Nếp sống nhà chùa

Gửi quý Phật tử thân mến!

 

Chùa Từ Đức, ngày 5 tháng 5 năm 2022.

Các thị giả yểm trợ đến ngày 08/5/2022 mới hoàn tất.

Thầy ở chùa Từ Đức. Lễ Phật Đản và An Cư gần đến. Ở đây dù dịp nào thì đại chúng cũng đều rất may mắn vì có thể giữ được nếp tu tập qua các thời khóa làm việc, học giáo lý và vui chơi giải trí. Nhờ hơi thở chánh niệm qua mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, nên hành giả giữ được nếp tu, tránh rơi vào các đam mê vô ích. Có nhiều thứ đam mê, có thứ đam mê có tác dụng làm hao tổn hạnh phúc, lại có thứ đam mê có tác dụng nuôi dưỡng hạnh phúc. Đó là đam mê theo sở thích trói buộc và đam mê nếp sống tự do. Đam mê nào làm giảm thiểu sự đam mê khi tự do tăng dần?

Đam mê trói buộc, dù đó chỉ là một sở thích, hình thức thì như là tu tập, song nếu phải bỏ đam mê ấy vì cái duyên chánh pháp của đại chúng, không cho ta tiếp tục nữa mà ta lại thấy thiếu thoải mái (như quy định sáu tháng phải đổi phòng, trừ bệnh…) thì đó là đam mê trói buộc mà ta chưa rõ. Nhưng nhờ được thực tập nương tựa, nên ta thấy an lạc khi chuyển được đam mê như tu hành ấy mà trước đây ta chưa thấy rõ… Còn đam mê nặng hơn, khó chuyển hơn nữa, như thích xem hình ảnh trên tivi, trên internet, đọc sách báo không có nội dung nuôi dưỡng lại chứa nhiều yếu tố nhảm nhí, độc hại… đam mê này là do ta mỗi ngày tưới tẩm mãi những hạt giống tiêu cực trong ta, nên ta khó chuyển hoá được chúng. Đam mê thiếu hạnh phúc ấy sẽ làm cho tình trạng thân tâm ta tồi tệ hơn nếu ta ngồi nhiều giờ, lâu ngày, cơ thể ta phì mập, bụng phệ và đi đứng nằm ngồi khó khăn mệt nhọc. Lúc này, đam mê lại đưa ta vào nẻo cô đơn, cô độc, cô lập với huynh đệ, người thân và bơ vơ giữa tập thể hạnh phúc sinh động. Một cách “chết khát bên dòng sông”.

Khi đam mê vô ích mà ta vẫn thấy thích, thấy an là vì đam mê lúc ấy chưa đủ nhân duyên để khổ đau biểu hiện. Khổ đau vẫn có đó, song nó còn ở dạng ẩn tàng. Cho đến khi khổ biểu hiện, thì ta có thể rơi vào trầm cảm, đuối sức, rất khó chữa trị phục hồi. “… khi ác chín muồi rồi, người ác mới thấy ác” (kinh pháp cú).

Còn đam mê đúng chánh pháp mà lúc ấy ta chưa thấy thích thú, chưa thấy tự do, là do hạt giống tốt đã gieo nhưng chưa đủ duyên để biểu hiện, sư thích thú có sẵn rồi, song nó còn ở dạng ẩn náu. Khi đầy đủ nhân duyên thì nó biểu hiện, lúc bấy giờ, sự thích thú, sự tự do đơm hoa kết trái và cái năng lượng chưa thích thú kia lại ẩn đi dưới dạng hạt giống lui về trong chiều sâu tâm thức.

Muốn chuyển đổi đam mê thiếu hạnh phúc và nuôi dưỡng đam mê an lạc, thì chúng ta cần tham dự thời khóa một cách đều đặn, kiên trì thực tập theo kiến thức đúng chánh pháp đã được học từ Thầy, từ bạn và từ sách báo mang nội dung lành mạnh, trong sáng, có cách thức cụ thể, rõ ràng để tu tập niệm, định và tuệ.

Chúng ta luyện tập nội dung của người tu như tham dự vào các thời khoá, đó mới là một phần của nội dung thực tập mà thôi. Bổ túc cho phần ấy, có sự luyện tập khác là nhờ chấp tác, ở chùa gọi chấp tác là thiền làm việc. Làm việc điều độ đã không những tốt cho thân mà nếu được làm trong chánh niệm, thì lại còn nuôi dưỡng được cả tâm hồn nữa. Thân và tâm đan xen với nhau theo đường xoắn ốc. Càng làm, càng trải nghiệm thì càng có thêm hạnh phúc. Hạnh phúc tăng lên thì ta làm chí thú, cẩn trọng mà không mong cho xong việc, hay mong đạt được một kết quả tốt đẹp nào đó cho riêng mình. Cẩn trọng trong khi làm việc thì thường tốc độ sẽ chậm hơn là làm việc một cách hấp tấp, song an toàn và hiệu quả cao hơn là vừa làm mà vừa mong cho mau xong việc. Tuy nhiên, việc đạt được hiệu quả tốt vẫn là thứ yếu. Sự an lạc hạnh phúc và có chủ quyền nơi thân và tâm của ta trong khi làm việc được tăng lên mới là nội dung chính của thiền làm việc ở nhà chùa.

Chúng ta ai cũng cần giải trí. Các trò giải trí như: chơi bóng, chơi leo núi, tắm suối, tắm biển… những lúc ấy thường có mặt nhiều huynh đệ. Chúng ta rất cần chánh niệm trong khi tụ hội đông đảo cả người lớn lẫn người nhỏ, có lúc có cả cư sĩ công quả và cả cư sĩ ngoài thôn xóm cùng tham dự. Nếu không nuôi dưỡng chánh niệm, thì chúng ta dễ rơi vào đam mê thất niệm. Chơi bóng chuyền có sự được mất giữa hai bên. Thất niệm thì khi được chúng ta rất vui, reo hò, vỗ tay… Mất lại thiếu thoải mái, có vị buồn buồn. Càng được thì ta lại càng mê, nên có thể xảy ra những tai hoạ như: va chạm với nhau; khi chạy hay nhảy lên, ta thiếu thăng bằng gây nên sái đau chỗ nào đó trên thân thể. Cuối cùng dù thắng hoặc không thắng thì cũng đều bị vui buồn kích thích. Một khi ta đã bị sự kích thích chi phối thì sẽ tổn thương năng lượng an lạc hạnh phúc trong ta. Có khi gãy răng, sái đầu làm cho ta đau đớn lâu dài. Điều này có hại cho việc tu tập: ‘mê vui trái đắng dễ thôi có liền’

Còn chơi mà chúng ta nuôi dưỡng được năng lượng chánh niệm, thì trong cái chơi giải trí ấy, không những làm vắng mặt sự phân biệt, so đo về hay dở, hơn thua… mà còn giúp huynh đệ hiểu nhau hơn, yểm trợ nâng đỡ những vị chơi còn non yếu, tình cảm do vậy mà được nảy sinh một cách tự nhiên, hồn nhiên và trong sáng. Có chánh niệm, thì khi đang chơi, ta sẽ dễ dàng nghỉ chơi khi nghe chuông báo chúng thỉnh lên cho hay đã hết giờ thể thao. Nghỉ mà vui tươi nhẹ nhõm, vì ai cũng thực hiện quy định của đại chúng rất tự nhiên, gây được niềm tin dễ dàng cho nhau, cho cả giới cư sĩ cùng chơi, dù những vị ấy chưa hiểu gì về tu tập ở chùa. Đây là một lối giáo hoá của môn giải trí trong nhà chùa.

Leo núi là một cơ hội để chúng ta luyện tập sự can đảm, tháo vát. Lúc lên tới đỉnh núi, thấy đất trời bao la, thân tâm cảm nhận hân hoan, thích thú tự nhiên. Lúc leo núi cần nuôi dưỡng chánh niệm, thấy rõ những nơi nguy hiểm liền nhường cho người có kinh nghiệm dìu dắt, nâng mình leo vừa an toàn vừa nảy sinh lòng cảm phục với nhau. Người giúp huynh đệ vượt qua những chỗ leo khó khăn ấy thì rút ra được kinh nghiệm bổ ích hơn cho các chuyến leo núi về sau. Leo núi, lúc lên cần có chánh niệm, lúc xuống cũng rất cần năng lượng thực tập xuống núi có ý thức của cả đoàn, như vậy mới là thực tập đi hay về đều tới của một chuyến rong chơi. Các cách giải trí khác cũng vậy, như nghe tiếng sóng vỗ, ngắm những cụm mây trắng bay, lắng tâm trước thiên nhiên, đi bộ, chạy bộ hay ngồi chơi…

Chúng ta rất cần tiếp xúc với thiên nhiên bằng chánh niệm để giúp ta hiểu thiên nhiên hơn và để cho thiên nhiên thấm vào mà nuôi dưỡng, trị liệu thân tâm. Thời các em nam, nữ (sau này là gia đình xuất gia Cây Vú Sữa) nhiều lần leo đồi trồng cây, ăn nghỉ dưới bóng râm rất bình an và hạnh phúc. Có những lúc rất đông cư sĩ tham gia cùng tham gia với xuất sĩ ở chùa Từ Đức để thực hiện ‘xanh hoá đồi trọc’.

Phần thực tập còn lại là học giáo pháp có cách thức rõ ràng cụ thể để thực tập niệm định tuệ, thực tập Tứ Đế, Bát Chánh Đạo qua những thiền kinh căn bản là Kinh Quán Niệm Hơi Thở (kinh thở vào thở ra có chánh niệm) và Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Quán niệm nhờ hơi thở có ý thức qua bốn lĩnh vực thân, thọ, tâm và pháp). Học giáo lý, một thiền tập có mục đích tưới tẩm những hạt giống tốt. Chuyển hoá các phiền não, chế tác an lạc hạnh phúc và ý thức các điều kiện may mắn luôn có mặt khắp nơi, để giúp ta không bao giờ thấy thiếu một cái gì cả. Ta sẽ có niềm tin lớn phát khởi, giúp ta tiến tu trong mọi tình huống thuận nghịch buồn vui. Đó là lợi ích của sự ‘ý thức: ta đang có đầy đủ những điều kiện để hạnh phúc’

Cho nên, Thầy chúng ta dạy: học là không phải để tích luỹ, chất chứa kiến thức, mà chỉ để tiếp nhận phương pháp thực tập. Thực tập và kiến thức bổ túc lẫn nhau trong từng bước một. Khi chuyển hoá được, thì sự trải nghiệm sẽ lấy đi sự chấp thủ vào kiến thức để làm biểu hiện trí tuệ. Trí tuệ có được ít nhiều thì lại giúp ta học dễ hiểu, hiểu sâu và học cũng đồng thời là tu.

Có một cách học khác là buông thả thân tâm cho lời pháp tự nhiên thấm vào, tự làm việc với chiều sâu nội tâm, sự chuyển hoá âm thầm xảy ra, ta có thể cảm nhận được bằng một cách nào đó. Càng học càng hạnh phúc an hoà. Đó là cách học rất đơn giản, cách học này giúp ta thấy vắng mặt mọi chấp thủ. Chấp thủ thân tâm, chấp thủ giáo pháp kiến thức và chấp thủ hoàn cảnh xung quanh. Biết được cách này chúng ta thanh thản, lưu tâm và trải nghiệm từng bước một miên mật qua từng phút giây của sinh hoạt mỗi ngày.

Tuệ giác của một bậc Thầy quán thấy rồi trình bày khéo léo như vậy và xây dựng được một tăng thân khắp chốn như vậy, mà trong tăng thân vẫn có người có một đam mê là khư khư nắm lấy tư kiến, sống theo tập khí đời thường, vẫn phát sinh và tồn tại cho đến hôm nay. Dù huynh đệ, tăng thân có khi có xóm thứ hai tham gia và có khi có cả Thầy chia sẻ, có vị đã lắng nghe và chuyển hoá. Song có vị vẫn chưa chuyển hoá gì cả để thực tập nương tựa tăng thân. Trong số huynh đệ ít ỏi đó, có vị nói pháp, khuyên nhủ người khác nhất là cư sĩ rất hay, tạo được sự mến mộ khá lớn lao. Các huynh đệ ấy sớm muộn cũng đã rời bỏ tăng thân, cái quý là vẫn tu tập, vẫn có thể có nếp sống đầy đủ. Thầy chúng ta dạy: “rời bỏ tăng thân là một bất hạnh lớn”. Mong sao các vị thoát khỏi mọi khó khăn để đạt đến an lạc thảnh thơi. Có thể tạm nghĩ, đó là Độc Giác Duyên Khởi Bích Chi.

Thầy viết thư này ở khả năng tu tập còn nhiều hạn chế, nên mang nhiều lý thuyết hơn là trải nghiệm. Mong các Phật tử xa gần, các vị xuất sĩ lẫn cư sĩ đọc được thì xin hoan hỷ góp ý cho thầy, để thầy có cơ duyên tiếp nhận mà tu thêm được bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Đó là một ân nghĩa lớn lao. Mong quý vị mở lượng từ bi!

Thân kính Thích Giác Viên

 

https://159.223.73.115/