KÝ ỨC MẸ TÔI

Đã nhiều lần con muốn viết về mẹ. Viết để con có dịp nhớ đến công hạnh của mẹ, cũng là cơ hội được tưới tẩm những hạt giống lành thiện trong con đã được mẹ trao truyền. Con muốn được bày tỏ lòng biết ơn của con đối với mẹ, nhưng lần nào cũng vậy, cứ cầm bút lên con lại đặt bút xuống, vì chỉ cần nghĩ về mẹ thôi là bao cảm xúc trong con lại dâng trào. Mẹ ơi! Với con trên đời này không ai bằng mẹ. Mẹ là đấng từ mẫu đáng kính của chúng con, là vợ hiền, dâu thảo đảm đang trong gia đình. Thế nhưng cuộc đời lại trớ trêu khiến xui mẹ phải gánh chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu khó khăn, khắc nghiệt. Những hình ảnh xa xưa ấy đã hằn sâu trong tâm khảm con, nó cứ hiện về mỗi khi con nghĩ về mẹ. Con nhớ hồi con còn bé có lần nội đi đâu về vẻ mặt không được vui, sau đó nội gọi mẹ vào lớn tiếng la rầy mẹ. Lúc đó con đang chơi ngoài sân với em Vinh. Trong ký ức con năm ấy, con khoảng hơn ba tuổi, em Vinh con chưa đầy hai tuổi, em Lan con còn bé lắm, mẹ thường phải bồng trên tay. Từ trong nhà mẹ bồng em ra nói nhỏ với con:
  • Con vô nhà sau lấy chiếc chiếu ra đây cho mạ.
Con đem chiếu ra, mẹ tìm một chỗ mát, quét tước sạch sẽ, trải chiếu ra, mẹ đặt em Lan ngồi xuống rồi lấy trong túi ra một nắm kẹo đưa cho con, mẹ bảo:
  • Con ngồi đây chơi với hai em, đừng vô nhà nghe.
Bỗng tiếng hét trong nhà vọng ra
  • Mệ Mai mô, vô đây tui biểu.
Mẹ dạ thật to rồi luống cuống chạy vào. Một lúc sau có tiếng roi quất vùn vụt và tiếng mẹ khóc. Hai em con nghe tiếng mẹ khóc sợ quá cũng khóc theo. Con ôm chặt hai em của con vào lòng dỗ dành:
  • Ngoan, nín đi, nín đi chị thương, đừng khóc mệ ra đánh đó.
Vừa nói con vừa bóc kẹo đút vào miệng cho hai em ngưng khóc. Con vừa sợ vừa buồn. Thương mẹ con giận nội vô cùng. Con ghét nội vì nội hay đánh mẹ. Thuở ấy, ba thường hay đi công tác xa, ba bốn tháng mới về thăm nhà một lần. Lần đi công tác từ Sài Gòn về, ba mua sắm đồ Tết về cho cả nhà, ai cũng có đồ mới. Mẹ được ba tặng một chiếc áo dài màu tím hoa cà, con cũng có một chiếc áo đầm voan trắng tinh, xinh ơi là xinh. Đầu năm cả nhà đi chúc Tết, ai cũng khen mẹ có chiếc áo đẹp. Năm đó, nhà mình ăn Tết thật vui. Qua Tết ba đi rồi, ở nhà nội lại đánh mẹ, lần này nội đánh nhiều hơn, đánh mệt quá nội ngồi thở. Mẹ hoảng sợ đã tay bồng, tay dắt ba chị em con lén ra cửa sau chạy trốn. Chạy lên đầu đường con hỏi mẹ:
  • Mạ ơi! Chạy đi mô rứa mạ?
  • Chạy lên nhà thờ, mau lên kẻo mệ đuổi kịp đó con.
Lúc ấy, trời đã nhá nhem tối. Muốn lên nhà thờ trên đỉnh đồi phải băng qua một khu nghĩa trang. Con nắm tay em Vinh chạy lon ton theo chân mẹ, nhìn sang hai bên chỉ thấy toàn những nấm mồ quạnh hiu hoang vắng, con sợ điếng hồn. Vào đến cổng nhà thờ, con vỡ òa ra khóc. Nghe tiếng khóc của trẻ con Cha xứ từ trong đi ra:
  • Có chuyện gì vậy con? Không sao đâu. Vào đây, kể cho Cha nghe có chuyện gì nào!
Bốn mẹ con theo Cha vào trong phòng khách, ngồi thở một lúc, mẹ bắt đầu kể hết mọi chuyện. Cha thở dài xót thương và hỏi:
  • Các con ăn gì chưa?
  • Dạ thưa Cha, chưa ạ!
Cha cho gọi người dọn cơm. Bên ngoài những bước chân vội vã đến gần và có tiếng hỏi vọng vào:
  • Cha ơi! Có con dâu con dắt theo ba đứa cháu nội con chạy lên đây không Cha?
Nghe tiếng nội, mẹ hoảng quá, ôm chầm lấy chúng con nép vào góc tủ. Cha đi vội ra ngoài, giọng Cha trầm ấm nhỏ nhẹ vang lên. Một lúc sau nghe tiếng nội nói với cha:
  • Dạ, con hiểu rồi thưa Cha, Cha cho con đón con dâu và cháu nội con về, con hứa về nhà sẽ không đánh nó nữa.
Cha mở cửa, nội bước theo Cha vào và đưa cho con cây đèn bão rồi nhìn mẹ nói:
  • Về đi, nể tình Cha lần ni tui tha cho đó.
Rồi một tay nội bồng em Vinh, một tay nội dắt con đi. Vừa đi con vừa ngoáy cổ nhìn lại phía sau thấy mẹ bồng em cúi đầu lặng lẽ bước theo. Còn nhiều và rất nhiều trận đòn tương tự như thế đã hằn dấu lên thân thể mẹ. Ôi! Mẹ đáng thương của con. Cuộc đời mẹ thật lắm gian truân. Một con người hiền lành, hiếu thuận như mẹ sao lại phải nhận lãnh những trận đòn roi phi lý của mẹ chồng như thế? Ấy vậy mà con chưa hề một lần nào nghe mẹ kêu ca, oán than hay trách móc gì nội cả. Mẹ! Làm sao mẹ có thể chịu đựng được như thế hả mẹ? Con thương mẹ nhưng cũng chỉ đứng nhìn mẹ khóc rồi khóc theo mẹ thôi. Con đâu thể làm gì hơn được vì con còn quá bé. Có nhiều lần con hay hỏi mẹ những câu:
  • Mạ ơi, tại sao mệ hay đánh mạ rứa?
  • Tại sao mệ không vô Huế ở với ôn nội, ở đây làm chi mà cứ đánh mạ hoài?
Mẹ xoa đầu con bảo:
  • Con không được nói như rứa, nói rứa là hỗn với mệ đó, lớn lên đi mạ sẽ nói cho nghe, chừ mạ có nói con cũng không hiểu mô.
Thời gian qua mau, mới đó mà con đã đủ lớn. Một ngày nọ, bà nội có việc phải vô Huế, ở nhà hai mẹ con có dịp hàn huyên tâm sự cùng nhau. Mẹ đã kể cho con nghe nhiều mẫu chuyện về nội. Mẹ kể rằng: Ngày xưa, mạ cũng được người lớn kể cho mạ nghe rằng: mệ con là con cả của ông Lý trưởng danh tiếng một vùng. Bà khá xinh đẹp, lớn lên bà thương một chàng trai làng bên làm nghề thợ may. Ông Lý trưởng chê không môn đăng hộ đối nên không chấp thuận. Sau bà được gả cho một chàng trai làng khác làm nghề thầy thuốc có chút tiếng tăm. Thời xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, không được cãi lệnh mẹ cha. Duyên không thành đôi nam nữ cùng hẹn ước: nếu sau này một bên có con trai, một bên có con gái hai người sẽ kết thành thông gia. Một năm sau, chàng thợ may cưới vợ, sinh được cả thảy chín cô con gái và một cậu con trai út. Mẹ là cô con gái đầu của người thợ may ấy. Riêng về bà nội số phận hiếm hoi, chỉ sanh được một đứa con trai độc nhất khá kháu khỉnh,đó chính là ba con. Người xưa thường nói:“sanh con đẹp khó nuôi”, do vậy bà lo lắng sợ nhỡ “hũ mắm treo đầu giàn” của bà có mệnh hệ gì thì chồng bà không có người hương hỏa. Nghĩ như thế, bà đã âm thầm nhờ người mai mối hỏi cưới vợ hầu cho chồng. Ông nội là một lương y hiền lành, chân chất rất thương vợ, quý con.Lúc đầu ông không bằng lòng nhưng cuối cùng bà đã thuyết phục được ông. Cưới vợ hầu về, bà chấp nhận sống cảnh chồng chung. Cuộc sống gia đình lúc đầu còn trong ấm ngoài êm. Đến khi bà nhỏ sanh được một mụn con, tình thương của ông đã lệch cán cân sang bên ấy. Từ đó cảnh cơm không lành, canh không ngọt cứ tiếp diễn mỗi ngày, đó cũng là lẽ thường tình. Phải sống những tháng ngày ghen tuông, đau khổ, cay đắng như thế cho đến khi con trai bà tròn hai mươi tuổi. Bà quyết định đi cưới vợ cho con để được ra ở riêng cùng con trai và con dâu. Nhớ lời ước hẹn cũ, bà đã tìm đến người bạn thợ may năm xưa xin được kết thông gia. Hôn nhân của ba mẹ là sự định sẵn như vậy đó. Bà nội rất giỏi dang, vén khéo. Vừa ra ở riêng bà mở một tiệm tạp hóa tại nhà để buôn bán cho khuây khỏa. Bà có tài kinh doanh nên chẳng bao lâu đã trở nên khấm khá, tiệm tạp hóa của bà phát triển lớn nhất nhì thị trấn. Bà có lòng thương người, thường hay giúp đỡ những người nghèo khổ hoặc những người sa cơ lỡ vận. Những ai tìm đến bà đều được bà giúp, không cách này thì cách khác, bà không để cho ai về không. Hàng xóm láng giềng ai cũng kính nể bà, vì vậy không ai giám can thiệp, bênh vực mẹ mỗi khi mẹ bị bà đánh. Nguyên nhân bà thường hay đánh mẹ, chung quy tất cả cũng chỉ vì bà sợ lâu ngày chày tháng ba con sẽ dành hết tình thương cho mẹ và bà sẽ mất luôn đứa con trai duy nhất của bà như bà đã từng mất đi người chồng yêu quý của bà trước đây. Nỗi sợ hãi, lòng ghen tuông, đố kỵ đã biến bà thành một con người cay nghiệt như thế đó. Hiểu rõ điều đó nên mẹ không oán trách bà, trong mẹ chỉ có lòng thương kính và biết ơn bà, vì bà cũng là một người đàn bà đáng thương. Hơn nữa bà còn là người trọng chữ tín, không chê gia đình mẹ nhà nghèo con đông, chịu cưới mẹ về cho ba. Tình thương của ba dành cho mẹ bấy lâu đã đong đầy trái tim mẹ, đủ để khỏa lấp những nỗi đau thể xác mà mẹ phải hứng chịu từ bà. Những lời chia sẻ chân tình của mẹ đã giúp con dần dần hiểu ra mọi lẽ. Con không còn ghét nội nữa. Một năm sau, ba được thuyên chuyển công tác vào Đà Nẵng. Để đưa cả gia đình vào sống cùng trong ấy, ba đã nhờ ông bà ngoại đang sống trong Đà Nẵng tìm nhà giúp. May sao không lâu sau, ông bà ngoại đã tìm giúp ba được một căn nhà gần nhà ông bà ngoại. Ông bà ngoại dạo này kinh tế khá hơn xưa nhiều. Tiệm may áo dài của ông ngoại ngày một đông khách hơn. Bà ngoại lại có một gian hàng ngoài chợ, các dì có mấy người đã lấy chồng. Bà ngoại thương con gái nên đã tìm sang cho mẹ một gian hàng gần đó. Kể từ ấy, mỗi ngày mẹ ra chợ bán, tối mịt mới về nhà, do vậy mẹ không còn bị nội đánh nhiều nữa. Đỡ mặt này lại vất vã mặt kia, mẹ phải thức khuya dậy sớm, tảo tần nuôi con. Một ngày kia, bỗng dưng ba ngã bệnh, mẹ đã hết lòng chạy chữa cho ba ròng rã suốt hai năm trời. Cuối cùng,ba cũng không thoát được lưỡi hái của tử thần. Ba mất rồi, mẹ phải thay ba gánh cả hai vai, một vai phụng dưỡng mẹ già, một vai lo xây dựng gia đình cho con cái. Đến khi các con đã yên bề gia thất, có cơ ngơi sự nghiệp ổn định, mẹ đã không còn. Chúng con luôn ray rứt, ân hận chưa có cơ hội phụng dưỡng báo hiếu cho mẹ cha. Dòng đời cứ trôi, trôi nhanh. Bây giờ con đã bước vào tuổi đời sáu mươi. Ba mẹ không còn để con được diễm phúc gọi hai tiếng ngọt ngào thương yêu: “ba ơi, mẹ ơi!”. Mỗi độ Vu Lan về, nhìn mọi người cài hoa hồng đỏ con rất buồn và tủi thân. Từ khi trở thành người xuất sĩ, con được học hiểu học thương, được thực tập quán chiếu tự thân để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong con, chuyển hóa những hạt giống tiêu cực và nuôi lớn những hạt giống lành thiện đã được tổ tiên, ông bà, ba mẹ trao tuyền cho con. Mùa Vu Lan năm nay, con không còn mặc cảm trốn chạy thực tại nữa. Lễ bông hồng cài áo con ngồi thật yên, nghe đọc đoản văn bông hồng cài áo của Thầy, mặc dù dòng lệ vẫn tuôn chảy nhưng con ý thức mẹ đang còn đó trong con, ba đang có đó cho con. Con đã ngồi thở thật bình an cho con, cho ba mẹ, cho ông bà tổ tiên và cho cả Thầy con nữa. Con cám ơn ba mẹ, ông bà, tổ tiên đã cho con hình hài này. Con cám ơn Thầy đã luôn thắp sáng ngọn lửa Bồ đề tâm, kiên cường vượt qua những chặn đường cam go, không lùi bước để khơi lớn dòng sông tâm linh cho chúng con ngày nay được mặc tình tắm gội. Con cám ơn Bụt tổ đã lưu truyền chánh pháp cho hậu thế chúng con. Con cám ơn đời đã cho con tất cả những gì con đã, đang và sẽ tiếp nhận.

Làng Mai Thái Lan – Mùa Vu Lan 2015

Chân Trăng Đoàn Tụ

https://159.223.73.115/