Họ sẽ có cái thấy mới, nó có thể giúp họ tìm thấy con đường đi ra tình trạng họ đang gặp phải. 

Trong lúc một người nào đó đang nói, những người còn lại thực tập lắng nghe sâu. Một người lắng nghe giỏi là người có khả năng lắng nghe chánh niệm bằng việc thực tập trở về với hơi thở vào và hơi thở ra của mình. Hơn thế nữa, lắng nghe sâu là lắng nghe với một trái tim rộng mở mà không phán xét hay phản ứng. Chúng ta không nên để quá khứ hay những dự án trong tương lai lôi kéo ta đi và làm chúng ta đánh mất chính mình. Khi bạn muốn bắt đầu chia sẻ, bạn có thể chắp tay lên để thông báo cho mọi người là mình muốn thực tập chia sẻ. Trong khi đó, những người còn lại cũng sẽ chắp tay để đáp lại cho người thực tập chia sẻ biết là tôi đang có mặt đây cho bạn. Khi bạn kết thúc sự chia sẻ, bạn có thể chắp tay lại lần nữa để thông báo rằng bạn đã kết thúc việc chia sẻ của mình. 

Chia sẻ là một sự tình nguyện, vì vậy nếu bạn chưa sẵn sàng để bắt đầu, điều đó không sao cả. Sự tin cậy là nằm ở cách chúng ta tôn trọng và chế tác niềm tin cho nhau. “Những gì được chia sẻ ra trong vòng tròn thì chỉ giữ lại trong vòng tròn mà thôi.” 

Kết luận lại, pháp môn Chia sẻ pháp đàm giúp chúng ta chế tác tình thương và sự hiểu biết cả hai phương diện bên trong lẫn bên ngoài. Thực tập ái ngữ và lắng nghe sâu sẽ giúp ta có thể thấy biết rõ rằng “ Bạn là tôi và Tôi là bạn.”

https://159.223.73.115/