EM TÔI

Thương gửi đến em gái tôi: Bích Ngọc   Đêm nay trời se lạnh, gió lại nhiều, chắc có lẽ đêm nay sẽ mưa. Chiều nay, anh cùng với ba sư chú và một bác cư sĩ tên Đức cùng nhau đi chơi và xem hang dơi. Hang dơi này to lắm, nó nằm cách đây khoảng 20-30 phút đi bộ là tới. Trong hang có khoảng mấy triệu con dơi, cứ độ khoảng 6 đến 6 giờ 20 phút chiều là chúng bay ra ngoài kiếm thức ăn và ngắm cảnh ban đêm của thiên nhiên. Chúng bay, lúc thì uốn sang trái, lúc lượn qua phải trông thật thú vị, anh cười và nghĩ đến ông Bảy gần nhà mình, vì cứ mỗi lần ông Bảy say là hàng xóm lại được xem chiếc xe đạp lạng qua phải, lạng qua trái, cùng với người điều khiển của nó, mặc dù lúc đó ông cũng đã 60 tuổi rồi, nhưng tay lái của ông chắc ghê, đúng là một cao thủ trong làng những “tay lái lụa”.   Ngọc ơi! Anh đang nằm trên chiếc võng và đang nghe bài Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng thì anh chợt nhớ đến gia đình mình và đặc biệt là em. Anh tự hỏi, không biết dạo này em học hành ra sao rồi, ở Cần Thơ có vui không? Có sống hòa hợp với các bạn cùng phòng không?  Úi dà! Quên, anh hỏi hơi lạ quá hơ! Anh chắc thế nào em cũng sẽ sống được với các bạn của em mà, vì anh biết là bạn của em đều là những đứa bạn thân thời trung học, phổ thông, mà những người bạn đó của em cũng là bạn của anh luôn mà. Chắc giờ này em và những người bạn đó của em đã về nhà nghỉ hè rồi, đúng không? Sau một mùa thi và học vất vả, giờ có 3 tháng hè để chơi sướng quá hơ. Hè này chắc nhà mình vui lắm đúng không Ngọc? Anh nghe nói ba với mấy chú, bác thường xuyên đi làm từ thiện và đi chùa lắm hả? Cũng hay sum họp với nhau nữa chứ, vui thật, đó là nét đặc trưng và là truyền thống của gia đình mình, anh thấy đẹp lắm. Anh nhớ mấy tháng trước có lần điện thoại về nhà và có nói chuyện với em. Em nói là em đã khóc khi đọc được thư của anh gửi về cho gia đình. Đó là bức thư đầu đời của anh viết để gửi về cho gia đình mình, em hiểu tính anh mà, lúc trước khi còn học ở Sài Gòn ít khi anh liên lạc với gia đình mình lắm, dù là có đủ mọi phương tiện, tính anh là vậy đó, khô cứng lắm, hễ đã đi xa là không muốn liên lạc hay làm bất cứ gì để thể hiện tình cảm với gia đình. Còn gặp nhau thì cười, nói, chơi đùa thoải mái, mà hễ đã đi xa rồi thì say goodbye luôn, nhớ nhung chi cho mệt. À! Anh lại quên rồi, anh hay suy nghĩ lung tung quá đi, chưa xong chuyện này đã nói đến chuyện khác rồi. Em đã khóc vì trong thư anh có chia sẻ một ít kinh nghiệm của anh để mọi người sống hòa thuận hơn, an vui hơn, trân quý nhau hơn, đúng không? Trong thư ai cũng được nhắc đến chỉ trừ có em thôi, thậm chí Thịnh con chú năm, anh còn nhắc đến, vậy mà cái tên Bích Ngọc cũng không được nhắc đến. Em có nói với anh là sao anh bảy vô tình quá đi, sao không nhắc đến tên em, anh bảy quên em rồi à! Anh nghe chị hai nói trước khi đi vào chùa Thầy Đức Thành để nhận thư, Thầy có hỏi là em có nhớ anh bảy không? Em trả lời là có, rồi em đã khóc, thật là dại ghê chưa, có gì đâu mà khóc, anh thương tụi em lắm từ Toàn, Thịnh, Quyên, An, Tấn Lợi, Pha Lê…cho đến em, đứa nào anh cũng thương hết. Khi xưa thì anh không để ý, nhưng từ khi qua đây, anh thương và trân quý mỗi thành viên trong gia đình mình lắm, anh yêu tất cả mọi người, viết tới đây mà mắt của anh rươm rướm nước mắt rồi. Anh rất muốn mọi người đến với nhau nhiều hơn, buông bỏ đi bớt những công việc không cần thiết, quay lại và chú tâm nhiều hơn đến con đường tâm linh của mình hơn, anh biết dù trong gia đình chúng ta cũng đã khá và hay hơn những gia đình khác rồi nhưng anh vẫn muốn nó được thể hiện sâu sắc hơn và rộng lớn hơn, xây dựng điều đó để làm chi em có biết không? Để cho các con cháu trong gia đình chúng ta, các con cháu, em nhỏ gần nhà được thấy rõ và học hỏi, những hạt giống tốt ấy sẽ được nuôi dưỡng từ từ nơi con người của những em ấy, để rồi sau này, khi lớn lên chúng sẽ sống và làm việc trong những duyên lành tốt đẹp. Hi hi, lại trật đường ray nữa rồi! Anh còn nhớ vào cái thời học tiểu học, anh chỉ vừa lớp 3 và em học lớp 1, chỉ mới có mười tuổi mà anh đã biết thù em rồi, anh nhớ có lần em xô bạn của anh té và bị thương, anh đã nói với em là anh sẽ mách mẹ và ba nếu em không đưa tiền và bánh cho anh. Thời gian dần qua, đến khi học trung học, anh lớp 8, em lớp 6, hai anh em mình cùng học một buổi, em có nhớ chiếc xe đạp kiểu Nhật chạy bằng dây cu-roa ba mua cho anh không? Anh chạy không được bao lâu thì bị ăn trộm rinh đi mất tiêu luôn, để rồi anh phải đi học chung với chiếc xe đạp mini màu xanh nữ tính của em. Ban đầu anh ghét nó ghê lắm! Xe đạp gì mà lùn tịt, màu thì xanh lè xanh lét, đúng là xe đạp dành cho con gái. Nhưng lâu rồi cũng thành quen, không có là không được, vì không có nó anh phải tự đi bộ mất, vậy mà có lần anh to tiếng với em và em đã nói với anh là: “Đừng có đi xe của em nữa”, ấy thế mà anh giận không thèm đi luôn và thế là anh đã lội bộ về. Mấy ngày sau anh vẫn còn giận, những ngày đó anh đã đi học với những đứa bạn cùng lớp với anh, và dĩ nhiên là sau khi hết giận, hai anh em mình lại tiếp tục đi học chung trên chiếc xe đạp dành cho con gái đó. Lên cấp 3, em cũng đã khôn lớn, đã trở thành một cô nữ sinh thướt tha, xinh xắn với chiếc áo dài trắng, học lại giỏi, trong khi đó thì anh lại học không được giỏi như em, nhưng bù lại, anh rất khá trong việc giao du với những thành viên cá biệt của trường. Những năm học đó anh rất ghét sổ liên lạc gia đình, vì cứ mỗi lần ba, mẹ được nhận sổ liên lạc cũng là lúc mọi người bắt đầu khen em, ca ngợi em và bỏ qua anh. Đặc biệt là chị hai, chị sáu, cứ theo chọc anh học dở hơn em mãi, mặc dù anh nghe thì cũng chẳng sợ gì cả vì anh học hơi dở hơn em thiệt, nhưng nghe hoài riết chán nên đâm ra anh ghét cái sổ liên lạc ghê luôn. Anh nhớ có lần vì muốn bảo vệ em bằng cái ngã và sự thiếu hiểu biết của anh mà anh và các bạn trong lớp của anh đã tặng cho mấy bạn trai trong lớp của em “mấy bài quyền”, lý do thật đơn giản, chỉ vì anh nghe nói là mấy bạn trai trong lớp của em muốn chọc ghẹo em. Sau vụ đó, mấy em đó không dám gặp mặt anh và đặc biệt là sợ khi nói chuyện với em. Nhưng thời gian rồi cũng qua, em và các bạn cũng trở thành bạn bình thường trở lại. Sau việc đó, anh thấy hơi có lỗi với bạn của em và em. Anh tự hỏi, chẳng lẽ anh sẽ phải làm như thế này để bảo vệ cho em gái mình hoài hay sao, anh thấy em đủ lớn rồi đã có khả năng nhận biết, ý thức trong cách sống và chọn lựa cho mình rồi, anh sẽ không ngăn chặn hay bắt ép em phải sống và quen bạn theo cách nhìn của anh nữa. Anh sẽ chỉ đứng vòng ngoài và quán sát thôi, khi cần thiết thì anh sẽ chỉ góp ý cho em để em thấy và lựa chọn quyết định. Anh sẽ không cư xử hồ đồ như xưa nữa, vì anh nhận ra rằng: ai cũng có những suy nghĩ, quan điểm, lựa chon riêng của họ, ta không thể ép họ đi theo cách sống của ta dù cách đó ta cho là hay nhất, là tuyệt đỉnh nhất, ta càng ép họ thì họ càng thấy khó chịu và không muốn chấp nhận. Đó là một phần của lý do mà anh không nhắc đến tên em, em đã có thể đứng dậy và đi như mọi người trong xã hội, dù có thể bước chân còn chưa vững chắc trên con đường em đang đi. Nhưng anh biết cha, mẹ, các cô, bác, anh, chị vẫn đang đứng kề bên, quán sát và nâng đỡ em, họ sẽ nâng đỡ em mỗi khi em té, sẽ đáp lời mỗi khi em gọi, sẽ ủng hộ mỗi khi em quyết định và sẽ kề bờ vai cho em tựa mỗi khi em cảm thấy mệt mỏi và muốn khóc. Anh cũng vậy, cũng sẽ yểm trợ và giúp đỡ cho em mỗi khi em thấy cần sự giúp đỡ, tuy anh không có tiền tài, vật chất như mọi người ngoài xã hội nhưng anh có thể giúp em sẻ chia mỗi khi em cần. Dù anh đang ở xa nhưng trong tâm anh luôn hướng về mọi người, dù anh ít nói và ít liên lạc với mọi người nhưng anh thương mọi người lắm. Ngọc à! Trong anh đã có cả đại gia đình rồi và trong em cũng thế. Anh, em, chị sáu, chú bảy, bác sáu… đều đã có trong nhau, chúng ta có chung một nhóm gen từ ông bà, tổ tiên để lại, chúng ta cũng có các giác quan và khả năng thương yêu như nhau, mỗi khi buồn, khi vui ta đều suy nghĩ về người thân của ta. Đã khi nào em ăn một món ăn ngoài tiệm mà em nhớ đến mẹ khi mà mẹ nấu ăn cho gia đình mình ăn cơm chung với nhau không? Khi ấy, em hạnh phúc lắm đúng không? Anh đoán là chắc em sẽ hạnh phúc lắm nhỉ! Đó chính là lúc cả gia đình đã có mặt trong em rồi đó, và ngay lúc này em và gia đình cũng đang có mặt trong anh, trong tâm và trong mỗi tế bào của anh. Chúng ta đều đã có mặt trong nhau, quan trọng là ta có chấp nhận nhau hay không? Anh rất muốn em qua đây chơi và thực tập tại tu viện một thời gian, thật sự từ trong tâm, anh rất muốn em đi xuất gia với anh. Dù biết rằng con đường xuất gia tu học rất khó khăn và đầy thử thách, nhưng niềm vui, hạnh phúc từ sự tu học và sống trong tăng thân mang lại thì cũng rất nhiều. Anh mong một ngày nào đó ước muốn của anh sẽ thành hiện thực. Thôi đừng trách anh sao lại vô tình nữa nhé, những điều này anh viết ra từ nội tâm và tình thương anh dành cho em, đối với Thịnh, Toàn, Quyền, Pha Lê, Quyên… cũng vậy thôi, anh biết tụi em cũng nhớ anh lắm phải không? Nếu đúng vậy thì để khỏi phụ tình thương của anh thì nhớ cố gắng học và ngoan ngoãn, hiếu thảo nghe lời dạy của cha, mẹ, chú, bác nhé, “tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đi tu”. Hi hi câu này anh tặng cho em đó nhé! Chắc mấy đứa thế nào cũng sẽ nói: “Vậy tại sao anh bảy không đi về nhà tu cho sướng, đi đâu cho xa, cho cực vậy, phải không nè?”. Trường hợp của anh khác, tuy nói khác nhưng thực chất giống nhau thôi. Tuy anh đi tu xa nhưng anh vẫn thờ cha, kính mẹ như ngày nào vậy và thậm chí còn hơn xưa gấp bội lần nữa đấy. Nhưng vì con đường phụng sự cao quý, sống vì mọi người và muốn thử thách bản thân, nên anh phải tạm xa quê hương hình chữ S thân yêu của mình, tạm xa xóm làng, cha mẹ, cô, bác, và các em thân thương của anh. Và một ngày nào đó, anh sẽ giải thích cho các em nghe và hiểu rõ con đường của anh đã chọn và đang đi, có lẽ thời gian sẽ giúp anh trả lời tất cả, và rồi đến một lúc nào đó các em sẽ lớn lên, sẽ có những suy nghĩ, những thao thức và có thể các em cũng sẽ bước thêm một bước, giống con đường mà anh đang đi thôi. Cuối thư, xin tặng cho Ngọc và mọi người trong gia đình một câu thơ: “Dẫu mai này đời muôn vạn nẻo Cần nhớ tên nhau đã đủ rồi”. Thân thương! *
https://159.223.73.115/