CÂU CHUYỆN CỦA TÔI

Khi tôi lên sáu và bắt đầu vào trường tiểu học, bố mẹ đã hỏi tôi rằng liệu tôi có muốn theo học ở một lớp về giáo dục tôn giáo hay không. Ở nước Ý, hầu hết các cậu bé học trò đều được nhận một chứng chỉ về tôn giáo. Điều đó có nghĩa là hằng tuần phải hy sinh một buổi chiều để đến nhà thờ học giáo lý. Tôi thấy háo hức về điều đó bởi vì hầu hết bạn bè của tôi đều sắp sửa làm cái điều như thế và tôi cũng chắc chắn rằng điều đó sẽ rất vui. Điều khác biệt duy nhất giữa tôi và bạn bè của mình là tôi đã không được nuôi dưỡng trong việc đi đến nhà thờ đó hay theo đuổi bất kỳ một tôn giáo nào nói riêng. Và vì vậy, tôi không có suy nghĩ gì về những điều đang chờ đợi tôi.

Vào ngày đầu tiên, tất cả chúng tôi tập trung ở nhà thờ lớn. Chúng tôi chia thành nhiều nhóm tùy theo độ tuổi. Tôi rất hớn hở vì trong nhóm đó có một đôi là bạn của tôi. Cô giáo của chúng tôi là một vị ma-sơ già đeo đôi mắt kính dày cộm, đến và đưa chúng tôi đi. Một điều mà ngay lập tức bà ấy làm cho tôi dội là bà ấy chẳng bao giờ

cười. Và đó chỉ là điều mới bắt đầu. Dần dần, khi nói chuyện cùng với những người bạn, tôi bắt đầu thấy rõ ràng hơn toàn bộ sự thật. Những câu chuyện thị phi về bà ấy thật kinh khủng. Một người bạn kể với tôi rằng: “Mình có một người cậu bị bà ấy cắn”. Và ngay lập tức một người bạn khác phản hồi: “Nhằm nhò gì, bà ấy bắt cậu tớ nằm trên một tảng băng và ném vào người cậu tớ nhiều loại hóa chất”. Tôi đột ngột quyết định sẽ kể rằng tôi cũng có một người cậu bị bà ấy tra tấn: “Cậu của mình bị bà ấy treo chốc đầu xuống trong một tuần lễ chỉ vì cậu mình không đứng dậy khi bà ấy bước vào lớp”. Chẳng mấy chốc, đối với chúng tôi, vị ma-sơ đó trở thành một người có tính cách thật là dữ tợn và tất cả chúng tôi đều thấy khiếp sợ với những gì vị ma-sơ đó có thể làm.

Cho đến trước khi tham dự vào lớp học tôn giáo đó lần thứ hai, tôi mới phát hiện ra rằng tôi đã làm mất quyển tập của mình. Trong giờ kế tiếp đó, tôi đã suy diễn ra đủ thứ những điều thật tồi tệ có thể xảy đến với tôi. Cuối cùng tôi quyết định không đến lớp học đó thêm một lần nào nữa. Sau giờ học, tôi chạy về nhà, mặt cúi gầm xuống đất và thưa với mẹ tôi rằng: “Mẹ ơi!… Mẹ biết không… Lớp học tôn giáo đó chẳng tốt cho con đâu mẹ ạ”.

 

Bây giờ khi nhìn lại khoảng thời gian đó tôi cảm thấy thật buồn cười. Sau tất cả những gì có thể xảy ra, tôi vẫn thường tự hỏi mình rằng liệu vị ma-sơ đó có thật sự tồi tệ như những gì chúng tôi đã từng nói. Tất cả những gì chúng tôi kể chỉ là những chuyện hoang đường, huyễn hoặc, chẳng có nghĩa lý gì cả và nó vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến con đường đi đến sự thực tập tâm linh và tôn giáo của chúng tôi. Đối với nhiều người trong chúng ta, tôn giáo đã trở thành một thứ gì đó mà chúng ta bắt buộc phải theo nếu chúng ta không muốn bị trừng phạt hay bị la mắng.

Nghĩ về điều này làm tôi dễ dàng nhận ra rằng có hai điều kiện rất lớn mà tôi có thể chạm được rất thường xuyên trong đời sống hàng ngày của chính mình. Điều thứ nhất là tôi có thể tự hào mà nói rằng trong số các sư chị, sư em của tôi hôm nay, không có ai trông tệ hại giống như vị ma-sơ ấy. Phải thực lòng mà nói rằng, trong số họ, có nhiều vị rất ư là dễ thương nữa là đằng khác. Điều kiện thứ hai liên quan nhiều hơn đến nghiệp của Tăng thân chúng ta. Tôi có thể nhìn thấy rất rõ trong mỗi đứa trẻ đến với Tăng thân, bằng cách nào đó đã trở nên hạnh phúc hơn. Trẻ em có thể chưa phát triển nhiều về mặt kiến thức. Tuy nhiên, họ biết rất rõ giá trị của hạnh phúc và họ cũng biết rất rõ cái gì làm nên sự cô đơn và đau khổ. Nhiều người trong số họ, thậm chí tuổi đời còn rất trẻ, đã từng chứng kiến sự chia tay của bố mẹ mình hoặc hiếm khi được nhìn thấy bố mẹ mình hòa hợp với nhau trong suốt một ngày. Trong thời gian ở Singapore, tôi cũng đã bị sốc khi nhìn thấy những cậu bé, cô bé còn rất trẻ lại phải chịu rất nhiều áp lực và căng thẳng như thế nào để đảm bảo cho họ có được một tương lai giàu có. Ngày nay, có những cuộc cạnh tranh để giành cho được một suất vào học tại trường mẫu giáo chuẩn, để họ có thể vào được trường trung học chuẩn, rồi sau đó vào trường đại học chuẩn để họ có được một công việc ngon lành. Chúng ta đừng nên nghĩ rằng, đối với một đứa trẻ, mọi thứ chỉ là vui chơi.

Thường thì chơi trong các chương trình của thiếu nhi trong suốt khóa tu. Trước khi các em ra về, tôi thường hướng dẫn cho các em cách thực tập thiền ôm. Khi các em làm thiền ôm với tôi, tôi thở một cách có chánh niệm và tôi quán chiếu về cuộc đời của các em. Tôi có thể nhìn thấy được các em sẽ phải nếm trải những cảm giác căng thẳng, chia ly và mất mát, và nếu hạt giống hạnh phúc trong tàng thức của các em không đủ mạnh thì cuộc đời của các em sẽ không có cơ hội để thăng hoa. Khi tôi có khả năng giữ được ý thức này, thật là rất dễ cho tôi có đủ năng lượng để chơi đùa và thực tập cùng với các em. Những hình ảnh ấy luôn đi thẳng vào trái tim tôi và tưới tẩm cho những khao khát, ước muốn trong tôi, muốn  được làm điều gì đó giúp cho các em có được một cuộc sống hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng thật là khó cho một thầy hay một sư cô tìm được hạnh phúc nếu như các vị không thành công trong việc tìm ra cách để giúp đỡ cho người khác. Tôi có cảm giác rằng niềm khao khát được giúp đỡ đó như một tiếng gọi từ sâu thẳm trong trái tim chúng ta, như một âm thanh ngọt ngào luôn thì thầm bên tai chúng ta bài hát về vô thường và vô ngã. Một phần trong tim chúng ta luôn ý thức rằng thân này không phải là ta, cái ta thật sự thì lớn hơn rất nhiều và có những lúc nó được tìm thấy trong nụ cười của các em thơ. *

https://159.223.73.115/