BÔNG HỒNG CÀI ÁO VÀ CHỨNG NGỘ CỦA SƯ ÔNG LÀNG MAI

Tuy nhiên, ít người biết rằng đoản văn Bông Hồng Cài Áo là hoa trái của sự giác ngộ thiền tập của Sư Ông mang tên Hiện Pháp Lạc Trú. Những năm tháng dạy học tại trường đại học Princeton – Mỹ, Sư Ông đã dành nhiều thời gian cho thiền tập, đặc biệt là thiền hành và đạt được cái thấy về Hiện Pháp Lạc Trú. Và Sư Ông đã viết Bông Hồng Cài Áo đó với sự ý thức về mẹ như một món quà hạnh phúc ngọt ngào trong giây phút hiện tại mà ta có thể nếm và cảm nhận được.   

Sẽ có nhiều người đọc đoản văn Bông Hồng Cài Áo và cảm thấy hối hận vì đã không chăm sóc và thương yêu mẹ mình đủ nhiều. Đã có rất nhiều buổi nói chuyện, bài pháp thoại tại Việt Nam về tình mẹ, khơi gợi được nhiều lòng trắc ẩn, tình cảm mẹ con trong lòng người nghe. Tuy nhiên, chất liệu tình mẹ trong Bông Hồng Cài Áo không phải chỉ được nuôi bởi lòng nuối tiếc, sự trách móc bản thân hay hối hận về những việc làm không hay của ta với mẹ. Chất liệu tình thương mà Bông Hồng Cài Áo muốn ta hướng đến là sự trân trọng, gìn giữ, nuôi dưỡng lòng thương yêu của bản thân đối với sự có mặt của người mẹ và những người thân trong gia đình. 

Đối với Sư Ông, mẹ là một đề tài thiền quán và Người đã thành công với đề tài đó. Trong một đêm trăng của những năm thập niên 50 tại Bảo Lộc, Sư Ông đã mơ một giấc mơ và khi tỉnh lại, Người đã không còn cảm thấy mẹ đã mất hay không còn nữa. Sanh diệt khi đó thật sự chỉ là một ý niệm. Tại Mỹ, Sư Ông đã nhìn mẹ với cái nhìn Hiện Pháp Lạc Trú và đoản văn Bông Hồng Cài Áo được ra đời.  Trong tuệ giác sinh diệt và tương tức, mẹ có thể là hoa hồng, hoa cúc, hoa lan hay bất cứ một biểu hiện mầu nhiệm nào đó của sự sống. Nếu ta biết nhìn mẹ như là một đối tượng của thiền quán và nhận ra rằng sự có mặt của mẹ mầu nhiệm như sự có mặt của muôn loài sự sống thì có thể ta sẽ thấy mẹ với một cái nhìn mới, hình thái mới. Vẫn còn đó những buồn phiền của mẹ, những khó khăn chưa được giải quyết giữa mẹ và ta nhưng sự có mặt của mẹ trong cuộc đời của ta qua muôn trùng gian khó từ khi là một cô bé đến thiếu nữ và thành một người mẹ…. mẹ thật sự là một điều mầu nhiệm.

Biểu hiện rõ ràng nhất của tuệ giác Hiện Pháp Lạc Trú trong Bông Hồng Cài Áo có lẽ là hình ảnh “một chiều nào đó anh về…”, cầm tay mẹ và nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Ta không cần phải quá lớn hay quá con nít để nói câu nói đó. Ta cũng không cần phải chờ tới khi nào ta hết bận rộn, hoàn toàn tự do, hay giữa ta và mẹ không còn những khó khăn nào cả thì mới nói câu đó. Chỉ cần ta nói câu nói đó thôi,  với một ý thức đong đầy hay mỗi khi tác ý tới mẹ bằng câu thiền ngữ đó, một bông hoa tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con được nở ra và ôm lấy tất cả nỗi niềm và hạnh phúc trong bản thân mỗi người. 

Mùa Vu Lan năm nay đã về, Bông Hồng Cài Áo đã tròn 60 tuổi. Chúng ta hãy tự mình đọc lại đoản văn với tuệ giác Hiện Pháp Lạc Trú mà Sư Ông đã chứng ngộ và trao truyền. Ta hãy đọc đoản văn với lòng thanh thản, với hơi thở nhẹ nhàng, với ý thức rằng mẹ là một biểu hiện mầu nhiệm của sự sống trong cuộc đời chúng ta. Dẫu có những nuối tiếc và hối hận về những điều đã qua, nhưng với ý thức Hiện Pháp Lạc Trú và chánh niệm, ta sẽ thấy mẹ và thương mẹ với một tình thương chân thật và thanh thoát hơn.

Bạn thân mến,

Mùa Vu Lan, chúng ta nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà Tổ tiên trong ta, nuôi dưỡng chính ta bằng sự thực tập tưới tẩm hạt giống tốt, trong đó có hạt giống của lòng biết ơn và phát nguyện đền ơn.  Kính mời bạn thưởng thức bài viết dưới đây bởi Thầy Chân Phương Cần, một vị xuất sĩ trẻ dành rất nhiều tình thương dành cho Sư Ông Làng Mai và cho Tăng thân Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan, nơi Thầy đang sống và thực tập cùng Đại chúng.

Mến chúc bạn và gia đình có nhiều niềm vui trong sự thực tập!  Bạn có biết gì không?  Biết là, chúng ta là anh chị em một nhà.

Thân mến,

Quý thầy, quý sư cô

Tu viện Vườn Ươm – Làng Mai Thái Lan

https://159.223.73.115/