MỒ CÔI

“Đường đời còn nhiều chông gai, ta còn đi mãi, đến cuối đất trời, cho hết kiếp người, thân phận mồ côi, àh ơi, ơi àh, ơi àh, àh ơi!…”. Lời bài hát con nhớ không biết có đúng hay không, nhưng cứ văng vẳng bên tai, nửa như vỗ về an ủi, nửa như than thở âm thầm, lại thêm một thân phận nửa đang lạc loài, đơn độc. “Mồ côi”! Hai từ nghe qua hết sức đơn giản, hết sức nhẹ nhàng nhưng quá đỗi lạnh lùng cho những ai đang mang trong mình cái thân phận nghèo khổ, khốn nạn này. Còn bất hạnh nào hơn trong cuộc đời này bằng nỗi bất hạnh của những kẻ mồ côi.

Con người chúng ta, ai cũng cần phải thở để sống, cần ăn uống để khỏe mạnh, và cần yêu thương để biết cảm xúc biết hạnh phúc. Những hạnh phúc đầu đời được bắt nguồn từ tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Để từ đó yêu thương được gieo trồng và cảm xúc được nâng niu. Ấy thế mà, có những mảnh đời, vừa mới sinh ra đã mang trong mình cái thân phận bạc bẽo này. Chưa từng được ẵm bồng, chưa từng hưởng được chút hơi ấm mặn nồng từ đôi bàn tay cha, một nụ hôn ngọt ngào từ đôi môi của mẹ. Cũng có những người gần cuối cuộc đời, mới phải nếm trải thứ cảm giác thiếu vắng tình thương, chơ vơ, lạc lõng giữa chợ đời. Còn con, qua nửa đời người, cái tuổi vừa đủ để cảm nhận sự mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời với hai chữ “mồ côi”.

Con nhớ như in cái ngày được tin ba mất, mặc dù khi xa nhà, con đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những trường hợp như vậy có thể xảy ra, nhưng khi được hung tin, con đã hết sức bàng hoàng, thảng thốt. Mọi thứ diễn ra quá đột ngột, quá bất ngờ, con chưa thể chấp nhận ngay được. Lúc ấy, bất chợt những kỷ niệm buồn vui, những cảm giác hạnh phúc, ấm áp nhẹ nhàng hay những khổ đau, tuyệt vọng cùng cực chợt ùa về với con, còn mới như hôm qua.

Con nhớ đến những trận đòn roi kinh khiếp, đau đến chết đi sống lại với đầy dẫy những nỗi hờn oán dày vò. Đến những cuộc đập phá đồ đạc tan hoang trong cơn say của ba với lòng khinh bỉ và tuyệt vọng cùng cực. Nhớ đến những lần ba lâm trọng bệnh, cả nhà cùng ôm nhau khóc trước sự chia ly của tử thần, tưởng rằng không qua khỏi. Nhưng cuộc đời vẫn còn thương tưởng đến gia đình mình phải không ba? Con hờn giận ba nhiều lắm, trách móc nhiều hơn khi ba vẫn không thay đổi tính nết, sau khi may mắn vượt qua những thăng trầm của cuộc sống, vẫn tự làm khổ cho ba, cho mẹ và cho chúng con. Bình thường ba rất chu đáo và tốt bụng, nhưng khi rượu vào, là như thể biến thành một con người khác, đáng sợ và nhẫn tâm. Nỗi căm ghét trong con lớn bao nhiêu thì sự lạnh lùng của con với ba được thể hiện càng ngày càng mãnh liệt. Lúc ấy, không hiểu sao con có thể nhẫn tâm với ba đến vậy. Còn gì khổ đau hơn, bị hành hạ nhiều hơn khi con mình không muốn tiếp xúc, không muốn nói chuyện, căm ghét và cô độc mình như thế.

Nhưng ba ơi! Không phải vậy đâu, thật tình con thương ba nhiều lắm! Niềm oán hận, căm ghét ba bao nhiêu thì tình thương, niềm khao khát được thương ba trong con còn lớn hơn gấp bội. Con mơ ước một mái nhà đầm ấm, đầy ấp tiếng cười, những bữa cơm ngon lành với những mẫu chuyện vui. Vì không nói chuyện được với ba nên con hay để ý đến những người đang làm ba quanh mình. Một lần con bắt gặp một người cha trẻ đang tập đi và tập nói cho đứa con trai đầu lòng của mình với tất cả sự nâng niu và hy vọng. Mỗi bước chân của đứa trẻ là những nụ cười sung sướng kèm theo những lời động viên khích lệ của ông bố. Mỗi tiếng gọi papa còn chưa rõ âm vần của đứa con là mỗi lần đôi mắt người cha ánh ngời lên niềm hạnh phúc. Đẹp quá phải không ba, cả hai cha con họ đẹp như những thiên thần, những thiên thần biết yêu thương. Và con chắc rằng, ba cũng đã từng yêu thương con như vậy, hai cha con mình cũng đã từng đẹp như cha con họ phải không ba?

Có một lần ngồi chơi với mẹ, con hỏi rằng sao chân con nhiều sẹo quá vậy? Mẹ cười và kể rằng; hồi mới sinh con, khoảng được chừng một tuổi thì ba lâm bệnh nặng. Lúc ấy ba phải ở nhà chăm con, còn mẹ thì phải buôn tảo bán tần để kiếm tiền trang trải thuốc thang và gia đình. Mỗi buổi chiều, ba đã dắt con vừa tập đi vừa để đón mẹ về, khi đón được mẹ, thì mẹ bế con để vào một đầu quang gánh còn đầu kia thì nào là chuối nào là rau chưa bán hết, để gánh con về. Nhưng khi đi, con không chịu ba dắt mà cứ đòi tự đi nên sau nhiều lần té ngã, đã lưu lại những vết sẹo tròn tròn, đầy ấp những kỷ niệm yêu thương đầu đời mà ba dành cho con. Và sau này mỗi lần tắm gội dù vô tình hay cố ý tiếp xúc, chúng cũng đều cho con một thứ cảm giác ấm áp bồi hồi. Vì vậy mà có những lúc con mong được trở lại thời thơ ấu ấy một lần nữa, ba ơi!

Con với ba đã trải qua quá nhiều những kỷ niệm buồn vui phải không ba? Ba có nhớ mùa đông năm ấy, một mùa đông mà lần đầu tiên, từ khi con có ý thức, con đã cảm nhận được tình yêu thương của ba dành cho con lớn biết nhường nào. Năm ấy, trời bất ngờ nổi cơn giông bão, mưa gió mịt mùng, nước dâng tứ phía, ấy thế mà hai cha con mình lại bệnh cùng lúc nữa chứ, ba thì cảm sốt, đau nhức cả người, còn con thì sốt xuất huyết, hai cơn nóng lạnh đổi thay liên hồi. Vì nước đang lên nên bác sĩ không thể đến điều trị cho hai cha con mình được. Thế là ba phải gắng sức cõng con vượt lũ để đến nhà bác sĩ, trong cơn mê, con chỉ nghe văng vẳng bên tai lời nói run run vì lạnh của ba rằng: “Ôm chặt vào cổ ba nghe con, đừng có thả”, ngắn ngủi thôi mà sao lúc ấy nghe sâu lắng quá, hết sức đơn sơ mà thiêng liêng đến diệu kỳ. Ôi! Tình cha! Không biết đó có phải là thần dược hay không mà giữa những đau nhức nhọc nhằn, giữa những lạnh lùng mưa gió, một làn hơi ấm lan tỏa khắp trong con, cho con cảm giác bình yên, nương tựa. Một cơ thể thiếu niên đang lớn, được ba cõng trên vai bỗng trở nên nhỏ bé, nhỏ bé trước một bờ vai gầy gọc nhưng đầy vững chãi, chở che. Một tâm hồn đầy vết tích, thương đau, bỗng chốc được xoa dịu và nâng niu. Những giọt nước mắt của con đã chảy dài trên vai ba. Nhưng có lẽ lúc ấy ba không biết, ba cứ ngỡ là nước mưa. Con đã khóc! Khóc trước tình thương lớn ba dành cho con. Khóc trong hạnh phúc đợi chờ.

Ba là giọt nắng Ba ơi!

Cho con sưởi ấm khi trời vào đông

Đời con trôi dạt dòng sông

Đại dương Ba mãi chờ mong con về!

 

 

Kể từ hôm ấy, con thương ba nhiều hơn, lòng dặn lòng rằng, sẽ không làm bất cứ một điều gì cho ba mẹ buồn nữa, cố gắng giúp đỡ công việc gia đình cho ba mẹ vui. Nhưng mà ba ơi! Yêu thương là thế đó. Mình thương nhau rất nhiều, nhưng mình chưa hiểu nhau nhiều như mình đã thương, thành ra cha con mình cứ làm khổ nhau hoài. Mình vẫn không thể đến được với nhau. Dẫu chỉ là ngồi chơi tâm sự. Lúc đó, cha con mình còn nhiều vụng về quá phải không ba? Mình không biết cách để tạo dựng một không khí gia đình ấm cúng, là cha con mà mình chưa có một lối đi gần nhất để đến được với nhau. Điều này đã làm con suy nghĩ, thao thức nhiều đêm liền. Con phải tìm một hướng đi, một giải pháp cho gia đình mình. Và rồi con xuất gia, bởi ở đó con đã tìm thấy những phương cách có thể tháo gỡ được những khó khăn, vụng dại cho con và cho ba. Rồi mình sẽ hàn gắn lại những đổ vỡ, xây dựng lại niềm tin, niềm vui sống cho gia đình. Con đã suy nghĩ như vậy. Nhưng quyết định của con, lại một lần nữa đã làm tăng thêm hố sâu ngăn cách giữa cha con mình. Ba không muốn con đi tu, ba muốn con ở nhà, có vợ, sinh con như ba. Nhưng ba ơi! Con biết đó không phải là cách để mình đi ra những khổ đau, những rạn nứt đã quá lớn. Thế là đổ vỡ tạo thêm đỗ vỡ, khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhưng cuộc đời có thịnh ắt có suy, có đạp phá thì có gầy dựng lại. Và có lẽ trời đất hãy vẫn còn thương cha con mình. Trong một lần ba bệnh nặng, con được về chăm sóc cho ba. Ba có nhớ không? Cái lần mà con đèo ba đi chữa bệnh trên chiếc xe máy cũ nhà của mình, lúc đó ba xanh xao và gầy yếu lắm! Con sợ ba té ngã ở dọc đường nên đã nhắc nhiều lần rằng: “Ba ôm con cho chặt kẻo rơi đó ba”, và ba cũng nhè nhẹ ôm con cho chặt hơn trong đôi tay gầy guộc. Sự chăm sóc của con dẫu còn nhiều vụng về nhưng đã bắt đầu lấp dần những hố sâu ngăn cách giữa cha con mình phải không ba? Và con biết ba cũng cảm nhận được điều này. Dần dần ba khỏi bệnh, cả gia đình hết sức vui mừng.

Rồi từ đó, ba con mình thường ngồi uống trà cùng nhau với sự có mặt của má, bao giận hờn giờ đây đã nhường chỗ cho tha thứ và thương yêu, những lạnh lùng đã được thay thế bằng tâm sự cảm thông và chia sẻ. Trong một lần tâm sự, ba kể rằng, ông nội mất sớm, ba đã mồ côi cha từ lúc tám tuổi, anh chị của ba cũng đã chết trong bom đạn chiến tranh. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng ba đã phải cực nhọc phụ bà nuôi ba đứa em. Lớn lên một chút, ba trở thành trụ cột gia đình chăm lo trong ngoài chu đáo. Cho đến khi cưới má và sinh con, trải qua thời chiến tranh loạn lạc với nhiều oán giận trách móc và nghi ngờ, với một tuổi thơ không êm đềm may mắn nên đã gieo vào tâm hồn ba nhiều khổ đau và vết tích…Đang kể, đột nhiên ba dừng lại, như có cái gì đó đang nghèn nghẹn trong cổ họng, ngừng lại giây lâu như để kìm nén xúc cảm, ba thì thầm đủ để con nghe: “Vì vậy trong cuộc sống hằng ngày, ba có làm điều gì khổ cho mẹ cho con thì hãy thông cảm cho ba nghe…”. Con nghe ba mà lòng rưng rưng xúc động, niềm cảm thương tràn dâng. Vừa cảm phục và cũng vừa cảm thấy như mình được san sẻ một phần nỗi đau cùng ba. Hôm đó hai cha con mình hạnh phúc lắm. Chắc ba còn nhớ, mình đã thực tập thiền ôm với nhau, người con thì hơi gầy, còn ba thì cao lớn và vững chãi. Ấy vậy mà lúc đó đôi vai trần của ba đã rung lên, đầy thổn thức. Có phải chăng đứa bé đang mang nhiều thương tích trong ba được ôm ấp và vỗ về? Và ba cũng khóc như con. Đó có phải là lần thành công nhất của hai cha con mình không ba? Có phải mảnh vỡ cuối cùng của hạnh phúc đã được ghép lại, cho yêu thương được vun bón xanh mầm?

Nhưng cuộc đời ai biết được chữ “ngờ”, cuộc vui rồi chẳng tày gang, ngày con trở thành trẻ mồ côi chợt ập đến với cái cách mà con không thể nào lường tới được. Con về đến bên xác ba mà nghe hồn rệu rã. Không phải con khóc vì ba mất mà con thương vì cái cách mà ba đã ra đi. Chắc là trước khi mất ba đau đớn nhiều lắm, nhưng lúc ấy, không có con ở bên để san sẻ cùng. Từ nhỏ đến lớn, những khổ đau, những hạnh phúc, những buồn vui, hai cha con mình cùng đều nếm trải. Nhưng lần này, chỉ mình ba đi qua nó. Ba ơi! Cho con xin chia sớt một phần nỗi đau cuối cùng mà ba đã vượt qua trên cuộc đời này với tình thương và lòng biết ơn vô hạn. Con cúi xuống, ôm xác ba, nâng niu từng vết thương vết xước, với tấc cả tình yêu thương sâu lắng. Con cảm nhận được từng nỗi đau trong ba, rất rất rõ ràng và sâu sắc. Nhưng mầu nhiệm thay giờ phút linh thiêng, những nỗi đau ấy càng lớn lên trong con bao nhiêu thì chúng lại biến thành một thứ sức mạnh, sức mạnh của thương yêu. Nó làm cho con không còn cảm thấy nhức nhối, chơ vơ và lạc lõng nữa mà trở nên nhẹ nhàng, bình an và sâu lắng. Phải chăng có một sợi dây liên kết yêu thương vô hình nào đó, mà khi cha con mình cùng tiếp xúc thì tất cả những khổ đau, những nhọc nhằn đều được chuyển hóa thành cảm thông, thành thương yêu bất tận. Vậy thì khổ đau nào cho những ai biết yêu thương, biết trân quý và biết giữ gìn.

Vu lan này, lần đầu tiên mà cũng là mãi mãi, con có phải chọn cho mình một bông hồng màu trắng với sự hối tiếc và trách móc không ba? Con đã tự hỏi và lắng nghe trong sâu thẳm trái tim mình rằng, “sẽ không”. Bởi, tình thương con dành cho ba mẹ chưa phút nào vơi đi mà chỉ là đầy thêm, là mãi mãi. Và những gì ba mẹ trao truyền cho con, con vẫn còn giữ gìn vẹn nguyên không tỳ vết. Ba đã từng mồ côi, con đang là kẻ mồ côi, hai số phận, một dòng đời sinh diệt, nhưng tình yêu thương thì trở nên bất diệt, vĩnh hằng. Màu hoa con cài trên áo sẽ chẳng bao giờ bạc bẽo như vôi khi trái tim con còn nóng, huyết quản con còn thấm nhuận những giọt máu đào của ba mẹ truyền trao. *

https://159.223.73.115/