MÓN QUÀ CỦA CON – CHÂN TRĂNG PHÚ XUÂN

 

 “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”

Đó là câu thơ tôi rất tâm đắc, nó luôn trong tôi, nó là một lời nhắc nhở cho tôi trở về với lòng biết ơn, sự trân quý với niềm hạnh phúc, rất bình an.

Với những vất vả của cha và những khó khăn của mẹ, tôi nghĩ chắc chẳng bao giờ tôi dám quên. Tôi thương lắm những giọt mồ hôi của ba đã rơi xuống để cho tôi được đi học, để lo cho gia đình. Tôi thương lắm khi thấy nỗi buồn của mẹ khi chợ vắng người. Tất cả những thứ ấy không vì tôi, thì vì ai nữa đây? Tôi thương lắm những vết chân chim trên khuôn mặt của ba mẹ, thương lắm mái tóc đã bạc trước tuổi của ba. Thương… thương lắm vì nó là biểu hiện của tình thương, sự chăm lo lớn lao mà ba mẹ đã dành cho tôi, cho những đứa con bé bỏng. Cũng như sự sống của chim mẹ và chim con. Chim mẹ luôn lo lắng cho sự an toàn, ấm no cho đàn chim nhỏ, tập cho chim nhỏ bay khi bắt đầu thấy chim nhỏ đủ sức, đủ trưởng thành để tự lo được cho bản thân. Và rồi chim nhỏ sẽ lớn lên, có cuộc sống riêng và cũng bắt đầu nối tiếp như vậy. Cuộc sống của bất cứ ai rồi cũng thế nhưng con người thì có nhiều sự lựa chọn hơn: tiếp tục con đường lập gia đình hay chọn cách sống độc thân… Và có một con đường tươi đẹp hơn bất cứ con đường nào, đó là con đường “xuất gia”, con đường của lý tưởng. Đó cũng chính là con đường tôi đã chọn.

Vì sao tôi chọn con đường này? À! Nhiều lý do lắm ấy chứ! Vì tôi không muốn giống như chú chim nhỏ lớn lên rồi tiếp tục làm chim mẹ để rồi những chú chim con của tôi lại tiếp tục như vậy. Tôi muốn sống khác hơn, tôi không muốn chỉ chăm chút trong một ngôi nhà nhỏ. Tôi muốn có cuộc đời tự do hơn và ý nghĩa hơn. Và điều tôi mong muốn hơn hết là làm sao cho ba mẹ bớt vất vả, có nhiều hạnh phúc hơn. Nhìn hình ảnh ba mẹ giận nhau hay qua những lần tôi giận người tôi tạm gọi là yêu, tôi thấy có một tổ ấm riêng chẳng phải là con đường tôi muốn chọn. Tôi muốn, muốn làm một điều gì đó khi ba mẹ tôi giận nhau, nhưng ngay chính bản thân mình, có đôi khi tôi còn không biết phải làm gì khi giận người tôi thương nữa mà. Mỗi lần như vậy, tôi thường không kiểm soát được hành động của mình, không biết là tôi muốn gì, tôi chỉ tạo ra sự đổ vỡ thì tôi lấy gì, có gì để thực hiện được điều tôi muốn làm là hòa giải cho ba mẹ. Tôi đã từng bị kẹt cứng trong những mong muốn đó, nhưng rồi tôi cũng tìm được con đường, nói là tìm vậy thôi chứ con đường đã có sẵn trong tôi lâu rồi, tại tôi đã lỡ quên. Và bây giờ khi tôi muốn bước đi trên con đường đó, tôi thấy cánh cửa đã thực sự mở để đợi tôi bước vào. Vậy mà tôi đã lỡ quên đấy! J Tôi đã đặt tất cả niềm tin vào con đường ấy, tôi gọi con đường ấy là “Con đường Hiểu và Thương”, thật là rất xứng đáng để tôi đặt niềm tin vào. Tôi đã thấy sự đầu tư này là không lỗ, mà lại rất lời. Phần lời ấy, rất nhiều khi đã đến được với ba mẹ tôi, vì bây giờ ba mẹ tôi đã biết sống với nhau hạnh phúc hơn, bớt giận hờn vu vơ hơn. (Ba mẹ tôi lớn rồi mà hay giận hờn vu vơ lắm! Nhiều khi tôi thấy cũng vui vì thấy ba mẹ còn nhiều hạt giống của mấy đứa trẻ như chúng tôi J). Từ khi tôi đi tu, ba mẹ tôi cũng không cần lo lắng nhiều về mặt kinh tế, ba mẹ tôi có thêm thời gian để thảnh thơi, để hạnh phúc hơn. Tôi chỉ cần thấy ba mẹ hạnh phúc là tôi cũng thấy có đủ hạnh phúc rồi. Lâu rồi không nhìn thấy ba mẹ nhưng tôi nghĩ trên khuôn mặt ấy của ba mẹ chắc bớt đi nhiều lắm những vất vả, lo lắng cho tương lai của những đứa con yêu thương.

Ba tôi là người làm nông giỏi lắm đấy! Ba tôi từng làm chủ tịch Hội Nông Dân mà, chuyên đi hội thảo về các loại giống mía, lúa mới, để đem lại thêm thu nhập cho bà con, chỉ bày cho bà con canh tác. Tôi thấy vui khi ba tôi rất nhiệt tình lo cho mùa màng của bà con, rất sẵn lòng giúp đỡ những ai muốn được tư vấn cho những thửa ruộng đang có vấn đề của họ. Bây giờ tôi thấy tôi cũng được tiếp chút chút từ ba, đó là sự nhiệt tình, rất sẵn lòng nếu ai đó cần tôi giúp. Hạt giống rất đẹp phải không! Tôi cũng thích làm vườn nữa. Theo dõi sự lớn lên, ra hoa,… của những cây trong vườn, tôi cảm thấy thích thú lắm. Tôi cũng thích chăm sóc vườn tâm của tôi nữa. Tôi hạnh phúc khi vườn tâm của tôi có những bông hoa đẹp, rất tươi vui, và tôi cũng hạnh phúc lắm khi chăm sóc được những cây cỏ dại trong khu vườn ấy với thái độ từ hòa, chấp nhận, vì tôi ý thức rằng những cây cỏ dại này không phải là của riêng tôi, nó còn là của ông bà tổ tiên, mà gần nhất là ba mẹ tôi nữa. Tôi cũng đã từng cảm thấy thật khó chấp nhận chúng, nhưng khi biết thương yêu gia đình huyết thống đúng mức, năng lượng của sự tu tập đã cho tôi nhiều sự chấp nhận hơn để thay đổi. Tôi nghĩ: “Dù là hạt giống đó xấu hay tốt, nếu tôi không chấp nhận thì nó đồng nghĩa với sự chối bỏ nguồn gốc của mình. Đó như là một sự bất hiếu vậy. Vì thế, tôi tập chấp nhận tất cả với tình thương. Tôi xem đó như là một trọng trách mà ông bà, ba mẹ đã tin tưởng giao cho tôi. Nhờ vậy mà tôi có đủ tình thương để chấp nhận và đi đến con đường chuyển hóa. Tôi thương yêu ba mẹ bằng cách này, nên dù không ở gần ba mẹ nhưng tôi thấy không xa ba mẹ đâu. Rồi tôi thương yêu ba mẹ bằng cách tôi sống hạnh phúc, vì tôi biết đó là ước mong lớn nhất của ba mẹ dành cho tôi. Tôi thương ba mẹ bằng cách tôi sống hết lòng, vì tôi biết sự hết lòng nuôi dưỡng hạnh phúc cũng như con đường tôi đang đi.

Bằng cách tiếp xúc với ba mẹ qua hơi thở : “con đang thở cho ba”, qua nụ cười :  “con đang mỉm cười cho má”, qua những hạt giống bên trong, qua cách mà tôi sống… tôi thấy, tôi gần ba mẹ hơn và tình thương ấy trở nên sâu sắc hơn nhiều lắm. Tôi luôn cố gắng sống tích cực hơn, vui hơn để dâng tặng món quà “hạnh phúc của tôi” đến ba mẹ tôi, vì đó là món quà quý giá nhất, hơn bất kỳ món quà nào. Tình thương của ba mẹ lớn lao như vậy đó!

Con yêu ba mẹ!